logo
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

Bếp Hoàng Cầm



Có một Hoàng Cầm

(2005-05-06T12:55:30)

Có một sáng kiến đã theo hàng triệu người lính ra trận suốt những năm chống Pháp, chống Mỹ. Nó trở nên nổi tiếng và thân thuộc với tất cả các đơn vị quân đội. Đó là sáng kiến bếp Hoàng Cầm.

Cái bếp mang tên người “sinh” ra nó là một anh bộ đội tên là Hoàng Cầm, quê ở tỉnh Nam Định, nguyên chiến sỹ nuôi quân sư đoàn 308, đại đoàn quân tiên phong. Cái bếp kỳ diệu ấy đã cùng các đơn vị bộ đội tham gia chiến dịch biên giới, Hòa Bình, Điện Biên Phủ và sau đó tiếp tục cùng các đơn vị thời chống Mỹ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Bếp Hoàng Cầm là một yếu tố tạo nên sự bất ngờ, bí mật cho bộ đội chiến thắng và biết bao người lính nhờ nó mà không phải đổ máu, hy sinh. Thời gian và năm tháng qua đi, nhiều người đã quên tên anh bộ đội Hoàng Cầm mà chỉ còn nhớ tên cái bếp Hoàng Cầm của anh. Cái bếp đã ăn sâu vào tiềm thức của bao người.

Cùng thời, có một vị tướng cũng tên là Hoàng Cầm. Vị tướng Hoàng Cầm khá nổi tiếng bởi những chiến công oanh liệt của ông đóng góp cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Nhiều người lầm tưởng, họ cứ nghĩ anh bộ đội tên là Hoàng Cầm, người có sáng kiến đặc biệt chế tạo ra cái bếp Hoàng Cầm thời chống Pháp đã lên cấp tướng. Họ mừng và cho rằng ông rất xứng đáng. Bởi sáng tạo ra cái bếp có tầm chiến thuật kỳ diệu và hiệu quả, phải là bộ óc của một ông tướng hoặc là bộ óc của một con người tài hoa, tâm huyết và hết mình vì đồng đội. Và cho đến hôm  nay, trong tâm khảm của không ít người vẫn ảo tưởng tác giả bếp Hoàng Cầm là vị tướng Hoàng Cầm. Đâu phải như thế. Ông Hoàng Cầm, tác giả bếp Hoàng Cầm, một anh bộ đội bình thường về làng phục viên như bao anh bộ đội khác. Ông đã trải qua một chặng đường đời, có những ngày vinh quang và có cả những năm tháng dài gian nan, nghiệt ngã. Dẫu ở hoàn cảnh nào ông cũng luôn luôn nỗ lực vượt lên. Luôn luôn giữ gìn phẩm chất mực thước của anh bộ đội cụ Hồ.

*

Hoàng Cầm sinh ra và lớn lên ở làng Cát Nội, xã Trực Đại, tỉnh Nam Định. Sau gia đình chuyển lên sinh sống tại làng Đồi Mây, nay là thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Tháng 2 năm 1946, anh thanh niên Hoàng Cầm tình nguyện lên đường vào bộ đội chống Pháp. Trước khi vào quân ngũ, Hoàng Cầm có gần một năm đi làm thuê (làm đầu bếp) cho một gia đình ở Hà Nội. Có lẽ vì thế Hoàng Cầm được cử làm chiến sỹ nuôi quân thuộc đơn vị quân y tiền phương sư đoàn 308. Là anh nuôi, Hoàng Cầm luôn tận tâm, tận lực với công việc nấu ăn phục vụ bộ đội nhiều chiến dịch. Qua chiến dịch Hoàng Hoa Thám và chiến dịch Hòa Bình năm 1952, Hoàng Cầm nhận ra chiến tranh ngày càng khốc liệt. Bộ đội ta chiến đấu, hy sinh không chỉ ở mặt trận giáp mặt quân thù mà hy sinh, thương vong ngay cả khi về hậu cứ nghỉ ngơi, sinh hoạt. Nguyên nhân của việc mất mát ấy có một phần do việc nấu ăn. Khói lửa từ những cái bếp nuôi quân bốc lên, máy bay địch phát hiện đã trút bom đạn xuống. Tổ anh nuôi của Hoàng Cầm và nhiều đơn vị khác phòng tránh bằng cách chuyển sang nấu ăn ban đêm, khi máy bay địch tới thì dập lửa, dội  nước, nhưng nhiều khi vẫn không tránh kịp tai họa. Đang đun, dập lửa, cơm thường bị khê, sống. Nấu ăn ban đêm, ban ngày cơm nguội lạnh. Bộ đội ăn cơm sống, khê, nguội lạnh, không đảm bảo sức khoẻ. Hoàng Cầm nhớ một lần đồng chí thủ trưởng đơn vị nhắc tổ nuôi quân:

- Các đồng chí cố gắng xem có cách nào khắc phục cái bếp. Để anh em thương vong chết chóc ở ngay nơi đóng quân và ăn uống khổ cực là mình có tội với nhân dân, với bộ đội đấy.

Đúng! Để bộ đội chết vì nấu ăn là mình có tội. Hoàng Cầm trăn trở ngày đêm suy nghĩ. Có buổi anh ngồi hàng giờ đồng hồ dưới tán cây rừng quan sát anh em nhóm bếp và đăm đăm nhìn ngọn lửa, nhìn làn khói xanh cuồn cuộn bay lên.

Trong bản tự thuật quá trình mày mò, sáng chế kiểu bếp mới, Hoàng Cầm kể: “Một đêm nằm nghĩ miên man, tôi chợt nhớ đến cách nấu cám lợn ở vùng Nam Định quê tôi. Hồi đó bếp thường đắp bằng đất sét kín chung quanh chỉ để một lỗ thoát hơi phía sau, nên lửa cháy tập trung ít bốc ra ngoài. Nhưng làm thế nào để bếp đun không có khói? Suy nghĩ mãi đến hơn nửa tháng sau tôi mới nghĩ ra cảnh mình từng đi hun chuột ngoài đồng. Đào cửa hang sâu xuống, chất rạ đốt, hầu như khói hút cả vào trong hang. Tôi mừng quá, nếu áp dụng để cải tiến thành bếp nuôi quân kiểu mới sẽ hạn chế được khói và lửa bốc cao”.

Từ cơ sở đó, Hoàng Cầm miệt mài nghiên cứu, vẽ sơ đồ một số kiểu bếp. Ngày ngày anh tranh thủ trưa, tối, có khi cả buổi vác xẻng, đeo xoong nồi, trốn vào rừng đào bếp thử nghiệm. Không biết có thành công hay thất bại, nhưng sợ anh em tốn sức, vất vả, anh dấu kín mọi người. Anh đào hàng chục cái bếp khác nhau, có nhiều nhánh dẫn khói như hang chuột. Làm xong anh đặt nồi lên từng cái bếp chất củi đun thử. Kết quả tạm được, nhưng lửa vẫn lộ, khói ra vẫn phảng phất bay lên. Lại hì hục đào hàng chục cái bếp khác nữa. Lần này Hoàng Cầm đào các đường dẫn khói chẽ ra nhiều nhánh và dài gấp đôi. Trên rãnh dẫn khói rải cành cây rồi đổ đất san phẳng. Phía trước cửa bếp đào một hố sâu, trên lợp nilon hoặc lá vừa để đồ, vừa che ánh lửa và có hầm chứa khói, hút lửa mạnh hơn.

Trong bản tự thuật, Hoàng Cầm viết: “Lần này bếp có nhiều ưu điểm, đã dấu kín được ánh lửa, nhưng khói trên ống dẫn vẫn lảng bảng bay lên ngọn cây. Nghĩ mãi, tôi chợt nhớ ngày ở quê, chiều chiều nấu cơm, gặp trời mưa, khói chui qua mái gianh ướt, bốc lên nhè nhẹ như sương mù. Tìm ra rồi, sướng quá, tôi lật hết cành cây khô lát trên đường ống dẫn rồi dùng cây chuối rừng chẻ ra lát lên trên, phủ đất san phẳng và dùng nước tưới đều lên rãnh dẫn khói. Quả nhiên khi đun khói cứ là là tỏa đều mặt đất, không bốc lên cao nữa...”

Ông Đỗ Văn Cường, cùng đơn vị Hoàng Cầm cho biết: “Anh em chúng tôi ân hận mãi về chuyện anh Cầm trốn đi làm bếp. Ngày đó có mấy cô gái trong bản gần nơi đóng quân thường lui thới nhặt rau, đánh rửa xoong nồi giúp anh nuôi. Anh Hoàng Cầm có quen một cô. Các  buổi trưa, buổi tối thấy anh thường xuyên vắng đơn vị, anh em cho là anh Cầm dụ cô gái vào rừng tán tỉnh. Đang định kiểm điểm tội vô kỷ luật của anh thì có một chiến sỹ tinh nghịch đã bám theo để “rình” anh. Chỉ thấy một mình Hoàng Cầm mình trần dưới tán cây rừng, hì hục đào đất, mồ hôi ướt đìa. Thì ra anh trốn vào rừng đào bếp thử nghiệm chứ không phải đi tán gái”.

Cái bếp do Hoàng Cầm sáng tạo rất phù hợp với bộ đội thời chiến, kín lửa, khói không bốc cao, anh nuôi nấu ăn cả ngày, cả tối, không sợ máy bay địch phát hiện. Bộ đội có cơm nóng, canh ngọt. Mỗi khi ém sát địch, anh nuôi vẫn nổi lửa đêm ngày.

Tháng 10 năm 1952, đơn vị quyết định, cái bếp được mang tên người chiến sỹ đã sáng tạo ra nó: Bếp Hoàng Cầm. Anh chiến sỹ nuôi quân Hoàng Cầm được tặng thưởng huân chương chiến công hạng 3. Và năm đó Hoàng Cầm được suy tôn là chiến sỹ thi đua toàn quốc. Bếp Hoàng Cầm được phổ biến, áp dụng trong toàn quân.

Từ đó cái bếp theo bộ đội hết chiến dịch này đến chiến dịch khác. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, bếp Hoàng Cầm tiếp tục là bạn đồng hành của bộ đội nuôi quân suốt những năm chống Mỹ. Và nó đã đi vào lời bài hát làm cả triệu anh bộ đội xao xuyến khôn nguôi: “Nổi lửa lên em, đánh Mỹ đêm ngày... Đôi quang gánh nặng tình yêu đất nước. Hơi bếp Hoàng Cầm sưởi ấm khắp nơi nơi...”.

*

*          *

Trong con người ông Hoàng Cầm, người ta bảo có đến hai con người. Một Hoàng Cầm được tôn vinh, được  ngưỡng mộ bởi chiến công sáng tạo độc đáo của ông. Một Hoàng Cầm bươn trải trong cuộc sống đời thường, chuân chuyên và cơ cực. Nếu chỉ một chiều ca ngợi chiến tích của ông thì quả là còn thiếu trách nhiệm. Bởi nghị lực vươn lên trong sự chuân chuyên đời thường, nhiều lúc xót xa, nhưng chính nó lại tôn vinh phẩm chất cao đẹp trong con người Hoàng Cầm.

Sau 16 năm gắn bó với đơn vị, hiến dâng cái bếp Hoàng Cầm kỳ diệu cho quân đội, năm 1961, anh bộ đội Hoàng Cầm cấp bậc đại úy về làng phục viên.

Làng Đồi Mây, Tam Đảo quê hương thứ 2, cũng chính là quê ngoại của Hoàng Cầm. Về quê, ngày ngày vợ chồng ông lên đồi phát cỏ, cuốc đất trồng chè, trồng sắn. Đất ở đây đá sỏi, bạc màu, làm lụng vất vả cuộc sống dân làng và gia đình ông quanh năm vẫn nghèo đói. Làm ruộng không đủ nuôi gia đình, nhưng cái đói không trói nổi ông, ngay trong những năm sáu mươi, Hoàng Cầm đã xoay xở tìm cách làm kinh tế để tự cứu mình và cứu dân làng. Ông chuyển sang làm que kem và tổ chức cho bà con trong làng làm que kem bán cho các nhà hàng ở Hà Nội và Vĩnh Yên để kiếm sống.

Bán que kem, ngày ngày phải lang thang khắp đây cùng đó tìm nơi tiêu thụ thật vất vả. Nhớ một lần, Hoàng Cầm bảo thật không ngờ. Hôm ấy ông về Hà Nội bán que kem cho cửa hàng Thủy Tạ, tình cờ gặp người bạn gái là Trần Thị Lan chiến sỹ thông tin của đại đoàn 308 cũ. Lan cùng đi dự đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc với Hoàng Cầm cuối năm 1952. Ngày đó Lan rất ngưỡng mộ Hoàng Cầm, ngưỡng mộ tài năng của người làm ra cái bếp Hoàng Cầm, cái bếp được toàn quân khâm phục. Rồi Lan đem lòng yêu thương Hoàng Cầm. Lan xinh đẹp, lại có ý chí phấn đấu, nói năng hiền dịu, Hoàng Cầm cũng rất cảm tình. Nhưng vì đã có người yêu ở quê Nam Định rồi, Hoàng Cầm và Lan đành phải xa nhau. Không được làm bạn đời với Hoàng Cầm, Lan vẫn yêu mến, ngưỡng mộ, và luôn cầu mong cho Hoàng Cầm tiến bộ. Bẵng đi thời gian khá lâu, Hoàng Cầm và Lan đều đã lập gia đình. Hai người không còn điều kiện biết về tin tức của nhau. Khi nghe nói có một ông Hoàng Cầm được phong quân hàm cấp tướng, Lan mừng lắm. Lan cứ nghĩ đó là Hoàng Cầm ngày xưa Lan đã yêu. Lan cho rằng người có công như Hoàng Cầm được phong tướng là xứng đáng lắm. Ai ngờ hôm gặp nhau, lúc đầu Lan không tin ở mắt mình. Hoàng Cầm, Lan gặp không phải một ông tướng bệ vệ, oai phong mà là một ông Hoàng Cầm gầy nhom, vai đeo thùng kem, tay dắt chiếc xe đạp cà tàng vừa đi vừa “que kem đây”.

Ba năm bán que kem vất vả, thu nhập thất thường và rất thấp, Hoàng Cầm lại chuyển sang mở xưởng nấu nước chấm (nước mari) và làm miến đao, thu hút lao động trong làng vào cùng làm. Làm nước chấm và miến thu nhập tạm ổn, cuộc sống gia đình ông và dân làng đã vượt qua những ngày đói kém.

Vợ ông đau yếu luôn, nên tất tật công việc nặng nhọc đều đổ vào đầu ông. Phải cố sức làm quần quật ông mới nuôi nổi năm miệng ăn. Người con trai duy nhất của vợ chồng ông là Hoàng Thư đã khôn lớn. Những tưởng Thư sẽ gánh vác công việc nặng nhọc để bố đỡ vất vả. Nhưng năm đó, cuộc chống Mỹ đang khốc liệt, ông Hoàng Cầm đã động viên Thư lên đường giết giặc. Trước ngày nhập ngũ, ông căn dặn Thư:

- Con cứ yên tâm đi, bố tuy sức yếu rồi nhưng vẫn cố gắng làm lụng để nuôi mẹ và các em con được. Chiến trường đánh Mỹ chắc chắn sẽ ác liệt hơn thời bố đánh Pháp. Con cần phải cố gắng nhiều.

Tháng 4 năm 1963 Hoàng Thư vào bộ đội, thuộc đơn vị C150 - Bộ Tư lệnh B3 và chiến đấu “một lèo” tới năm 1975, năm giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Con trai ra đi, ở nhà vật lộn với cuộc sống giữa vùng quê Vĩnh Phúc nghèo đói của thời kỳ bao cấp, thật gian nan. Tuổi cao, ngày càng yếu, Hoàng Cầm không còn đủ sức đi bán kem que, làm xì dầu, miến đao nữa. Ông tìm lên một ngôi đền trên núi Tam Đảo phục vụ đèn nhang, hương khói, quét dọnvà trông coi đền. Ngôi đền đó thờ Đức Thánh Trần.

Gặp những người dân sinh sống qnah đền họ kể: ngày ngày ông dạy từ tinh mơ, quét dọn, nhặt cỏ, tưới cây, lau bệ Phật, sắp hương, nến để người thập phương lên thăm quan, nhang khói Đức Thánh. Không phải nhà sư tu hành chính quả, nhưng cái tâm của ông với ngôi đền, với dân làng khiến nhiều người lui tới đều kính nể. Họ gọi ông với những cái tên thân thuộc: Hoàng Cầm giữ đền, ông từ Cầm...

Ông Nguyễn Đức Chiểu người bạn cùng đơn vị với Hoàng Cầm, hiện ở cạnh nhà ông Cầm kể lại:

- Tôi với ông Hoàng Cầm trước ngày cùng ở tiểu đội nuôi quân của sư đoàn 308. Hồi đó ông Cầm nghĩ ra cái bếp không có khói, cả đơn vị chúng tôi mừng lắm. Đến khi về phục viên, ông lên coi đền Đức Thánh Trần. Ngôi đền ở gần nhà tôi và nhà ông. Tư rằm, mùng một tôi thường lên đền thăm ông. Liên tưởng tới ngày ông Cầm còn ở đơn vị với tôi, ông phụ trách bếp nuôi quân, ông luôn phải ghìm khói. Bây giờ thắp hương, ông để mặc cho khói bay lên. Nhìn ông, lắm lúc tôi cứ bấm bụng mà cười.

Ông Chiểu cười rồi nói tiếp:

- Một lần đơn vị 308 hành quân qua chân núi Tam Đảo. Lúc dừng nghỉ, được tin người chiến sỹ Hoàng Cầm của đơn vị 308 năm xưa, người làm ra cái bếp Hoàng Cầm vĩ đại, đang coi đền Đức Thánh Trần trên núi. Thế là anh thủ trưởng đơn vị đích thân lên đền thắp hương và đón ông Hoàng Cầm về đơn vị cũ chơi 3 ngày. Tôi là người cùng tiểu đội với ông Hoàng Cầm nên cũng được đón đi cùng với ông.

Chị Hoàng Thị Định, con gái ông Hoàng Cầm hiện ở thị trấn Tam Đảo kể với chúng tôi một chuyện rất cảm động: “Một hôm tôi lên đền giúp đỡ bố. Gần trưa có đoàn cán bộ từ Hà Nội lên Tam Đảo tham quan và vào thắp hương Đức Thánh Trần. Có ông cán bộ ăn mặc chỉnh tề, đầu đội mũ phớt, đeo kính trắng, sau khi thắp hương, quay ra cứ chằm chằm nhìn bố tôi. Lúc đó bố tôi đang mải quét lá khô dưới gốc cây đại. Ông cán bộ bỗng kêu lên:

- Anh Cầm hả?

Ông cán bộ tháo kính ra, cái chổi trên tay bố tôi rơi xuống đất, hai người ôm chặt lấy nhau.

- Sao anh lại ở đây, anh Cầm?

Rồi ông quay ra giới thiệu với những người cùng đi:

- Đây là anh Hoàng Cầm, bạn cùng đơn vị với tôi, người chế tạo ra cái bếp Hoàng Cầm nổi tiếng thời chống Pháp đấy.

Mọi  người vây quanh, hình như họ đều đã từng nghe tiếng cái bếp Hoàng Cầm của bố tôi. Có người đi bộ đội từng nấu ăn bằng bếp Hoàng Cầm. Được thấy tác giả chế tạo ra cái bếp nổi tiếng, họ chăm chú nhìn bố tôi vẻ thán phục.

Ông cán bộ buông bố tôi ra hỏi:

- Anh ở đền này lâu chưa?

- Hơn chục năm rồi. Bố tôi nói. Ông ta tròn mắt:

- Sao anh không chuyển ngành hay đi làm một nghề gì đó mà lại ở chùa?

- Tôi đã làm nhiều nghề rồi. Giờ đây sức yếu, ở đền cái tâm mình nó tĩnh tại, tôi thấy khỏe ra.

Ông cán bộ nói:

- Anh hay thạt, người ta mong có thành tích xuất sắc để được “làm quan” có tiền, có chức, anh lại vào chùa để được hưởng tĩnh tâm.

Ông nói tiếp vẻ nhiệt tình:

- Không. Người vĩ đại như anh, người “đẻ” ra cái bếp Hoàng Cầm cho anh nuôi toàn quân không thể đi quét chùa. Về Hà Nội, tôi sẽ báo cấp trên đề bạt để anh đi làm cán bộ.

Bố tôi lắc đầu:

- Cảm ơn anh. Ước nguyện của tôi giờ chỉ mong mình sống khỏe mạnh. Làm được việc gì có ích cho dân, cho nước thì tôi làm.

Bố tôi bảo, ông bạn gặp bố tôi hôm đó là cán bộ cấp Vụ trưởng. Về sau không thấy ông ta liên lạc lại, tôi nói hay ông ấy quên bố. Bố tôi bảo, ông ấy làm lãnh đạo công việc bận mải, chứ ông không quên đâu. Vì ngày ở đơn vị hai người rất thân nhau mà”.

*

*          *

Mười lăm năm hương khói trên cõi “niết bàn”, tuổi cao, đau yếu luôn, ông Hoàng Cầm không còn đủ sức coi đền Đức Thánh Trần núi Tam Đảo nữa. Lộc Thánh và sự giúp đỡ của địa phương cũng không cưu mang nổi ông lúc cuối đời. Ông về Hà Nội nương nhờ người con trai Hoàng Thư. Sau hơn 10 năm chiến đấu ở chiến trường B3, Thư về, học sư phạm rồi làm giáo viên trường PTTH Phan Đình Phùng, Hà Nội. Đồng lương giáo viên ít ỏi, phải nuôi vợ không việc làm, nuôi con nhỏ và người bố già bệnh tật, hoàn cảnh gia đình Hoàng Thư thật khốn khó. Thương con, ông Hoàng Cầm không muốn mình thành gánh nặng cho con. Nhưng chẳng còn cách nào. Cuộc sống kéo dài ngày một chồng chất khó khăn. Ông đành viết một lá đơn đề nghị cấp trên cứu giúp. Vốn là người chỉ biết tự lực vượt khó, không bao giờ đòi hỏi kêu ca. Viết xong, ông ngần ngại rồi xé đi.

Một người bạn khuyên: “Cái chất trong con người ông là chất Hoàng Cầm. Nhưng Hoàng Cầm cũng là con người. Mình hoạn nạn, mình kêu, đấy mới là con người”. Nghe lời bạn, cộng với gia cảnh bức thúc quá, lá đơn thứ 2 đề ngày 15/3/1994 có đoạn ông Hoàng Cầm trình bày:

“... Cả gia đình tôi 4 bố con, ông cháu ở nhà một “mái vẩy” 9m2 của trường PTTH Phan Đình Phùng cho mượn. Tôi không biết nằm dọc, nằm nghiêng, ngửa thế nào cho tiện. Các cháu học sinh của con tôi, bạn bè, đồng đội đến thăm khi đau yếu, thật ái ngại, xin ngồi xuống đất. Lúc ốm chìa tay bấu đồng lương ít ỏi của con để mua thuốc, thật không đành. Cực chẳng đã, có lần tôi chống gậy đến một bệnhviện khám bệnh và xin thuốc. Một nhân viên phòng khám bảo: Bác phải có sổ, có giấy tờ, chế độ mới được khám cấp thuốc. Tôi trình bày, tôi là Hoàng Cầm, bộ đội phục viên ở với con nên không có giấy tờ gì. Họ nói: Một Hoàng Cầm chứ mười Hoàng Cầm cũng vậy thôi. Tôi viết lá đơn này đề nghị cấp trên xét cấp cho tôi một cái sổ khám bệnh, một tiêu chuẩn nhà đất như hàng vạn người khó khăn khác để ổn định sức khoẻ đoạn đời còn lại. Năm nay tôi đã 81 tuổi. Để khỏi có lúc chợt nghĩ “nếu có mệnh hệ nào” tôi không muốn nằm tại 9m2 nhà đi mượn cho con cháu khỏi phiền lòng...”.

Nỗi lòng ấy âu cũng là cái chất rất con người trong Hoàng Cầm. Và chính nó đã làm nên một Hoàng Cầm chân thật, đáng thương và cao thượng, làm rung động trái tim của không ít người. Lời thỉnh cầu của ông đã được những người làm chính sách hết lòng giúp đỡ.

Gặp thiếu tướng Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Cục trưởng Cục quản lý hành chính Bộ Tổng tham mưu, hiện ở phường 2, Quận Tân Bình, tp. Hồ Chí Minh. Ông cho biết:

- Nhận được đơn và ý kiến của cấp trên, chỉ trong một tuần lễ, chúng tôi đã lo chu tất cho ông Hoàng Cầm. Đã giải quyết cho ông một căn nhà 43m2 ở khu tập thể 28 Điện Biên Phủ, Hà Nội, một quyển sổ khám chữa bệnh tại bệnh viện quân đội và tạo việc làm cho người con dâu của ông là chị Minh, vợ anh Hoàng Thư vào giữ trẻ tại cơ quan.

Ông  Hoàng Cầm hưởng cuộc sống đầm ấm trong căn nhà mới được gần 3 năm thì đi theo tiên tổ. Ra đi, ông để đời một công trình vô giá.

Dẫu mai này, có thể người ta lại quên cái tên người chiến sỹ nuôi quân Hoàng Cầm. Nhưng cái bếp Hoàng Cầm của ông. Cái bếp đã đi vào lịch sử hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, có thể sẽ trở thành cái bếp huyền thoại, truyền mãi đến muôn đời.

(Báo Văn nghệ)