*






 
“Còn mãi Kim Dung.”

 Phương Hồng Diễm (Trung Quốc).

 “Nào biết đó là nỗi bi ai cho tôi hay nỗi bi ai của cuộc sống đây?”
 
Khoảng mười năm trước, khi Kim Dung một thân, một kiếm đi khắp Thần Châu, tôi mới 18 tuổi, đang còn đi học.
 Các bạn học sinh nam chuyền tay nhau đọc như điên, thành hẳn một phe đối lập với Quỳnh Dao của phe nữ. Chỉ trong một lúc mà thế giới chia hẳn thành hai cực nam, bắc; một bên bóng đao ánh kiếm, một bên người đẹp như tranh.
Mười năm trước đây, hầu hết học sinh đều rất nghèo, nhưng đám Kim Dung lại dương dương đắc ý, chỗ nào ống tay áo phất tới là kết giao bạn bè. Do túi rỗng không xu, các bạn trai bèn phân công nhau mua, hẹn ngày chuyền tay nhau đọc. Cứ đến cuối tuần thì trong lớp học hay trên bãi cỏ thế nào cũng có các hiệp sĩ võ lâm họp mặt nhau lại để ấn chứng võ nghệ, vui quên cả mệt mà rèn luyện công lực nội thân. Có điều họ giao lưu võ công không cần dùng đến tay chân mà chỉ dùng mồm: nào Đông Tà, Tây Độc, nào Nam Đế, Bắc Cái, nào Tuyết Sơn Phi Hồ, nào Thần Điêu hiệp lữ… mười tám ban võ nghệ đều khảng khái từ miệng phát ra, thỉnh thoảng lại thêm một số ca từ, thơ phú điểm xuyết giữa chừng để tăng thêm vị bi tráng sâu xa. Tất nhiên cũng có khi động thủ, ấy là lúc đôi bên bất chợt đấu khẩu, đấu đến mức lục tung cả Kim Dung đến cùng cực mà vẫn không phân biệt được sắc thu, cũng là đến lúc cưỡi hổ khó xuống, chỉ còn cách dùng chưởng, đúng như Kim Dung nói, là đã đến lúc tỉ thí nội lực rồi.  Nếu đúng lúc này không may có mấy nàng Quỳnh Dao đứng cạnh, đưa mắt xinh như mộng thẫn thờ xem trận đấu thì sự việc lớn bậc nhất đồn ầm lên trong làng võ lâm ngày hôm sau ắt là tin “một chết một bị thương” giữa hai cao thủ nội lực ngày hôm trước.
Bây giờ nghĩ lại tình hình lúc ấy, bất giác không tránh khỏi mỉm cười, nhưng câu chuyện hồi ấy, nơi kết quả khiến ai nấy đều cảm động. Các bạn nam trong lúc văn tài rờ rỡ, để hết tâm trí vào một kiếm cho xong ân oán, quyết chí giang hồ và những ánh mắt si ngây nhìn theo quả thực ai cũng phải thổn thức.
Trong một buổi hoàng hôn se lạnh, lá vàng lác đác rơi trước gió thu, tôi gặp một bạn nam để mượn Kim Dung; tôi nhớ lúc ấy dường như bên sân bóng, khá lạnh. Trong lúc vui mừng tột độ, bạn nam xúc động đến nỗi hai mắt sáng lên. Ánh mắt ấy, xuyên qua cặp kính dầy cộm phản chiếu lại ráng chiều tĩnh mịch, thật là sảng khoái lâm ly chẳng khác gì đi giữa chốn giang hồ hiểm ác, cuối cùng gặp được tri âm, nhất là tri âm ấy lại là hồng nhan.
Anh bạn trước hết khen Thiên Long Bát Bộ với tôi, đồng thời say sưa đọc thuộc lòng những tiêu đề mỗi hồi trong sách. Giới thiệu nhiệt tình đến thế, tất nhiên tôi không thể không có gì đáp lại, thế là nhận sách xong, tôi mỉm nụ cười rồi mới quay gót bước đi. Anh chàng kinh ngạc lần nữa rồi cất tiếng thở dài xa xa vọng lại: “Mĩ mục miện hề, xảo tiểu thuyến hề!” [Chữ trong sách Luận Ngữ, dẫn lại từ bài Thạc nhân trong Kinh Thi, nghĩa là: Má lúm cười xinh sao, mắt long lanh đẹp sao! Chú thích của nhà xuất bản].
Đọc rồi mới thấm thía với cảm giác “túy lúy biết rượu ngon”, thì ra Kim Dung uyên bác tinh thâm nhường ấy. Đọc vào tình tiết thì không còn làm chủ được mình nữa.  Anh hùng mĩ nữ, chí cương chí nhu, bàn về kiếm ở Hoa Sơn, máu chảy tràn trên sa mạc, dưới bút bậc đại sư, giang hồ tuy gian hiểm ác độc song lại cũng vô hạn phong quang. Đọc đến chương “Hứa hẹn suông chăn bò dê nơi biên tái”, trong đêm mưa gió não nề, trên lầu nơi cầu nhỏ, Kiều Phong vung một chưởng ra, A Châu hồn lìa theo gió. Chưởng đó chẳng những làm vỡ vụn tuyết bay nơi biên ải, làm lỡ lời thề cùng nhau chăn bò dê, mà còn khiến nước mắt tôi bỗng chốc thành trận mưa rào. Lúc ấy trái tim thiếu nữ cho rằng đó chính là tình yêu vĩ đại bậc nhất. Nếu đem so, Quỳnh Dao nào đáng kể gì? Gương chuốc sầu làm bài thơ mới, không bệnh mà rên, có vậy mà thôi, từ ấy bèn giã biệt Quỳnh Dao.
Đọc hết cả bộ truyện xong tỉnh giấc, thấy thế giới vẫn y nguyên, cái gì đẹp vẫn đẹp, cái gì xấu vẫn xấu, tự mình không thể trừ lũ bạo ngược, cũng không thể yên dân lương thiện. Đêm dài dằng dặc, nào đâu cao thủ thiếu niên tự trời xuống bảo vệ quanh mình? Tuyết bay tơi tả, nào đâu hiệp sĩ áo trắng bầu bạn cùng ta nơi góc biển chân mây? Thôi cho rồi, không xem cũng vậy.
Nhưng không bao lâu sau, chẳng cưỡng nổi sức lôi cuốn của rất nhiều chàng kính cận lêu đêu như sào trong giới võ lâm, cuối cùng một lần nữa tôi lại tìm đến người bạn trai hồi nào.
Với thần sắc như dự liệu, chàng thở dài một hơi bảo tôi:
-Người chốn giang hồ, thân không làm chủ mà! Bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ này tôi mới mua xong, bạn xem trước vậy!
Vẻ mặt anh chàng như cứu người khỏi nước sôi lửa bỏng, tôi nhìn thấy mà thương!
Bây giờ tốt nghiệp rời trường đã mươí năm, tôi không còn đọc tiểu thuyết võ hiệp nữa, chỉ nghe loáng thoáng trong giới võ lâm đã có thêm Cổ Long, Ôn Thụy An cùng nhiều danh gia khác, song tôi đã là vợ, là mẹ, dù ở chỗ sâu kín nhất trong lòng, vẫn thủy chung dành một phần hướng về cảnh tượng giang hồ vô cùng đẹp thú, thì, theo tầm vóc con trai [của tôi] ngày một cao, phần hứng thú đó cũng ngày một giảm cho tới lúc hóa thành số không.
Cuộc sống cứ thế trôi qua từng ngày, tẻ nhạt và mệt mỏi, cảnh tượng xiêu lòng xa trông giang hồ giữa lúc chiều tà nhuộm máu, trăng sáng gió thu, đăm đăm nhìn thế giới, đã như ở một nơi nào xa lắc, còn bầu bạn bên tôi chỉ có đứa con trai chưa hiểu biết gì về thế giới này mà lại muốn nhảy ra thử sức, không hề biết sợ là gì. Mặc dù cháu còn quá nhỏ, quá nhỏ nhưng đôi mắt trong xanh của cháu ít nhiều cũng khiến tôi nhớ lại khoảng trời sáng sủa, thuần nhất, chân chất ngày nào.
Trong những đêm ẩm ướt và quạnh quẽ, tôi cũng có đọc sách. Nào “Dương Xuân bạch tuyết”, nào “Hạ Lí ba nhân” [“Dương Xuân bạch tuyết” là một khúc hát cao nhã của nước Sở thời Chiến quốc, đối lập với “Hạ lí ba nhân”, tên một khúc hát dân gian. Sau này dùng để chỉ tác phẩm cao nhã và tác phẩm đại chúng. CTNXB], song thực lòng mà nói, đọc thì có đọc đấy nhưng không sao cảm động nổi. Sách vừa rời tay, ngày hôm sau đã không còn mảy may vương lại.
Một hôm tôi về nhà mẹ, ngẫu nhiên bắt gặp hai tập “Ỷ Thiên đồ long kí” dầy cộm trên đầu giường em trai, hai chữ “Kim Dung” đập ngay vào mắt. Sau một thoáng ngẩn người, tôi đưa tay cầm lên. Cái văn quen thuộc của đại sư phả vào mặt mũi khiến người đọc cảm động mãi không thôi. Cầm lòng không đậu, khoé mắt tôi dường như cũng hơi ươn ướt.
Mười năm nay, chưa từng có cuốn tiểu thuyết nào khiến lòng tôi thổn thức nhường ấy. Nào biết đó là nỗi bi ai cho tôi hay nỗi bi ai của cuộc sống đây?
Phạm Tú Châu dịch (Theo báo Tânhoa văn, số 7 năm 1995).