logo
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách





ttt
Thanh Tâm Tuyền, qua Choé

Tiếp tục chủ đề Năm Mươi Năm Di Cư, Lưu Vong [1954-2004], bắt đầu từ số trước, số này Khởi Hành cho đăng một trong những truyện ngắn tiêu biểu của giai đoạn trên.
Cuối Đường, truyện ngắn Thanh Tâm Tuyền, đăng lần đầu trên Sáng Tạo số 25, đặc biệt về Hà Nội, phát hành tại Sài Gòn, Tháng Mười, 1958, cũng là số đặc biệt kỷ niệm đệ nhị chu niên của ST.
[Trích Lời Tòa Soạn, báo Khởi Hành do Viên Linh chủ trương].
Trên Tin Văn, sẽ tiếp tục giới thiệu, một trong những truyện ngắn tiêu biểu của Thanh Tâm Tuyền, do chính tác giả tuyển chọn để đăng trong Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta [Nhà xb Sóng, Sài Gòn, do Nguyễn Đông Ngạc chủ trương,1973] (1): Dọc Đường.
(1):Nhan đề thực sự của cuốn sách, khiêm tốn hơn nhiều: Hai mươi năm văn học miền nam 1954-1973.

Thanh Tâm Tuyền
Tên thật Dzư Văn Tâm, sinh ngày 13.3. 1936 tại Vinh [Ông quê Hà Đông. Vinh là nơi ông cụ thân sinh của ông làm việc. NQT]. Bắt đầu dậy học tại trường Minh Tân, Hà Đông [1952], và đăng những truyện ngắn đầu tay trên tuần báo Thanh Niên [Hà Nội]. 1954, hoạt động trong Tổng Hội Sinh Viên Hà Nội, cùng Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ chủ trương nguyệt san Lửa Việt. 1965, cùng các bạn làm tuần báo Dân Chủ, tuần báo Người Việt. 1956-1960, cùng một số bạn thực hiện nguyệt san Sáng Tạo. Nhập ngũ năm 1962, giải ngũ năm 1966, tái ngũ năm 1968.
Các tác phẩm chính:
Thơ: Tôi không còn cô độc - Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy.
Kịch: Ba Chị Em.
Truyện ngắn: Khuôn Mặt - Dọc Đường.
Truyện dài: Bếp Lửa - Cát Lầy - Mù Khơi - Tiếng Động
[Nhà xb Sóng]
Quan niệm về truyện ngắn [Trả lời nhà xb Sóng]: Truyện ngắn là truyện không thể nào viết dài.


 Cuối Đường

Thanh Tâm Tuyền 

            Đầu năm 1949 tôi bỏ Sài Gòn về Hà Nội. Từ một thành phố yên ổn vui tươi trở lại, tôi rơi xuống một thành phố điêu tàn ngơ ngác. Những ngày đông lạnh lẽo ngắn thêm vì giờ giới nghiêm. Ngay giữa phố đông đúc như Hàng Bông, Hàng Đào vẫn còn nhiều nhà đổ nát tan hoang. Khoảng bẩy giờ tối hết xe điện, người ta nhường phố xá cho lính lê dương say rượu. Thỉnh thoảng về muộn tôi phải đi qua những phố vắng tanh, vội vã lẩn lút trên vỉa hè hay sau hàng cây như một tên ăn trộm. Có khi lính Tây đuổi tôi để được la hét cho đỡ buồn, tôi chạy quanh co hết phố này sang phố khác như chơi dượt bắt với chúng. Một hôm tôi bị rượt nà từ phố Đường Thành, chạy về Quan Thánh. Vừa băng qua vuờn hoa Hàng Đậu sang phiá Nhà Thương Khách thì từ một ngách tối một tên xồ ra chụp được tôi.
    Tôi vùng vẫy và đánh trúng mặt nó khiến cái mũ trắng rơi xuống đất, tôi có thể chạy thoát. Nhưng tôi đứng nguyên một chỗ nhìn tên lính cúi xuống nhặt mũ, nó cười sằng sặc. Nó trẻ bằng tôi, mắt xanh như mắt mèo. Nó quàng vai tôi, mời tôi vào quán uống rượu. Tới mười giờ đêm, nó dìu tôi về tận nhà. Trước khi chia tay, nó ôm hôn lên đầu cổ tôi như mưa rồi khóc. Tôi tức giận gạt mạnh nó rồi lảo đảo vào nhà. Chị tôi sợ hãi đóng chặt ngay cửa. Tên lính còn đứng lại đập cửa la hét nguyền rủa hàng giờ sau mới chịu bỏ đi.
    Nhà tôi ở khu Ngũ Xá. Hồi ấy tôi thất nghiệp ăn ở nhờ gia đình chị tôi, dạy mấy đứa cháu nhỏ trừ tiền cơm. Tiền tiêu vặt vãnh là tiền dành dụm trong mấy năm làm ăn ở Sài Gòn. Mỗi buổi sáng tôi dậy với những chuyến xe điện thứ nhất lên phố. Những chuyến xe buổi sáng thường kéo theo hai ba toa tối om chạy băng băng không ngừng, tôi nhảy bám vào toa sau cùng chắc chắn không phải lấy vé lên đến tận chợ Hôm. Trời buổi sáng bao giờ cũng lạnh cóng, tôi tựa vào thành xe trông lại phía sau con đường sắt bóng mướt và mặt đường tê cứng. Qua đầu phố Hàng Đào nơi một đống gạch đổ tôi còn thấy những mảnh vải rách rưới rúc vào nhau mà ngủ. Đến chợ Hôm trời cũng đã mờ sáng. Tôi ghé xuống lề đường ngồi xổm ăn một đồng xôi lúa nóng chan mỡ hành béo ngấy rồi đi lang thang đợi đến chín giờ về thư viện đọc sách.
    Bỏ học đã lâu, tôi định lợi dụng thời gian nhàn rỗi này học thi Tú Tài. Thư viện thật tĩnh mịch, mặt bàn nhẵn trơn tru, ghế cao và rộng. Phòng đọc sách lớn nhưng thường thường chỉ có dăm bẩy người, mỗi người một bàn thật xa nhau để khỏi nhìn thấy nhau. Chúng tôi làm việc trong không khí dễ dãi quen biết, mỗi người có thể mượn số sách không giới hạn bầy đầy trước mặt trong khi luật lệ ấn định không lấy quá hai cuốn một lần. Tôi chọn một góc kín đáo khuất sau một cái cột mà từ người thủ thư cho tới người giám thị phòng đọc ngồi ở chỗ của họ không thể nhìn thấy tôi. Góc ấy lại gần lò sưởi ấm, lúc nào buồn tôi có thể ngủ được. Thường buổi trưa tôi ngại không về nhà, tôi ăn buổi trưa - một cái bánh tây, một ly cà phê sữa - ở ngay gian nhà gửi xe của thư viện. Quãng năm giờ tôi rời thư viện vì vào giờ ấy tôi thường gặp phải những ông công chức mới hồi cư vào lục lọi những chồng công báo dày hàng chục năm để tìm cái nghị định bổ nhiệm xin hồi ngạch.
    Mùa đông qua hết, đến mùa xuân rồi tôi vẫn chẳng học được chữ nào, óc của tôi chưa quen lại được bài vở. Hằng ngày tôi vẫn lui tới đều đặn thư viện nhưng toàn đọc sách truyện nhảm nhí. Tôi có ý định kiếm việc làm. Những chuyến xe điện buổi sớm đã chạy chậm hơn một chút trong buổi mai êm dịu và toa xe cuối cùng không còn tối nhiều như khi mùa đông nữa. Tôi thường phải lẩn tránh người soát vé đứng ở toa đầu máy nhìn xuống rình mò.
    Một buổi kia trời bỗng trở rét dữ dội. Con tầu lại chạy với tốc độ mùa đông. Tôi thảnh thơi đứng tựa thành xe quay lưng lại với toa đầu máy, lắng nghe tiếng khẹt khẹt của cái cần điện chạm vào dây ở trên đầu. Người soát vé xuống đứng bên cạnh lúc nào tôi không hay. Hắn vỗ vào vai tôi làm tôi hoảng hốt. Không quay lại tôi vội vàng nhảy ùa xuống đường. Đà xe mạnh làm tôi ngã úp xấp và chết ngất.
    Khi hồi tỉnh tôi vẫn còn nằm trên mặt đường cạnh đường sắt. Tôi quờ tay lên đường sắt bóng và mặt nhựa gồ ghề. Phố xá lặng thinh. Rồi tôi nghe tiếng xe điện sắp đến từ xa. Chỗ tôi nằm ngay đầu Hàng Đào, những manh vải rách rưới vẫn quấn lấy nhau ngủ vùi. Tôi lồm cồm bò lên vỉa hè. Chuyến xe điện qua thản nhiên. Áo tôi rách toạc một mảnh ở vai, chân tay mặt mũi tôi sây sát rớm máu. Tôi khập khễnh đi xuống Hồ Gươm vốc nước rửa. Nước lạnh giá làm đau xót các vết thương. Tôi ngồi xuống vệ cỏ khóc cho ấm mắt, cuống họng, và ngực. Chán không khóc nữa tôi đứng dậy.
    Chiều hôm ấy rời khỏi thư viện tôi không muốn về nhà. Tôi muốn ngủ đêm ở một chỗ khác nhưng chẳng nghĩ ra chỗ nào có thể về được. Tôi cứ lang thang qua các phố cho tới khuya. Trời rét như cắt tôi chỉ mặc một tấm áo “blouson”. Các vết thương nhức nhối. Mồ hôi nhờn cả da mặt. Tôi tức giận vô kể. Tôi không gặp những tên lính Tây say quấy phá. Tôi chờ đợi một đội tuần tiễu nào sẽ nhặt tôi về trại giam. Hay thí cho tôi một tràng đạn sợ hãi vào ngực. Tôi sẽ nằm thẳng cẳng ở giữa cái thành phố co dúm này. Cuối cùng tôi vẫn phải về nhà. Chị tôi dương cặp mắt khiếp hãi nhìn tôi. Ông anh rể càu nhàu trong màn. Sáng hôm sau chị tôi bôi thuốc đỏ vào các vết trầy, tôi ngồi nhà không lên phố. Tôi gọi lũ cháu mang sách vở tới gần xem xét và đánh cho chúng một trận nên thân. Chị tôi khép nép sợ sệt thay cho con. Tôi tát chúng mạnh quá đến nỗi bàn tay ê ẩm. Chị tôi xuống bếp khóc, lũ trẻ ra ngoài đầu hè khóc, bỏ gian nhà trống cho tôi với những vết thương bắt đầu mưng mủ.

Trong năm ấy tôi gặp một đứa bạn cũ hồi còn học lớp nhất trường tỉnh. Hắn trông nom một xưởng sửa chữa xe hơi. Hắn mời tôi vào một quán nước cạnh đền Bà Kiệu. Cầu Ngọc Sơn đã được sơn lại mới đỏ như quết trầu. Mùa xuân còn mới trên màu nước của Hồ Gươm, những rặng cây ven hồ. Tôi ngỏ ý với bạn muốn xin làm chân phụ việc ở xưởng hắn để học nghề sửa chữa. Hắn hỏi tôi mấy năm ở Sài Gòn tôi làm nghề gì. Tôi nghĩ lại cũng ngạc nhiên không hiểu tôi đã sống cách nào, tôi không có nghề ngỗng gì hết, tôi trả lời như vậy với hắn. Hắn bảo tôi tại sao không xin đi làm, tôi còn đỗ được cái bằng Trung học Pháp đâu như hắn không có bằng cấp gì. Tôi nói tôi vốn ghét ngồi bàn giấy. Hôm sau theo lời hẹn tôi tìm đến xưởng máy. Tôi lên một chuyến xe điện đã đông người, chạy từng chặng nhỏ qua các phố tấp nập. Xưởng ở trong ngõ khuất nẻo giữa phố Tây. Tôi bước giữa hai hàng rào rậm lá mát mẻ xếp đặt chương trình trong đầu. Mỗi buổi sau giờ làm việc tôi sẽ thong thả về thư viện nghỉ ngơi đọc sách. Ông quản lý chưa đến, tôi phải đợi. Tôi ngồi trên cái đe sắt giữa sân, chung quanh bừa bộn dụng cụ và người ta làm việc. Thỉnh thoảng tôi cũng chuyển dùm lên tay, không rời chỗ cho người khác, cái búa cái lặc lê… Nắng đã làm tôi bứt rứt nhấp nhổm. Ông quản lý đến. Hắn trông thấy tôi từ cổng vào và mỉm cười với tôi. Song hắn còn đi dặn bảo công việc cho mọi người khắp lượt mới đến chỗ tôi. Hắn rủ tôi ra ngoài đường. Hắn lại đưa tôi vào quán nước hôm qua, ngồi đúng cái bàn cũ. Ngập ngừng mãi hắn ngỏ ý khuyên tôi tìm việc khác làm vì hắn thấy công việc ở xuởng không hợp với tôi. Lúc ấy tôi mệt mỏi ngáp dài không buồn trả lời. Hắn móc túi cho tôi ba trăm bạc. Bắt tay từ giã hắn tỏ ra ân hận đã không chiều ý tôi nhưng hắn nhấn mạnh rằng như thế rất hợp lẽ và tốt cho tôi về sau này.
    Tôi lủi thủi trở về thư viện. Chỗ tôi thường ngồi có người chiếm mất. Tôi bực mình, phòng đọc sách có hàng chục bàn trống sao hắn lại lủi vào góc ấy. Tôi đến đứng đằng sau lưng ghế của tôi, bảo với người ngồi rằng đó là chỗ hàng ngày của tôi chiếm yêu cầu hắn rời đi chỗ khác. Hắn ngửng mặt nhìn tôi, bộ mặt đẹp trai. Hắn rời sang ghế bên cạnh. Tôi ngồi vào chỗ xong lại bảo hắn tôi không thích ai ngồi gần tôi như thế vướng víu tôi lắm. Tôi yêu cầu hắn ngồi sang bàn khác và nên chọn bàn nào khuất khỏi tầm mắt tôi, tôi không ưa sự có mặt của người khác. Hắn lại nhìn tôi một lần nữa, hiền lành và dễ thương. Rồi hắn lặng lẽ thu xếp sách vở đổi chỗ khác. Tôi ngủ chập chờn rất nhiều giấc nhỏ trên ghế. Mỗi khi chợp đi trong đầu tôi ồn ào náo nhiệt, tỉnh lại chung quanh lặng ngắt quạnh hiu. Vào giữa trưa tuyệt đối yên tĩnh. Tấm kính lớn che mặt trước phòng đọc sách mỏng như tờ giấy. Mọi người đã về hết chỉ còn người thủ thư và người giám thị ngồi nguyên chỗ. Tôi xuống nhà gửi xe ăn trưa. Cái đầu ghế dài ở trong góc tối một người đã ngồi. Hắn tỏ ý muốn chào tôi và tôi ngạc nhiên không quen mặt. Hắn đứng lên, tôi ngồi vào chỗ bỏ trống. Trong tối nhìn ra tôi mới nhớ mang máng hình như hắn là người đã chiếm chỗ tôi hồi sáng trong phòng đọc. Tì tay vào tủ hàng, hắn trông ra phố. Dáng của hắn là học trò, người gầy dong dỏng, tay chân quều quào như củi. Mái tóc chải lật ngược đầu lớn so với mình. Mắt hắn mỗi khi nhìn buồn một vẻ thản nhiên. Tôi bỗng thấy tội nghiệp hắn. Và tôi gợi chuyện trước để chúng tôi quen nhau. Tên hắn là Quang.
    Từ sau mỗi lần ra thư viện Quang ngồi trước mặt tôi. Công việc của hắn là chép và tự minh họa những bài thơ lãng mạn vào một cuốn vở đóng bìa gáy da kỹ lưỡng. Tôi bực mình một hôm đã giảng cho hắn biết cái lãng mạn ấy lỗi thời lắm rồi. Đời sống của người ta không phải là những giây phút ngồi gọt rũa tỉ mỷ những cảm xúc, tình ý vụn vặt. Đời người là một sự trống rỗng lớn cần lấp đầy bằng tất cả những gì mình có, nghĩa là sự tự do của mình. Đừng giết thì giờ lối đàn bà. Và trong khi hắn ngồi viết như thế có nhiều người đang chết. Nghe tôi nói Quang buồn lắm, hai tay hắn lúng túng vụng dại. Hắn tâm sự với tôi về gia đình của hắn. Mẹ hắn nghiện thuốc phiện, hắn còn chị cả chưa lấy chồng, một đứa em trai học cùng lớp và bốn đứa em nhỏ. Gia đình nghèo túng, hắn đang nạp đơn xin việc. Hắn tiếc không được theo đuổi học hành và biết mình không đủ thông minh, tinh thần để tự học. Đứa em trai học ngang hắn thông minh xuất sắc hơn hắn. Hắn thú nhận rằng bản chất của hắn là yếu đuối không thể sống mà không nương tựa vào kẻ khác. Có phải ai cũng phá vỡ được hiện tại của mình để phiêu lưu vào tương lai đâu. Tôi bảo hắn tôi là người rất ghét nghe chuyện tâm sự. Tôi không nghèo nàn đến nỗi phải giả bộ sống bằng những mẩu chuyện tưởng tượng của kẻ khác. Nội đời của tôi đủ cho tôi sống chưa hết, đủ cho tôi biết thế nào là khổ sở, là ý nghĩa của kiếp người. Đời hắn là của hắn, hắn phải tự nhận lấy mà sống, tôi không can dự gì hết. Rồi tôi mỉm cười  nói cho hắn biết thật ra sự khổ sở của hắn cũng chẳng lấy gì thê thảm lắm. Sau buổi nói chuyện ấy chúng tôi yên lặng nhưng vẫn chơi với nhau.
    Mùa hè, tôi và Quang  thân mật với nhau hơn, chiều chiều tôi đi chân với Quang về qua nhà hắn. Nhà Quang ở là buồng trong một căn nhà bị trái phá bắn sụp phía ngoài. Gạch ngói được xếp đống gọn gàng, nhưng cỏ hoang mọc bừa bãi trên nền đất. Tôi dậy thêm mấy đứa trẻ hàng xóm cùng lũ cháu và chị tôi mua cho tôi được một chiếc xe đạp cũ. Thỉnh thoảng tôi đèo Quang xuống Hồ Tây tắm. Hắn không biết bơi chỉ ngồi trên bờ trông quần áo cho tôi và mơ mộng. Một bữa tôi nhất định kéo hắn xuống nước, hắn suýt chết đuối nếu tôi không bình tĩnh. Lên bờ mặt hắn tái mét thở không ra hơi. Khi về hắn bảo nếu chẳng may hắn chết hôm ấy gia đình sẽ cho là hắn tự tử vì thất tình. Cô hàng xóm hắn để ý vừa bỏ nhà theo trai. Tôi cười riễu nói rằng chỉ những anh chàng yếu đuối mới cần ái tình làm chỗ trốn thân phận và mới thất vọng ê chề. Người ta dễ yêu nhất vào trường hợp nào? Khi người ta thất bại, khi người ta sợ phải chịu đựng kiếp sống một mình nghĩa là khi người ta bỏ chạy. Quang không bày tỏ ý kiến. Tôi đưa hắn về nhà và đạp xe đi chơi.
    Thành phố Hà Nội đông đúc hơn trước. Buổi tối đã nhiều người dạo mát quanh bờ Hồ và những phố buôn bán. Tôi ra bờ sông, lên nằm dài trên một đống cát còn ướt người ta vừa lấy ở dưới sông lên. Tôi nằm im và buồn không muốn cử động.
    Ít hôm sau Quang từ biệt tôi để đi làm. Hắn xin được một chân Công An, hắn nhìn tôi dò xét ý kiến. Tôi chẳng quan tâm. Hắn cười cho biết thêm nhiệm vụ của hắn là ngồi bàn giấy biên chép tên những người hồi cư. Hắn phải lên quận VT thuộc tỉnh Sơn Tây. Hắn muốn được cùng tôi đi chơi. Tôi từ chối vì vốn ghét cái không khí những buổi chia tay. Hắn bắt tay tôi về nhà thu xếp hành lý. Tôi chúc hắn may mắn.
    Thỉnh thoảng được ngày nghỉ về Hà nội Quang vẫn tìm gặp tôi. Nhưng chúng tôi chẳng biết nói chuyện gì với nhau nên những cuộc gặp gỡ hết sức ngắn ngủi và tẻ nhạt. Hồi này tôi được một người quen cũ của gia đình giao cho trông nom một tràng than. Công việc bận rộn suốt ngày, tôi không còn thì giờ nghĩ ngợi lăng nhăng. Lần gặp cuối cùng tôi thấy Quang đen và vững chãi hơn trước, tôi bảo hắn biết điều ấy. Quang mỉm cười nhưng con mắt thì vẫn buồn một vẻ thản nhiên.

        Khoảng hơn tháng sau tôi đọc báo thấy tin quận VT nơi Quang làm việc bị tấn công trong đêm tối, tất cả nhân viên trong quận đều bị bắt mang đi. Tôi muốn tới hỏi thăm gia đình Quang song lại thôi vì nghĩ không quen ai. Tôi qua lại nhiều lần căn nhà đổ nát nhìn vào trong thấy ánh đèn thấp thoáng rồi không vào. Tôi bỏ đi trong các phố tối nhiều cây. Trời đã lại mùa đông rét ngọt. Tôi hút nhiều thuốc đến buồn nôn. Khi trời đã khuya lắm, tôi lạnh nổi gai ốc cùng mình, ngực cồn cào khó chịu. Tôi phải ngồi dựa vào cửa một căn nhà và oẹ cho nôn mửa, nước mắt nước mũi đầm đìa. Tôi ngoẹo đầu vào tường đá hoa nghỉ ngơi dễ chịu. Trước mặt tôi là cái cầu đá xe lửa cao và rét với những lần cổng đục tối om. Nôn xong tôi lại hút thuốc lá. Người tôi nhẹ như khói. Tôi không nhớ tại sao tôi lại về được đến nhà lúc nào.
    Công việc bán than không chạy, tôi nghỉ việc và lại ra thư viện. Phòng đọc sách nhiều người đến làm việc hơn trước. Tôi không còn chiếm được chỗ ngồi cố định thường lệ nữa. Vả lại tôi cũng không còn muốn ngồi suốt ngày vì không được ngồi cô đơn. Trong dịp này tôi gặp và quen Tuấn - em trai của Quang. Đúng như Quang nói, Tuấn thông minh lanh lẹ hơn Quang. Hắn hay đọc sách chính trị và có nhiều cao vọng. Tôi không thích Tuấn nhưng thường nói chuyện với Tuấn nhắc tới Quang. Tuấn chê anh là an phận, tầm thường. Đối với tôi Tuấn cũng coi là cùng một loại. Tuấn cho rằng muốn làm được việc lớn nhiều lúc phải hy sinh những người thân của mình dù có phải làm cho họ khổ sở, không phải là ích kỷ, vì việc làm của mình sẽ có ích lợi cho một số người nhiều hơn. Nên mặc dầu biết gia đình nghèo túng, Tuấn vẫn không muốn đi kiếm tiền giúp gia đình sợ làm lỡ dở sự nghiệp to tát sau này của mình. Tôi không bao giờ nói gì với Tuấn hết. 

Sáu tháng sau ngày bị bắt Quang trốn thoát trở về Hà Nội. Tuấn cho tôi biết tin. Quang đi bộ ròng rã một tháng trời và lạc ở rừng chịu đói chịu khát cho tới khi không bước được nữa phải bò phải lết. May gặp quân tuần tiễu Pháp nhặt được đưa về Hà Nội. Quang sắp chết và hiện nằm ở bệnh viện Đặng Vũ Lạc, Hàng Cỏ. Tuấn nói tại sao Quang có thể ngu dại chỉ vì gia đình mà liều lĩnh đến chết. Tôi tức giận mắng Tuấn là thằng bất nhân bất nghĩa. Tuấn sững sờ không ngờ tôi hung tợn làm vậy. Tôi nói nếu Tuấn xấc láo nữa tôi sẽ trừng trị Tuấn đích đáng. Đời người không thể giản lược theo mấy nguyên tắc về chính trị tư tưởng hay triết học, người ta không phải bắt buộc sống theo một vài khái niệm sẵn có. Tương lai không phải là con ngáo ộp dùng để dọa và bóp chết hiện tại. Phải làm đầy hiện tại, làm đầy… Tôi tới ngay nhà thương. Đẩy cửa buồng vào, tôi trông thấy một bộ xương trần truồng. Thịt không còn, da teo lại cháy xém, những đầu khớp xương nhô ra. Trên mặt râu tóc xồm xoàm, khô cứng. Tôi chỉ còn nhớ Quang nơi hai con mắt vẻ buồn vẫn thản nhiên. Quang cười, răng nhe ra vàng ớn, lợi đỏ và dài. Quang không nói được. Tôi lấy tấm chăn mỏng phủ lên người Quang, lát sau mẹ của Quang trở vào. Mặt và môi bà thâm xịt nhưng mắt đỏ hoe hai tay gầy guộc run rẩy. Bà kể lể biết bao nhiêu nỗi đau lòng. Bà lật lại chỉ cho tôi trông những khuỷu tay khuỷu chân trầy loét cả xương. Tôi vẫn trông vào mắt Quang, mắt Quang vẫn đảo được và Quang quay mặt đi. Quang không thể cựa quậy, không thể mặc quần áo được. Quang tỏ dấu cho mẹ im lặng. Hai hôm sau Quang chết.
    Đám ma Quang đưa vào buổi sáng. Đêm hôm trước tôi không thể ngủ. Sáng tôi dậy trước cả những chuyến xe điện. Tôi nhẩy chuyến xe đầu tiên lên phố. Buổi sáng mùa hè mát mẻ, bánh xe lăn rần rần, tiếng chuông điện kêu ríu rít. Tôi đứng tựa sau xe cạnh thúng mủng của vài người từ ngoại ô vào. Những người ấy xuống chợ Đồng Xuân, tôi còn lại một mình. Qua Hàng Đào, căn nhà đổ nát đầu phố đã biến mất mang theo cả những mảnh vải rách rưới, tôi mua vé đi hết đường. Hành khách buổi sáng thưa thớt. Tầu băng ngang thành phố để lại ra ngoại ô. Tầu chạy sát vào những mặt nhà thấp chưa tỉnh hẳn. Tôi cứ nhìn vào sự chuyển động ấy mà thấy chóng mặt. Ở trạm nghỉ cuối cùng tôi bước xuống vỉa hè sứt mẻ, dưới đường cát bụi lồi lõm. Tôi đi bộ vào trong làng để đến nghĩa địa, khu đất rộng ở trên một gò cao. Từ đấy tôi có thể quan sát cảnh vật chung quanh, một vài người đứng trơ vơ giữa đồng rộng và một khu đồn rào nứa.
`Trên cỏ sương hãy còn ướt, một vài lỗ đất đã đào sẵn sâu hoắm. Tôi trải lá và giấy dưới một gốc cây ngồi đợi đám ma của Quang. Mệt quá tôi có ngủ đi mất một lúc. Bàng hoàng tỉnh dậy đám ma vẫn chưa tới. Nhiều tiếng chim hót trên đầu. Đã nhiều năm tôi không để ý nghe tiếng chim hót bao giờ. Tôi đứng lên và lắng tai. Xa xa thoảng lại cả tiếng xe điện chạy và tiếng chuông vội vàng. Từ phiá rặng cây ở chân trời con đường đất tiến lại qua mắt tôi. Một thứ tiếng động ầm ĩ không biết phương nào đưa tới. Tiếng động rõ dần làm rung chuyển mặt đất lan tới chỗ tôi đứng. Một đoàn chiến xa xuất hiện bò lùi lũi. Mặt đường bị đào lên. Đoàn xe càng tới gần tôi càng đinh tai nhức óc. Thân thể tôi cũng rung lên như mặt đất mỗi lúc một dữ dội. Tôi nghẹn ngào và lại nằm lăn xuống cỏ. Chân tay mặt mũi tôi như bị cào cấu bởi những móng tay sắc. Lát sau thì cảm giác tê dại. Trong tận cùng của cơ thể sự vùng vẫy từng hồi yếu dần và lịm đi. Tôi nhắm mắt vì nắng rực rỡ ở trên mi. Đầu óc tôi rất sáng. Giá lúc ấy người ta mang chôn tôi, tôi cũng biết nhưng không thể nào làm gì để chống lại.

Thanh Tâm Tuyền

[Trích lại từ Khởi Hành, số Tháng Tám, 2004]

tanvien.net