Mười năm qua, tôi đã lui
tới Singapore bốn lần, nhưng các lần trước ít chú ý về tình hình tại
đây. Một tháng ở đó trong lần chót vừa rồi, gặp đúng dịp đảo quốc này
kỷ niệm bốn mươi năm ngày độc lập. Cũng trùng với dịp Việt Nam kỷ niệm
sáu mươi năm cuộc Cách mạng tháng Tám, khiến tôi có ý định nêu ra mấy
nhận xét đáng chú ý giữa Singapore và Việt Nam.
Không phải chỉ riêng tôi muốn so sánh Singapore với nước mình. Trong
thời gian bão Katrina tàn phá, nhà bình luận thời sự nổi tiếng của báo
New
York Times là
Thomas Friedman cũng có mặt ở Singapore. Ông
đã viết hai bài trên trang bình luận của
New York Times, và có
những nhận xét về Singapore. Trong bài báo ngày 14-9, ông viết: “Nếu
phải chọn bất cứ nơi nào ở Á châu để trải qua một trận bão, thì nơi đó
nên là Singapore”. Friedman nói như vậy, vì so sánh với nỗ lực của Mỹ
cấp cứu nạn nhân bão Katrina, Singapore mau mắn và hữu hiệu hơn nhiều
khi cứu nạn nhân sóng thần ở Nam Dương vào cuối năm ngoái. Được như
vậy, vì trong việc chọn người vào các chức vụ then chốt ở Singapore,
người ta không chọn theo tiêu chuẩn bồ bịch, như ông Bush chọn cựu giám
đốc cơ quan cấp cứu liên bang (FEMA) Michael Brown, hay “hồng hơn
chuyên” theo kiểu Việt Nam. Singapore chọn người theo tiêu chuẩn có khả
năng nhất, và ít tham nhũng nhất. Để xứng đáng với khả năng và tránh
tham nhũng, họ trả lương rất cao. Thủ tướng lãnh lương gần gấp ba lần
tổng thống Mỹ, mỗi năm 1,1 triệu Mỹ kim; nhân viên chính phủ và thẩm
phán Tối cao Pháp viện gần một triệu.
Friedman nhận xét rằng, vào buổi đầu, việc cai trị tốt rất quan trọng
tại Singapore, “vì đảng cầm quyền phải giành giựt tâm trí người dân với
cộng sản, những người được tiếng là không tham nhũng và ân cần – khiến
nhà nước phải cũng như vậy, hay khá hơn”. Thật may mắn cho Singapore,
cả phía cộng sản và không cộng sản. Nhờ những người không cộng sản nắm
chính quyền mà Singapore được như ngày nay, và phe cộng sản nhờ không
cướp được chính quyền nên ngày nay vẫn còn được tiếng là thân dân và
không tham nhũng.
Trong bài thứ nhì vào ngày 16-9, Friedman viết về tình hình giáo dục
tại Singapore. Theo ông, “chính quyền tại đây hiểu rằng, trong
một thế giới phẳng (cả
thế giới có thể thu gọn trong chiếc màn ảnh phẳng của máy computer),
công việc có thể chạy đi bất cứ đâu thì khá hơn láng giềng chưa đủ. Cần
phải đứng trên mọi người – kể cả chúng ta (Mỹ)”. Một hiệu trưởng cho
biết “...Chúng tôi đã nới lỏng đôi chút để cho phép học sinh nuôi dưỡng
ý tưởng riêng của mình”, và “kiến thức có thể được tạo ra tại lớp học,
chứ không phải chỉ đến từ thầy giáo”. Vẫn theo Friedman, các học sinh
lớp bốn và lớp tám tại Singapore đã đạt được điểm cao nhất trong các kỳ
thi quốc tế về toán và khoa học do Timss tổ chức. Và sách toán của
Singapore đã được trường Mỹ, nơi con gái ông theo học, sử dụng tại
Maryland. Trong khi Singapore cố gắng vượt Mỹ về giáo dục, Việt Nam vẫn
bắt buộc học sinh từ nhỏ đến lớn, muốn ra trường, phải học những môn
“thầy không muốn dạy và trò không muốn học”, là môn “tư tưởng Hồ Chí
Minh” và “lý thuyết Mác-Lê”. Ngoài ra, Việt Nam còn phí phạm nhân tài
như kiểu tuyển những sinh viên ưu tú, gửi đi nước xã hội anh em Cuba,
chịu cảnh đói rách, học những môn không phải sở trường của họ, như kinh
tế và computer (theo phóng sự của báo Tiền phong, Hà Nội).
Bây giờ, xin trở lại âm vang hai lễ lớn của Singapore và Việt Nam. Cùng
vào tháng Tám, một bên kỷ niệm 40 năm ngày độc lập (9-8), một bên kỷ
niệm 60 năm ngày cướp được chính quyền (19-8). Việt Nam đi trước
Singapore đúng 20 năm. Ngoài khác nhau về thời gian, còn khác nhau về
người cầm quyền: Việt Nam có Đảng Cộng sản, với lãnh tụ Hồ Chí Minh;
Singapore có Đảng Nhân dân Hành động (PAP – People’s Action Party), với
lãnh tụ Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu).
Dân số Việt Nam hiện có 83 triệu rưỡi người. Dân số Singapore chỉ bằng
số lẻ của Việt Nam, công dân thực thụ có ba triệu rưỡi, cộng với 700
ngàn người ngoại quốc tới làm việc, là 4,2 triệu. Nhưng Singapore đang
sử dụng ba triệu rưỡi máy điện thoại di động, hơn Việt Nam một triệu
đơn vị. Số ngoại tệ và vàng dự trữ của Singapore vào năm ngoái là 112,8
tỷ Mỹ kim, trừ đi số nợ phải trả cho ngoại quốc là 19,4 tỷ, nếu chia
đều cho dân, mỗi đầu người được khoảng 26 ngàn Mỹ kim. Trong khi ấy, số
dự trữ của Việt Nam là 6,51 tỷ MK, nếu trừ đi số nợ ngoại quốc là 16,55
tỷ, tính đổ đồng mỗi người dân phải mang nợ chừng hơn 100 MK. Bao giờ
dân Việt Nam đông bằng dân Trung Quốc, số nợ mỗi đầu người phải gánh sẽ
giảm xuống còn khoảng 10 MK.
Singapore chỉ cách Việt Nam hơn một giờ bay, tương đương khoảng cách
Sài Gòn đi Hà Nội. Người dân Singapore cùng thuộc giống da vàng, chắc
không thể thông minh và chịu khó hơn dân Việt. Singapore lại bị những
điều kiện kém Việt Nam, như đất hẹp, không có tài nguyên thiên nhiên,
và phải dùng tới bốn ngôn ngữ chính. Nhưng tại sao, độc lập sau Việt
Nam 20 năm, ngày nay Singapore nằm trong số những quốc gia đứng đầu
danh sách các nước trên thế giới, trong khi Việt Nam nằm chung với các
nước dưới cuối? Hình như câu trả lời là chỉ vì hai tiếng “anh hùng” mà
thôi.
Theo dõi Việt Nam kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Tám, hai chữ “anh
hùng” được nhắc tới nhiều hơn cả. Trước hết là
diễn văn của Chủ tịch nước Trần Đức Lương
tại Quảng trường Ba Đình vào sáng 2-9: “Nhìn lại những thành tựu vẻ
vang của cách mạng Việt Nam 60 năm qua, chúng ta vô cùng tự hào về dân
tộc ta, một dân tộc anh hùng... truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh
hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam chính là những nhân tố cơ bản, cốt
lõi làm nên sức mạnh vô địch của nhân dân Việt Nam trong thời đại mới”.
Rồi Chủ tịch “vô cùng biết ơn và cảm tạ các bậc lão thành cách mạng,
các bà mẹ Việt Nam anh hùng”, trước khi kết luận: “Dân tộc Việt Nam anh
hùng, nêu cao truyền thống tự tôn dân tộc, nhất định sẽ lập nên những
kỳ tích mới...”
Báo Nhân Dân ngày 2-9, qua bài “Hà Nội, 60 năm nhìn lại” viết: “Trải
qua 60 năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hà Nội
đã vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng là thủ đô Anh hùng của nước Việt Nam Anh
hùng”. Và viết tiếp: “Ghi nhận những thành tựu của Hà Nội trong hơn nửa
thế kỷ qua, Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Thủ đô Anh
hùng”. Bài báo kết luận: “...với truyền thống lịch sử nghìn năm văn
hiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô phấn đấu hơn nữa, đưa
thành phố Hà Nội trở thành thành phố hiện đại, là trung tâm chính trị,
văn hóa, khoa học, kỹ thuật của cả nước, xứng đáng là thủ đô Anh hùng
của nước Việt Nam Anh hùng.”
Sài Gòn, đã mất địa vị thủ đô từ hơn ba mươi năm, cũng được tặng danh
hiệu anh hùng. Báo
Tiền phong Online ngày 2-9 tường thuật:
“Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã thay mặt Đảng, Chính phủ trao danh hiệu
‘Thành phố Anh hùng’ cho lãnh đạo TP.HCM. Tổng Bí thư nhắc đến truyền
thống anh hùng của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu...”
Tự ca tụng mình là anh hùng chưa đủ, mạng lưới chính thức của Đảng Cộng
sản Việt Nam vào
ngày 30-9 đã phổ biến lại bài bình luận của
đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) ngày 29-8, mượn lời báo Mỹ để tự ca anh
hùng: “Ngay ở Mỹ, Báo Bưu điện Washington, một trong những tờ báo có
đông độc giả cũng vừa có bài khẳng định, chủ nghĩa anh hùng của nhân
dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh giải phóng này đã khích lệ và tạo
nguồn cho hàng triệu người trên khắp địa cầu, kể cả tại Mỹ, đấu tranh
chống lại chiến tranh và cường quyền” (“Báo Bưu Điện Washington”, có lẽ
là
Washington Post, nhưng không nói rõ bài báo xuất hiện ngày
nào, nên người viết không thể kiểm chứng).
Theo dõi Singapore kỷ niệm 40 năm lập quốc, không nghe thấy ai nhắc tới
hai tiếng anh hùng. Thủ tướng Lee Hsien Loong (Lý Hiển Long, con Lý
Quang Diệu), trong cuộc
nói chuyện lâu hai tiếng rưỡi,
[1]
không có lần nào ông trực tiếp hay gián tiếp nhắc tới công nghiệp của
bố Lý, cũng không hề đả động gần xa tới Đảng Nhân dân Hành động, là
đảng cầm quyền từ năm 1959. Trong khi ấy, Chủ tịch Trần Đức Lương của
Việt Nam, trong bài
diễn văn quốc khánh, đã hãnh diện: “Tự hào
về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, tư tưởng và
cuộc đời vẹn toàn của người mãi mãi là ngọn đuốc soi đường, là kho tàng
vô giá của dân tộc ta cho hôm nay và cho cả mai sau. Sự cộng hưởng vĩ
đại của tư tưởng Hồ Chí Minh, sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng Sản Việt
Nam...”
Chính Hồ Chí Minh khi còn sống, cũng tự nhận mình là anh hùng. Trong
dịp viếng đền Kiếp Bạc, nơi thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, họ Hồ đã
xuất khẩu thành thơ: “Bác anh hùng, tôi cũng anh hùng”.
Trong hai cuối tuần lễ lạt ăn mừng độc lập, Singapore không nói tới
thắng lợi, không nhắc tới kẻ thù. Thủ tướng Loong nhấn mạnh: Được như
ngày hôm nay là nhờ “nhân dân chúng ta, tư tưởng chúng ta, và hành động
của chúng ta. Điều quan trọng hơn cả là chúng ta đã tạo được một tinh
thần Singapore. Chúng ta can đảm nhưng nhân đạo, chúng ta tự tin nhưng
không bao giờ tự kiêu”.
Trong khi đọc diễn văn, có lúc thủ tướng Singapore đã rưng rưng nước
mắt, khi nhắc lại kỷ niệm khó quên, xảy ra trong dịp lễ độc lập năm
1968. Thời gian này, Việt Nam đã nổi tiếng thế giới với trận Tổng công
kích Mậu Thân, với quyết tâm “giải phóng Miền Nam”, dù phải san phẳng
dãy Trường Sơn và hy sinh hàng triệu người. Trong khi ấy Singapore đang
bơ vơ, không biết sẽ làm gì để sống. Nước Anh, tuy đã trả độc lập cho
Singapore, vẫn còn giữ lại căn cứ quân sự ở Seletar Air Base, hẹn đến
năm 1971 mới ra đi. Nhưng đầu năm 1968, Anh quyết định rút sớm, khiến
khoảng 150 ngàn dân trực tiếp hay gián tiếp làm cho quân đội Anh bị mất
việc. Thu nhập của những người này bằng 20% tổng số lợi tức quốc gia.
Singapore họp nhau kỷ niệm lần thứ ba ngày độc lập trong tình huống lo
lắng như vậy. Sáng ngày 9-8, trời quang mây tạnh, nhưng trước khi cuộc
lễ bắt đầu, mưa đổ tầm tã. Tất cả mọi người cố giữ nguyên hàng ngũ. Đó
là niềm hãnh diện về sự quyết tâm, cũng là nỗi xót xa của Singapore
trong lịch sử lập quốc của mình. Báo chí Singapore năm nay đã dành
nhiều trang lớn, đăng bài vở, hình ảnh và phỏng vấn về lễ kỷ niệm mưa
gió này. So với những trận mưa bom đạn mà dân Việt Nam phải chịu từ Bắc
tới Nam, trải qua một trận mưa rào nhiệt đới, không bằng chuyện muỗi
cắn. Nhưng với những người không muốn làm anh hùng, muỗi cắn cũng đau.
Trong khi Việt Nam sợ “diễn biến hòa bình”, Singapore chủ trương phải
thay đổi, hay là chết. Thủ tướng Loong khẳng định: “Vì thế giới sẽ thay
đổi, nếu Singapore vẫn như hiện nay, chúng ta chết”.
Trong khi Việt Nam cảnh giác về “bọn phản động trong nước”, và những
“thế lực thù địch bên ngoài”, Singapore chủ trương xây dựng một “xã hội
hợp quần” (inclusive society), thúc đẩy sự tham gia của mọi người trong
nước, và sẵn sàng học hỏi từ các nước, kể cả Việt Nam. Thủ tướng Loong
kể chuyện: Tôi gặp một nhà vô địch Võ Nam Dương (silat), hỏi ông ta ai
là đối thủ đáng sợ nhất tại cuộc tranh tài Á Châu SEA Games? Ông ấy nói
Việt Nam. Tôi sốc. Tôi nói Việt Nam biết gì về Võ Nam Dương. Thái cực
đạo, Kong fu, hay mấy môn võ cổ truyền Đông phương thì họa may, nhưng
silat? Ông ấy nói đúng đấy. Từ con số không, họ bắt đầu học vào năm
1993, với hai huấn luyện viên Nam Dương. Mới đầu, không cơ sở, không
vận động trường, không dụng cụ tối tân. Họ lấy mấy ống kim khí, buộc
vào nhau thành khung, bọc lại, làm đệm, đấm đá, luyện tập vất vả. Sau
vài năm, họ biết khá rồi, cho huấn luyện viên về, tự lo lấy. Bây giờ,
họ là vô địch Đông Nam Á, đang nhắm chức vô địch thế giới. Và thứ võ
này là môn thể thao hàng đầu ở Việt Nam. Ông Loong kết luận: “Chúng ta
cần có một tinh thần như thế”. Học võ mà bắt chước Việt Nam, đúng quá!
Singapore không có tài nguyên, một chút đất trồng rau cũng không có,
ngay nước dùng hàng ngày còn lo thiếu. Tất cả mọi thứ đều phải nhập
cảng. Chỉ còn vốn liếng đáng quý hơn cả là con người. Thay vì hy sinh
con người để làm anh hùng, hay làm “nghĩa vụ quốc tế vẻ vang” như lời
ông Trần Đức Lương, Singapore đã cố gắng chăm sóc và xây dựng người dân
của mình để tạo một thành phố tiến bộ kiểu đệ nhất thế giới, nằm trong
thế giới thứ ba. Singapore hiện nay là thành phố sạch sẽ vào hàng nhất
thế giới. Người ta có thể đi bộ vẹt gót giày khắp phố lớn phố nhỏ, mà
không sợ đạp cứt chó như ở Paris. Singapore cũng an ninh vào hạng nhất
thế giới. Thẩm phán Tối cao Pháp viện David Souter bị tấn công khi đang
chạy bộ gần nhà ở Washington DC, mới 9 giờ tối, vào cuối tháng Tư năm
ngoái. Tôi từng bị móc túi ở New York, Paris, và bị người lái taxi lừa
khi vừa ra khỏi phi trường Roma, nhưng hoàn toàn yên tâm khi di chuyển
ngày hay đêm, đi bộ hay taxi tại Singapore.
Tuy tinh thần phục vụ của người Singapore hiện nay rất cao, ví dụ người
tính tiền tại các chợ hay cửa hàng, mỗi khi trao đổi với khách, đều
dùng cả hai tay và kính cẩn cúi đầu, miệng nói cám ơn, nhưng Thủ tướng
Loong vẫn chưa hài lòng. Ông than rằng Singapore thiếu văn hóa phục vụ
tự nhiên. Ông so sánh với người Thái, người Ấn, người Nhật, người Úc,
mỗi khi gặp khách đều có lời chào trước khi vào việc, trong khi người
Singapore hỏi ngay là mình có thể giúp gì, hay tệ hơn, là ông hay bà
muốn gì. Ông đã coi việc phục vụ như một danh dự, và quyết định nâng
cao phẩm chất phục vụ lên hàng quốc sách, trao cho một tổng trưởng chịu
trách nhiệm. Trong khi Việt Nam nêu cao khẩu hiệu: “Noi gương Bác Hồ
đời đời kính yêu”, khẩu hiệu mới của Singapore là “GST”, chữ đầu của
“Greet, Smile and Thank” (CCC – Chào, Cười và Cảm ơn).
Giống như ông Reagan làm trong mỗi dịp đọc Thông điệp Liên bang, ông Lý
Hiển Long đã giới thiệu, và kể những câu chuyện về mấy thường dân đặc
biệt. Một trong những người được ông đề cao, là bà cựu thư ký 63 tuổi.
Bà này vì hoàn cảnh, đã phải đổi nghề nhiều lần. Cuối cùng, nhận việc
lau chùi cầu tiêu, kiếm thêm tiền để dành cho con đi hoc. Con bà không
muốn, hỏi bà: Sao má hạ mình quá thấp như vậy? Bà trả lời, chùi cầu
tiêu không làm mất nhân phẩm. Làm để sống, đâu có trộm cắp ai. Kết thúc
câu chuyện, ông muốn mọi người “biết và tin rằng phục vụ là việc làm
danh dự. Không phải là những việc thấp hèn”.
Qua việc Thủ tướng Singapore đề cao người chùi cầu tiêu, khiến tôi liên
tưởng tới chuyện mới xảy ra tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Trong phiên họp
thượng đỉnh cấp quốc trưởng tại Hội đồng Bảo an của khóa họp thứ 60,
Đại Hội đồng LHQ ở New York vào ngày 14-9-05, ký giả của hãng Reuters,
dùng ống kính nhìn xa, đã chụp được tay tổng thống Bush đang viết một
cái note cho Ngoại trưởng Condoleezza Rice ngồi cạnh. Phóng ảnh to lên,
đọc được mấy chữ của ông Bush, không phải chuyện sống còn của thế giới,
mà là: “Tôi nghĩ rằng tôi cần đi cầu. Liệu có được không?” (I thinhk I
may need a bathroom break. Is this possible?). Điều này nhắc nhở mọi
người một thực tế là, dù có quyền lực lớn chưa từng ai có được trong
lịch sử loài người như ông Bush ngày nay, cũng không thể cưỡng nổi
tiếng gọi của thiên nhiên. Vậy thì, hạnh phúc trong cuộc sống thường
ngày, không nên đo bằng tiền bạc hay quyền cao chức trọng, hãy đo bằng
chỉ số cầu tiêu.
Singapore là nơi nhiều cầu tiêu và sạch sẽ nhất thế giới. Washington,
DC. nhờ có nhiều bảo tàng viện và đài kỷ niệm, nơi nào cũng đầy đủ cầu
tiêu, nên cũng đỡ. Paris tệ nhất, vừa ít, thiếu vệ sinh, lại phải trả
tiền. London khá hơn, nhưng vẫn không có nhiều. Tại New York, năm 1990,
Trung tâm Công lý Đô thị (Urban Justice Center) đã kiện thành phố vì
không cung cấp đủ nhà vệ sinh công cộng. Dù vậy, trải qua ba đời thị
trưởng, kể cả thị trưởng nổi tiếng thế giới Giuliani cũng không thỏa
mãn được nhu cầu này. Mới đây, ông thị trưởng Bloomberg đã chọn công ty
Cemusa của Tây Ban Nha để thiết lập 20 nhà cầu trên đường phố.
Trong khi ấy, tại Singapore, nhìn chỗ nào cũng thấy dấu hiệu nhà vệ
sinh. Tại các tiệm bán hàng lớn, nhà vệ sinh nhiều gấp hai gấp ba lần
so với bên Mỹ. Ví dụ tại Tyson Corner, khu thương mại lớn nhất ở ngoại
ô Washington, DC., khách của nhà bán hàng vào loại sang Nordstrom,
nhiều khi từ tầng này phải qua tầng khác, kiếm mãi mới thấy W.C. Tại
Singapore, tiệm Takashimaya ở đường Orchard, trong cả 7 tầng, mỗi tầng
đều có bốn nhà vệ sinh, hai nam, hai nữ. Ngoài số lượng, nhà vệ sinh
Singapore còn có phẩm chất cao, chỗ nào và lúc nào cũng sạch sẽ. Lần
đầu tiên tới Singapore, thấy ở đây đôi chỗ vẫn còn dùng loại bàn cầu
kiểu cổ như ở Việt Nam, tuy cũng tráng men sạch sẽ, tôi bèn tìm hiểu,
mới biết rằng, vì công chúng có nhiều người vẫn còn thích xài kiểu cổ.
Vệ sinh hơn kiểu mới và đỡ phải lót giấy khi ngồi. Ngoài ra, còn cái
thú hồi hộp khi sử dụng, phải tính toán, cân nhắc như một cao thủ thể
thao, hay một nhà thiện xạ, rót sao cho trúng mục tiêu. Lần chót vừa
rồi ở Singapore, tôi vào chỗ đi tiểu tại một tiệm bán hàng trên đường
Orchard. Vừa đứng trước bồn, đang còn sửa soạn, chưa kịp trình diễn, đã
thấy nước trong bồn tự động xịt cái ào. Nghĩ bụng chắc có trục trặc kỹ
thuật. Trình diễn xong, nước tự động xịt lần nữa. Bán tín bán nghi, bèn
đứng thử trước mấy bồn khác, thấy cái nào cũng xịt hai lần trước sau
như vậy. Tuy đã ở Mỹ ba mươi năm, lúc ấy tôi có cảm tưởng mình như anh
nhà quê lần đầu ra tỉnh.
Bây giờ, xin ghé qua “nước Việt Nam Anh hùng”. Rất tiếc, tôi đã không
có mặt tại Việt Nam, để có thể nhận xét tại chỗ, như đối với Singapore.
Tuy nhiên, những gì nêu ra sau đây, đều là những tài liệu chính thức đã
công bố từ Việt Nam. Theo báo DanTri.com.vn, du khách ngoại quốc đã
phiền hà rất nhiều, vì Việt Nam thiếu nhà vệ sinh công cộng. Những nơi
có nhà vệ sinh thì bị đòi tiền quá giá chính thức. Những nơi không nên
có nhà vệ sinh, thì lại có, như cạnh chỗ nấu ăn, khiến thực khách từ
chối không ăn. Vẫn theo báo này, một doanh nhân đã khuyên: “Khoan hãy
nói tới những chuyện to tát khác, khoan hãy tốn tiền cho những chuyến
đi quảng bá hình ảnh du lịch ở nước ngoài, nếu chưa lo được... cái W.C
cho du khách!”
Trong khuôn khổ kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Tám, ngày 18-8, Bộ Ngoại
giao Việt Nam long trọng công bố cuốn sách “Thành tựu bảo vệ và phát
triển con người ở Việt Nam”, dư luận quen gọi là
Sách trắng về
Nhân quyền. Cuối mục “Bảo đảm quyền về y tế”, sách ghi nguyên văn: “Tỷ
lệ hộ gia đình sử dụng hố xí hợp vệ sinh năm 1995 là 27,33% (thành thị
54,9%, nông thôn 17,3%), năm 2000 là 44,07% (thành thị 81,77%, nông
thôn 32,49%).” Những con số này nói gì? Con số đầu cho biết trong nửa
thế kỷ dưới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chỉ có hơn một phần tư
trong số gần 80 triệu nhân dân Việt Nam anh hùng được sử dụng hố xí hợp
vệ sinh, còn hơn 50 triệu dân vẫn phải bài tiết một cách thiếu vệ sinh.
Con số thứ nhì cho thấy, 55 năm sau khi cách mạng thành công, hơn một
nửa nhân dân anh hùng vẫn chưa có được cái hạnh phúc nhỏ nhoi là sử
dụng hố xí hợp vệ sinh.
Năm ngày sau lễ Độc lập 2-9, từ “thủ đô Anh hùng của nước Việt Nam Anh
hùng” (chữ của báo Nhân Dân), trong khi trả lời một bài phê bình, nhà
văn
Dương Thu Hương, mới đi ngoại quốc về, nói rằng: “Tôi trở
lại Việt Nam là để ỉa vào mặt kẻ cầm quyền”. Thú thật, lúc đầu tôi hơi
bị sốc khi đọc câu này. Nhưng nghĩ lại, tôi thấy chẳng qua cũng chỉ là
phản ứng tự nhiên của nhà văn. Đảng đã cầm quyền 60 năm, hy sinh xương
máu của vài ba triệu người, hy sinh hạnh phúc của vài ba thế hệ. Kết
quả: hơn nửa số nhân dân vẫn không có nổi một hố xí hợp vệ sinh. Vậy,
chỉ còn cách dùng ngay mặt kẻ cầm quyền làm hố xí. Chỉ e rằng cách giải
quyết này cũng không hợp vệ sinh.
Sự khác nhau giữa Singapore và Việt nam đã phản ảnh rõ qua lời tuyên bố
tiêu biểu của nhà lãnh đạo hai quốc gia trong lễ độc lập của mình. Tuy
được xếp ngang với các nước hàng đầu thế giới về nhiều phương diện, Thủ
tướng Lý Hiển Long vẫn tuyên bố: “Singapore chúng ta không có một văn
hóa phục vụ tự nhiên... chúng ta còn phải cố gắng nhiều để đạt trình độ
thế giới...” (In Singapore, we don’t have a natural service culture...
we have a long way to go to reach world class...). Trong khi Việt Nam
xếp hàng với những nước cuối danh sách về nhiều phương diện, Chủ tịch
Trần Đức Lương tuyên bố: “Dân tộc Việt Nam anh hùng, nêu cao truyền
thống tự tôn dân tộc, nhất định sẽ lập nên những kỳ tích mới...”
Anh hùng không phải là điều xấu, nhưng khi nó trở thành một ám ảnh
thường trực, đã biến thành bệnh. Ví dụ, giữ gìn cơ thể sạch sẽ để phòng
bệnh, là thói quen tốt. Nhưng sợ vi trùng đến nỗi bị ám ảnh như nhà kỹ
nghệ nổi tiếng Howard Hughes, là người bị bệnh hiểm nghèo, tiếng chuyên
môn gọi là hypochondriac. Theo triệu chứng tỏ tường, Việt Nam đã mắc
“bệnh Anh hùng”. Tiếng chuyên môn viết tắt là HOC, do ở tiếng Anh
Heroic Obsessive-Compulsive disorder. Bệnh HOC hay bệnh anh hùng đáng
sợ hơn tất cả các chứng bệnh khác. Người bị các bệnh khác, bao giờ cũng
mong được chữa khỏi, và chịu khó chữa trị. Trái lại, người mắc bệnh anh
hùng luôn tự hào về căn bệnh của mình, nên không thể chữa.
Nhiều người thắc mắc, tại sao dân tộc Việt Nam thông minh, cần cù và hy
sinh nhường ấy, vẫn không thể tiến bộ? Nhưng thử hỏi lại, mang trọng
bệnh 60 năm, chưa chết đã là may, còn mong chi tiến bộ? Trong dịp kỷ
niệm 40 năm độc lập, báo chí Singapore phỏng vấn nhà lãnh đạo lão thành
Lý Quang Diệu về tương lai đất nước, ông trả lời: “Chúng ta đã không
phung phí 40 năm qua và không lý nào chúng ta không thể phát lên được.”
(We’ve not wasted the last 40 years and there’s no reason we can not
make this breakthrough). Việt Nam đã phí phạm 60 năm qua, làm sao để
phát lên được?
© 2005 talawas
[1] Ông nói bằng ba thứ tiếng: Quan thoại, Mã
lai và tiếng Anh. Những nhận định trong bài viết này chỉ dựa vào bài
diễn văn dài 28 trang bằng tiếng Anh.