logo





* 

Cú điện thoại

Khi chuông điện thoại đổ thì Nam đang ngồi đọc sách. Nam lưỡng lự một chút rồi nhấc điện thoại. Không có nhiều người biết số điện thoại di động của anh, cho nên đây hẳn là một người bạn, và hẳn phải có việc.

- Có phải Nam đấy không? 

- Tôi, Nam đây, xin lỗi, chị là ai thế? 

- Có lẽ anh không nhớ tôi đâu; tôi là bạn của Toko, chúng ta gặp nhau một lần trong International House hồi tôi đến thăm Toko ở đó. Lần đó anh cho tôi số điện thoại. Tôi học toán bên Trường DePaul. 

Nam cố nhớ lại và loáng thoáng tưởng tượng ra khuôn mặt của cô gái. Nửa năm trước, anh ở trong khu ký túc có tên International House của Đại học Chicago và chơi thân với một nhóm bạn người Nhật. Có Toko, Katamy, Haru, và một vài người nữa - những người bạn Nhật chăm chỉ, nghiêm khắc và trọng danh dự. Trong phòng học kiêm thư viện của International House, hầu như tối nào anh và mấy người bạn Nhật cũng là những người ở lại cuối cùng. Họ thường đánh một ván cờ trước khi đi về phòng - thường vào khoảng 3 giờ sáng. Rồi Nam thuê nhà riêng và chuyển ra ở bên ngoài. Anh ít gặp lại những người bạn Nhật. Chương trình nghiên cứu sinh của anh khá nặng và càng về cuối thì càng mất nhiều thời gian.

 - Dĩ nhiên là tôi nhớ. Tôi chỉ không nhớ tên. Xin lỗi, chị tên là gì nhỉ? - Nam hỏi.

- Aika. 

- À, phải rồi Aika. Chị khỏe không?

- Tôi cũng bình thường; còn anh thế nào? 

- Tôi cũng vậy thôi... Chị gọi tôi có việc gì chăng? 

- À không... thực ra vấn đề là thế này, hôm nay tôi ở nhà một mình, ngày hôm nay nữa là tròn bốn tuần tôi ở nhà một mình, tôi chỉ muốn gọi điện nói chuyện với một ai đó; các bạn bè thân của tôi đều đi nghỉ Thanksgiving hết rồi. Không biết tôi có làm phiền anh không? 

- Cũng không hẳn... tôi cũng chỉ đang đọc sách thôi... 

- Anh có phiền không nếu chúng ta nói chuyện một lát? 

- Không đâu, dĩ nhiên là không rồi... 

- Cảm ơn anh...

- Vậy là chị không đi đâu nghỉ Thanksgiving? 

- Không... tôi chẳng muốn đi đâu cả... đi đâu thì cũng vậy thôi... 

- Chị còn học mấy năm nữa?

- Tôi còn khoảng hơn 1 năm, nhưng không chắc tôi có học hết không. 

- Nghĩa là sao? 

- Là có thể tôi sẽ bỏ học...

- Bỏ học ư? Nhưng chị chỉ còn hơn 1 năm, sắp xong rồi, sao chị không học nốt. 

- Ai cũng nói vậy; nhưng tôi không chắc. 

- Lấy được bằng tiến sĩ sẽ có lợi cho chị sau này; đằng nào thì chị cũng đã học sắp xong rồi. 

- Bây giờ, một ngày ở trường cũng dài bằng một thế kỷ. Tôi đã chán ngấy trường học rồi. Ở lại thêm một năm sẽ là một cực hình quá sức của tôi. 

- Tồi tệ đến vậy sao? 

- Còn hơn cả tồi tệ... tôi không thể nào chịu nổi nữa rồi - giọng Aika nén chặt lại. 

Nam cảm thấy bồn chồn, như thể anh chính là người gây ra tình cảnh của Aika. Nếu có một phụ nữ ngồi trước mặt anh và khóc, có thể anh sẽ đưa một cái mùi xoa, hoặc nếu quá lúng túng thì anh sẽ bỏ đi. Còn một người qua điện thoại, anh biết làm gì. Nói những lời an ủi thì Nam không thể. Đơn giản là anh không quen, cho dù anh biết đích xác cảm giác mà Aika vừa nói... 

- Giáng sinh này chị có về Nhật thăm nhà không? - Nam hỏi, cố lái câu chuyện sang một hướng khác. 

- Có thể tôi sẽ về, có thể không; còn tùy xem tình hình thế nào. 

- Bao lâu rồi chị chưa về nhà? 

- Hai năm rồi. 

- Nhà chị có nhiều anh chị em không? 

- Tôi là con một, ba mẹ tôi đều đã già... Anh đến Kyoto bao giờ chưa? 

- Tôi chưa. Tôi mới đến Tokyo thôi. 

- Kyoto rất đẹp. Cố đô cũ của Nhật. Mọi thứ yên ả hơn nhiều so với ở đây. Ít nhất là nơi tôi sống, mọi thứ đều yên ả và nhẹ nhàng. 

- Chị nên về nhà... 

- Nhưng về nhà không giải quyết được vấn đề của tôi. 

Vấn đề của tôi. Đằng sau cánh cửa này không biết là thế giới nào; nhưng chắc là không vui vẻ gì. Nam im lặng. 

- Anh đã bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ toán chưa? - Aika hỏi, giọng dịu xuống. 

Nam im lặng. 

- Không, tôi không nghĩ đến việc đó. Tôi cũng có lúc chán học, nhưng ai cũng có lúc chán học cả. Chị đừng lo, rồi mọi chuyện sẽ qua và chị sẽ lại thấy yêu thích toán như trước thôi. Chị hãy đi đâu đó nghỉ, rồi sẽ khá hơn. 

- Nhưng nếu đây không phải là vấn đề thời điểm, không phải sự mệt mỏi bình thường, mà là tôi đã chọn sai, thì sao?

- Không phải đâu, chị biết rõ sự lựa chọn của chị. Ai cũng có lúc cảm thấy thế này. Rồi sẽ qua thôi. Chị chịu khó tập thể thao, hoặc đi chơi xa. Hãy về nhà một thời gian, rồi chị sẽ lại bình tĩnh trở lại. 

- Không, anh không hiểu rồi... 

- Chắc chị bị stress rồi, hãy tập thể thao hoặc đi đâu đó nghỉ một thời gian; rồi chị sẽ trở lại bình thường. 

- Anh không hiểu rồi!!! 

- Không hiểu ư? Không hiểu ư? Một cơn giận bất chợt dâng lên bóp nghẹt lấy anh, gần như làm anh tắc thở và đau thắt trong lồng ngực. Anh có thể giết chết một ai đó vào ngay lúc này. Chọc dao vào cổ cho tóe máu ra, rồi thảnh thơi ngoảnh đi - ví dụ thế chẳng hạn. Anh có thể giết chết ai đó. Nam cảm thấy như máu trào ra trong họng anh, tanh lợm.

- Aika, xin lỗi chị, có lẽ tôi phải đi ăn tối một lát... - Nam nói, cố gắng ghìm giọng xuống. 

- Tôi xin lỗi. Có lẽ tôi cũng nên kiếm cái gì ăn tối. Tôi có thể gọi lại cho anh sau không? Thú thật là tôi buồn chán quá; tôi muốn nói chuyện với một ai đó; chuyện gì cũng được, bất cứ chuyện gì anh thích... 

- Chắc chắn rồi, chị cứ gọi lại. Nam không đói nhưng anh vẫn quyết định đi bộ ra phố ăn tối. Anh để đầu trần. Trời rét căm căm và tuyết đóng thành một lớp băng mỏng trên lối đi. Anh phải men theo rìa cỏ mỏng ở bên mép đường để khỏi ngã. Đi một lúc, Nam nhận ra các cửa hàng đều đóng cửa vào đêm lễ; chỉ còn có McDonald, KFC và các hàng fastfood là mở cửa. 

Nam quyết định đi vào McDonald mua một cái bánh mì kẹp. Ở cửa ra vào, anh thấy một người đàn ông da đen đứng co ro cầm một cái cốc nhựa xin tiền. Nhiều người khổ hơn mình nhiều (chắc vậy). Anh bỏ vào cốc 50 xu. Người đàn ông cảm ơn và nhanh nhẹn mở rộng cửa cho anh vào. Trong lúc ngồi ăn, Nam băn khoăn không biết Aika ăn gì vào buổi tối. 

Đến một lúc nào đó, trong khi nhai, Nam nhận ra mình đang nghĩ đến một thành phố khác. Anh tưởng tượng ra một ngôi đền cổ ở Kyoto, sân đền lát đá xanh, phủ đầy rêu phong. Bao quanh đền là những rặng hoa anh đào đang nở rộ. Và dưới bóng một cây anh đào đỏ chói, Aika đang ngồi chậm rãi gắp thức ăn từ trong những cái hộp gỗ sơn mài nho nhỏ màu đỏ và đen - loại vẫn thấy bán ở khu phổ cổ Hà Nội cho khách du lịch Tây. Aika không hề ngẩng lên khi ăn; trong lúc đó, những cánh hoa anh đào cứ rơi xuống như mưa ở xung quanh chỗ Aika ngồi, thành một quầng tròn đỏ, tươi rói như máu ứa, như mực son Tàu.

Anh khẽ lắc đầu để tẩy cái vệt son đỏ ra khỏi não. 

Gần 9 giờ tối, chuông điện thoại lại đổ. Nam nhìn số và nhận ra số điện thoại của Aika. Tim anh nặng trĩu. Anh lưỡng lự rồi quyết định để kệ cho chuông điện thoại đổ dài. Không thấy Aika để tin nhắn. 

Mười một giờ đêm, Nam nằm trên giường đọc sách. Chuông điện thoại lại đổ, xâm chiếm cả căn phòng. Anh nhìn số. Tim anh đập thình thịch. Vẫn là Aika.

Nam biết rõ anh không thể. 

Sau đó, khi căn phòng đã trở lại im ắng, Nam bấm nút vặn nhỏ chuông đi, để nếu có ai đó gọi lại thì anh sẽ không nghe thấy. 

Sáng hôm sau, khi Nam tỉnh dậy, trên màn hình điện thoại không báo cuộc gọi nhỡ nào. 

Nam thở ra, cúi nhìn hai lòng bàn tay mình. Anh thấy chúng như tay của một người lạ.

 *

 Nửa năm trôi qua. Có một chiều cuối mùa xuân, Nam đang thả bộ trên đường từ trường về nhà thì gặp Toko. Họ không gặp nhau đã lâu kể từ khi Toko tốt nghiệp và rời khỏi trường mùa đông trước đó. Hai người tay bắt mặt mừng. Họ rủ nhau tạt vào Starbucks uống một tách cà phê và nói chuyện. Câu chuyện được hơn 1 tiếng thì nhạt dần. Bên ngoài đèn đường bắt đầu được thắp lên. Nam nói hững hờ để giữ câu chuyện trong lúc họ đứng dậy mặc áo choàng chuẩn bị ra về:

 - Cách đây lâu rồi, Aika có gọi điện cho tôi. Không biết cô ấy dạo này ra sao. Đã tốt nghiệp và về Kyoto chưa nhỉ?

 Toko đang đi dở găng tay, ngừng hẳn lại nhìn Nam:

 - Aika ở bên DePaul à? Anh không biết gì sao?

 - Biết gì?

 - Cô ấy chết được nửa năm rồi. Cô ấy tự tử vào đúng đêm Thanksgiving năm ngoái. Cô ấy chích dao vào bụng rồi cứ để máu chảy ra đến chết. Theo kiểu samurai ngày xưa. Thế mà nửa năm rồi...

 Nam đưa hai tay lên, ngọ nguậy những ngón tay cho dẻo, rồi cẩn thận đi găng tay. Toko đã đi xong găng và đội mũ. Họ chào nhau ở ngoài cửa, rồi bước về hai ngả dưới làn mưa bụi lắc rắc của mùa xuân. Nam ngoái nhìn theo Toko, tự hỏi nửa năm nữa hay bao giờ thì anh sẽ lại nhìn thấy Toko.

 Giới thiệu:

 Cú điện thoại là một truyện ngắn trong tập Phù phiếm truyện của cây bút trẻ Phan Việt – tác phẩm đoạt giải nhì cuộc thi Văn học tuổi 20 lần III, do Hội Nhà văn TPHCM, Báo Tuổi Trẻ, NXB Trẻ phối hợp tổ chức.

 Phan Việt tên thật là Nguyễn Ngọc Hường, sinh năm 1978, tốt nghiệp ĐH Ngoại thương Hà Nội (1995 – 2000). 2000 – 2002 học thạc sĩ truyền thông tại Omaha, Nebraska (Hoa Kỳ). Hiện Phan Việt đang là nghiên cứu sinh tại ĐH Chicago. Viết văn từ năm 12 tuổi; khi vào ĐH Ngoại thương Hà Nội Phan Việt bắt đầu viết báo, sáng tác bằng tiếng Anh cho Vietnam News. Một số tác phẩm tiêu biểu: Bằng tiếng Anh: Vĩ cầm, Cái cân trong nhà tắm, Gỗ thông...; bằng tiếng Việt: Hãy buộc một dải ruy-băng lên cây sồi, Phù phiếm, truyện...

 Phần lớn các truyện ngắn trong Phù phiếm truyện được Phan Việt viết hơn 1 năm qua khi theo học chương trình tiến sĩ ở ĐH Chicago. Quan niệm của Phan Việt về văn chương có vẻ cổ điển, truyền thống: “Viết văn đòi hỏi lao động rất trách nhiệm, nghiêm túc và kiên trì”.

 Nhà phê bình Huỳnh Như Phương cho rằng: “Phù phiếm truyện là một trong rất ít tác phẩm độc đáo viết về tuổi 20 mà tôi đọc được trong mấy năm gần đây... Tôi tin vào tài năng của Phan Việt. Tôi càng tin vào quan niệm mà chị chia sẻ, rằng “văn chương thực sự là một thứ lao động đòi hỏi nhiều lương tri lắm”.

L.N.D

[Trích Người Lao Động online]


To invert Buffon, l'homme, c'est le style.
[Đảo ngược Buffon, thay vì 'văn, là người', thì ở đây, 'người, là văn'].
Richard Howard
Hai Lúa sẽ đi một đường giới thiệu truyện ngắn cùa Phan Việt, một ngày đẹp trời nào đó, dựa nhận xét trên, của Richard Howard, khi dịch và giới thiệu Critical Essays của Roland Barthes [Nhà xb Northwestern University Press, 1972]