logo



Đọc Thế Nào và Tại Sao


"The limits of interpretaion coincide with the rights of the text".
[Chở bao nhiêu đạo: Đọc tới đâu, nghĩa tới đó]
Umberto Eco
"One reads in order to ask questions"
[Đọc để hỏi]
Kafka
"Ngồi trên máy mà tưởng mình đang ngồi giữa thư viện bao la, sách cao chất ngất, thơ thẩn bay như bươm bướm, chữ nghĩa muôn màu nhấp nháy hoa cả mắt, không biết nên giở cuốn nào trước, cuốn nào sau, nên đọc sách nghiên cứu, sách phê bình, truyện ngắn, truyện dài, điểm sách, tin tức, thời sự..."
dlk [Thư bạn đọc]
Ernst Pawel, ở cuối cuốn tiểu sử Kafka của ông, viết năm 1984, nhận xét "văn học bàn đến Kafka và tác phẩm của ông vào lúc này đã có cỡ chừng 15 ngàn bài viết, chỉ trong số những ngôn ngữ được sử dụng nhiều trên thế giới". Kafka đã được đọc, bằng đủ thứ kiểu: văn học, ám dụ, chính trị, tâm lý.... Những cách đọc như thế, vẫn là thiểu số, so với con số những bản văn, đưa tới một phát giác rất ư là kỳ cục của chuyện đọc sách, rằng, cùng một bản văn, mà, có người đọc thì cười, có người thì chán. Con gái tôi, là Rachel, đọc Hoá Thân vào năm nó 13 tuổi, và thấy "tếu lâm" [humorous]; Gustav Janouch, bạn Kafka, coi đây là một ngụ ngôn tông giáo, đạo hạnh. Bertold Brecht đọc nó như là một tác phẩm "của một nhà văn Bôn sê vích thứ thiệt". Nhà lý luận Mác xít người Hung, G. Lukacs, thì lại coi đây đúng là sản phẩm suy đồi của một tên trưởng giả. Borges đọc nó như là một cách kể lại [retelling] những nghịch lý Zeno. Nhà phê bình người Pháp, Marthe Robert coi đây là một thí dụ về tính trong sáng bậc nhất của ngôn ngữ Đức. Những câu chuyện kể của Kafka, được nuôi dưỡng bởi kinh nghiệm đọc của ông, dâng hiến, và lấy đi, cùng một lúc, toan tính đọc để hiểu, tức ảo tưởng hiểu, nắm được ý nghĩa của bản văn, như thể, những bản văn của Kafka đó, chúng giống như những bản nháp, của một nhà văn tên là Kafka, nhằm thoả mãn một người đọc tên là Kafka.
Alberto Manguel: Một lịch sử về chuyện đọc sách [A history of reading]

Steiner khen cuốn sách của Manguel: Một lá tình thư viết về đọc: A love letter written to reading.
Bản thân tác giả, cũng choàng hoa cho tác phẩm của mình bằng những đề từ.
Đọc có một lịch sử.
Robert Danton
Bởi vì uớc muốn đọc, như mọi ước muốn nhằm giải trí những tâm hồn bất hạnh, nó có thể phân tích.
Virginia Woolf
Nhưng ai sẽ là sư phụ? Tác giả hay độc giả?
Denis Diderot
Trả đầu ta đây!
Quan Vân Trường [Tam Quốc Chí diễn nghĩa]

Nhưng làm sao đọc, và hiểu, một bản văn, nếu trang đầu bị mất?

Độc giả mê Kim Dung chắc còn nhớ, Hồ Đao gia pháp, do bị mất ba trang đầu, nên Hồ Phi không làm sao hiểu nổi tinh tuý của đao pháp, tức những trang sau. Còn cái tay vớ được chỉ có ba trang mào đầu, sau nổi tiếng võ lâm, chỉ với mấy thế võ quèn.
Cũng thế, môn Càn Khôn Đại Nã Di, Vô Kỵ học hết, mà vẫn không địch nổi mấy tay từ Thiên Trúc tới, chỉ sử dụng mấy đòn mở đầu Càn Khôn, là mấy chữ khắc trên Thánh Hoả Lệnh. Chính vì vậy, mà có người cho rằng, chỉ đọc nhiều lắm là ba cuốn sách, là đủ. Đọc nữa, loạn!
Chương Thiếu Trang Đầu, The Missing First Page, của cuốn sách Lịch Sử Đọc, của Manguel, mở ra bằng một câu chuyện sau đây:
Vào năm học cuối tại trường trung học Colegio Nacional de Buenos Aires, một ông thầy đọc cho chúng tôi nghe câu chuyện sau đây:
Điều mà những ẩn dụ tính nói cho chúng ta, là, cái không thể hiểu là không thể hiểu, và điều này thì ai cũng biết. Nhưng những vấn đề mà chúng ta phải chiến đấu với, trong mỗi ngày, thì là một chuyện khác hẳn. Về đề tài này, một lần, có một người nói, "Tại sao mà cù lần như vậy? Chỉ cần là, nếu bạn theo [followed] những ẩn dụ, một ngày nào đó, chính bạn trở thành những ẩn dụ và, bằng cách đó, bạn giải quyết được tất cả những vấn đề của mỗi ngày của bạn."
Một người khác nói: "Tôi đoán rằng, đây cũng là một ẩn dụ".
Người thứ nhất nói: "Anh thắng"
Người thứ nhì nói: "Nhưng than ôi, chỉ ẩn dụ mà thôi".
Người thứ nhất nói: "Không, trong đời thực. Nếu là ẩn dụ, thì anh thua."
[No, in real life. Allegorically, you have lost].
Câu chuyện trên, là của Kafka, viết tại Prague, vào năm 1922, hai năm trước khi mất. Và 45 năm sau, làm cả đám học sinh chúng tôi ngất ngư, và đều có cảm tưởng là, bất cứ một giải thích, kết luận nào, rằng "ta" đã "hiểu" Kafka, hay những ẩn dụ của ông, thì đều là... bố láo hết