Liên hệ giữa
Nguyên Sa, Sáng Tạo và, những ngộ nhận
Vị trí và, ảnh
hưởng thơ Nguyên Sa trong văn học Việt
Du Tử Lê
Kỳ 3
Tôi không biết
lý do gì, nhiều người cho rằng nhà thơ Nguyên Sa không thuộc nhóm Sáng
Tạo! Quả
quyết này chỉ được giải tỏa khi họ gặp nhà văn Mai Thảo và, nghe chính
tác giả
“Ðêm giã từ Hà Nội” xác nhận rằng:
“Không.
Nguyên Sa có mặt từ những ngày đầu tiên, với anh em Sáng Tạo.”
Những ai có
cơ hội đọc “Nguyên Sa, tác giả và tác phẩm,” trong đó có bài viết của
Mai Thảo
thì không có nghi vấn đó:
“Tờ Người Việt
đình bản. Tờ Sáng Tạo thay thế. Vào nghề gõ đầu trẻ, vẫn cái mũ casque
trắng, vẫn
giáo viên trường làng, vẫn Khái Hưng, Nguyên Sa khác với Hoàng Anh
Tuấn, Nguyễn
(văn) Trung, Nguyễn Khắc Hoạch không thường xuyên, đã cùng với giao
tình thân
thiết mau chóng, trở thành người viết chủ lực của Sáng Tạo suốt hai năm
đầu của
diễn đàn này. Ðó là thời kỳ của những tiểu luận văn học, triết học đầy
không
khí Sorbone và những bài thơ tự do loạt đầu, làm từ trở về Việt Nam của
Nguyên
Sa gần như không số nào là không có đăng trên tờ Sáng Tạo...” (Mai
Thảo, “Màu Lụa
Hà Ðông” trong thơ Nguyên Sa,” Sđd. Tr. 59.)
Mặt khác,
trong hồi ký của mình, nhà thơ Nguyên Sa cũng thuật rõ liên hệ giữa ông
và, tạp
chí Sáng Tạo, ngay khi tạp chí này ở giai đoạn chuẩn bị:
“Trước khi
Sáng Tạo chào đời, Mai Thảo và tôi vẫn cùng nhau đi chơi lung tung ở
Sài Gòn.
Khi Sáng Tạo trong thời kỳ chuẩn bị, tôi nhiệt tình bàn tính với Mai
Thảo. Phải
ra chứ. Làm chứ sợ gì. Mai Thảo chở tôi trên chiếc xe Austin đi chơi
lung tung,
tôi lái chiếc xe hào hứng tới rủ Nguyễn Văn Trung về viết cho Sáng Tạo,
rủ cả Linh
Mục Trần Văn Hiến Minh cùng đi chuyến xe...” (Sđd. Tr. 191.)
Nhưng điều
gì đã xẩy ra giữa Nguyên Sa và Sáng Tạo, khiến nhà văn Mai Thảo không
che giấu
bùi ngùi trước sự kiện tác giả “Thơ Nguyên Sa” chấm dứt cộng tác với
Sáng Tạo
qua đoạn viết sau đây:
“...Sau hai
năm đầu kể từ hồi hương và với tờ Sáng Tạo, Nguyên Sa không còn gần tôi
nữa.
Con chim đã vùn vụt cất cánh bay tới những phần đất khác. Ðời sống trăm
dòng và
nhà thơ kiêm giáo sư triết, người giám đốc trường, người chủ nhiệm mới
đã ở
trên cái trăm dòng nhiều mặt ấy. Khiến chẳng những tôi đã thấy xa còn
như thấy
mất hẳn Nguyên Sa trước tầm mắt nhiều khoảng thời gian. Ở những khuất
mặt này,
tấm lòng đôi lúc cũng xa và đã gây nên một vài ngộ nhận đáng tiếc không
do nơi
tôi và cũng chẳng nên thuật lại làm gì...” (Sđd. Tr. 61, 62.)
Người đứng đầu
tạp chí Sáng Tạo đã rất đỗi thành thật khi nói, “ngộ nhận” không do nơi
ông.
Hơn thế, thoạt đầu, chính ông cũng không biết nguyên nhân sâu xa của
điều mà
ông gọi là “ngộ nhận.” Một “ngộ nhận” đáng tiếc (rất đáng tiếc), theo
tôi.
Sau này, đôi
lần, trong chỗ riêng tư, Mai Thảo nói rõ đó là sự “ngộ nhận” giữa Thanh
Tâm Tuyền
và Nguyên Sa. Hai nhà thơ mà ông từng coi là “hai tiếng thơ xung kích,
tiền
phong,” trong bài ông viết giới thiệu thi phẩm “Thơ Nguyên Sa, Tập Hai”:
“Trở về nước
sau nhiều năm du học ở Âu Châu, bấy giờ là cuối thập niên 50, ông đã
cùng với
Thanh Tâm Tuyền, dẫu mỗi người từ một vị thế khác biệt, là hai tiếng
thơ xung
kích, tiền phong vượt qua dòng thơ tiền chiến như một biên thùy cũ của
thơ và
đưa thơ tới những biên thùy mới. Bằng làm đầy cho thơ một định nghĩa và
một chứa
đựng mới. Bằng phá vỡ hết mọi ước lệ, mọi câu thúc vẫn còn với dòng thơ
tiền
chiến...” (Sđd. Tr. 67, 68.)
Nhưng, do
đâu mà hai tác giả kia, lại có sự “đối chọi” đáng tiếc ấy?
Muốn hiểu ngọn
nguồn, có dễ chúng ta phải đi ngược lại những năm đầu ở giữa thập niên
(19)50,
khi tác giả “Áo Lụa Hà Ðông” trả lời cuộc phỏng vấn của nhà báo Hồ Nam
(1) vào
đầu năm 1956 ở Sài Gòn. Nguyên Sa viết:
“...Chúng
tôi không có sự xa cách của đối chọi. Dù vậy, có một khoảng cách.
Khoảng cách của
ngộ nhận. Một trái núi hiểu lầm đã vô tình được dựng lên giữa Nguyên Sa
và các
bạn văn trong Sáng Tạo, trông thì chỉ như giả sơn, mà vượt qua không
được. Hạnh
phúc và bất hạnh của tôi trong những ngày tháng đầu tiên về nước, đầu
năm 1956
là được Hồ Nam phỏng vấn cho một chương trình văn nghệ gì đó trên đài
phát
thanh. Từ Paris từ những cuộc thảo luận thâu đêm canh thức, từ không
khí hừng hực
văn chương và triết học của tả ngạn sông Seine, đúng như Thanh Tâm
Tuyền đã viết
Nguyên Sa mang về cùng với thơ, không khí tự do mà chúng ta mong nhớ.
Nhưng người
làm thơ từ Paris trở về là con trừu non trước những câu hỏi cáo già của
Hồ Nam.
Tôi nói. Hồ Nam hỏi và tôi trả lời. Tôi nói về luật bằng trắc, về vai
trò của
âm thanh trong thi ca. Tôi không biết dừng lại ở những vấn đề tổng
quát, không
biết phân biệt việc và người. Tôi không biết tả ngạn sông Seine và Sài
Gòn
trong văn chương còn phủ những nho phong. Hồ Nam thọc sâu những mũi
kích. Tôi
nói về thơ Thanh Tâm Tuyền. Tôi nói về những người chỉ trích thơ tự do.
Những lời
nói trong bối cảnh của một Paris hiện ra bằng hữu, hiện ra trong lương
tâm trí
thức, trong khuôn khổ văn học miền Nam thời đó được ngắm nhìn như những
lời
công kích không thân hữu. Tôi không nhận ra ngay những sự nhìn ngắm
nghiêm khắc
này. Dần dần tôi mới nhận ra. Mai Thảo những lần khác biệt bất ngờ nói
với tôi
Thanh Tâm Tuyền quý anh lắm. Thanh Tâm Tuyền viết những lời chào mừng
Nguyên Sa
tuyệt đẹp trên trên tờ tuần báo văn nghệ (Người Việt). Tôi cũng không
hiểu rõ
vì sao giữa những câu chuyện có những xen kẽ bất ngờ. Không giống như
trách cứ.
Có một chút vẻ đáng tiếc nuối điều gì. Nguyên Sa đã đi quá xa trong
ngôn ngữ?
Phải chi không có chuyện đó. Dần dần khuôn mặt vui tươi của Hồ Nam hiện
ra rõ
nét. Hồ Nam hỏi lại tôi về những câu trả lời. Tôi giữ lấy niềm tin được
phát biểu...”
(Hồi ký Nguyên Sa, sđd. Tr. 188, 189.)
Thời gian
đó, những người tình cờ nghe được cuộc nói chuyện về thơ tự do giữa Hồ
Nam và
Nguyên Sa trên đài phát thanh cho biết, đại ý, Nguyên Sa cho rằng Thanh
Tâm Tuyền
không biết làm thơ tự do. “Thơ tự do không phải thế.” Ðã vậy, khi bị Hồ
Nam “thọc
sâu những mũi kích,” nhà thơ Nguyên Sa thay vì sớm nhận ra cái bẫy sập
đã
giương ra thì, ông lại xác nhận nhiều lần phát biểu của mình. Như khẳng
định
trách nhiệm của ông về những gì đã nói. Phần nhà báo Hồ Nam, không ai
nghĩ ông
có ác ý hay thiên kiến gì. Chẳng qua, do nhậy bén nghề nghiệp, khi gặp
được “khối
thuốc nổ,” nhà báo lập tức tìm cách nâng sức “tàn phá” lên tới mức cao
nhất, có
thể có được!
Sự đối chọi
hay ngộ nhận giữa hai nhà thơ trên, lẽ ra, rồi cũng sẽ nhạt phai với
thời gian.
Nhưng tiếc thay, sau đó, trên mặt báo Sáng Tạo, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền
cho phổ
biến một bản lên tiếng, giống như tuyên ngôn của những người làm thơ tự
do thuở
đó. Rất nhiều nhà thơ, kể cả những tác giả không có mặt trên diễn đàn
Sáng Tạo
tự những số đầu, họ là những tên tuổi thuộc vòng ngoài, chỉ cộng tác
với Sáng Tạo
sau này, cũng được nêu tên. Trong khi Nguyên Sa, hiện diện từ thời kỳ
chuẩn bị,
theo ghi nhận của Mai Thảo, còn là thành phần chủ lực, thì lại không có
tên.
Sinh thời, nhà thơ Nguyên Sa cho biết:
“Tôi hiểu rằng
tôi đã bị anh em gạt ra khỏi Sáng Tạo. Nên, tôi đã lặng lẽ rút lui.
Không một lời,
ngay cả với Mai Thảo!”
“Ðối chọi”
hay “ngộ nhận” giữa hai tác giả này, lên tới “đỉnh điểm” vào năm 1971,
xuyên
qua sự kiện nhà thơ Trần Dạ Từ được trao tặng giải thưởng Văn Chương
Toàn Quốc,
bộ môn Thơ, với thi phẩm “Thuở làm thơ yêu em.” Mà cả Nguyên Sa lẫn
Thanh Tâm
Tuyền cùng trong ban giám khảo.
“Ðối chọi”
hay “ngộ nhận” đáng tiếc ấy, trở thành công khai sau đó. Khi nhà báo Lê
Phương
Chi (2) với một bài viết dài 2 kỳ trên tuần Báo Ðời (của nhà văn Chu
Tử,) các số
127 và 128, đề ngày 13 và 20 tháng 4 năm 1972, (và trên Nguyệt san Bách
Khoa số
369, đề ngày 15 tháng 5, 1972). Họ Lê tìm hiểu, phỏng vấn cả 5 giám
khảo...
(3). Qua những phát biểu của các nhân vật trong cuộc, người ta thấy sự
đối chọi
giữa Thanh Tâm Tuyền và Nguyên Sa, đã trở thành quyết liệt!
Ðể tạm kết,
theo ghi nhận riêng của tôi, trong sinh hoạt 20 năm văn học, nghệ thuật
miền
Nam, còn khá nhiều những “ngộ nhận” đáng tiếc khác. Tuy nhiên, đó không
phải là
mục tiêu của loạt bài này.
Du Tử Lê
(Thứ Năm 1
tháng 9, 2011: “Tính chất mới lạ, đặc thù trong thơ Nguyên Sa.”)
Chú thích:
(1) Nhà báo
Hồ Nam hiện cư ngụ tại Sài Gòn.
(2) Nhà báo
Lê Phương hiện ở Sài Gòn.
(3) Có thể
tìm đọc thêm Nguyễn Ðức (Lập,) tác giả bài “Năm mới chuyện cũ: Giải
thưởng văn
hóa nghệ thuật toàn quốc năm 1971.” Tạp chí Văn Học (Cali.) Xuân Nhâm
Thân, số
70 &71. (Tư liệu của nhà thơ Thành Tôn, Orange County.)