Chuyện Văn
|
Bếp
lửa trong văn chương
"Nơi chốn không chết như con người,
nhưng chúng tang
thương dâu bể đến nỗi chẳng còn chi được giữ lại, về một thời nó đã
là...", W. Trévor viết về miền thơ ấu (Ái Nhĩ Lan) của ông.
Tôi chỉ muốn thêm vô:
"... chẳng còn chi được giữ lại,
cho một con người ngày xưa đã từng ở đó."
Tôi cũng có đọc một
lời khuyên, nên viếng thăm nghĩa địa,
mỗi lần ghé một thành phố. Buendia, trong Trăm Năm Cô Đơn, (Garcia
Marquez),
muốn bỏ Macondo, tìm một đất lành khác. Anh giải thích: "con người
thuộc
về nơi chốn, khi dưới đất có một người chết". Ursula, bà vợ dịu dàng,
nhưng quyết liệt, "nếu cần một cái mả, tôi sẽ ra đó nằm." Còn nhớ một
cụ già, khi nghe tin máy bay Mỹ oanh tạc miền Bắc, bà cụ giật mình, vậy
là động
mồ động mả, ông bà mình làm sao ngủ yên ?...
Sự không đọc "một số"
tác giả, ở một vài người,
theo tôi, có thể là do ngần ngại không dám gặp lại một số nhân vật, một
vài nơi
chốn quá thân thiết với họ. Hà-nội, thí dụ vậy. Như một nơi chốn. Như
một nhân
vật quá đỗi thân thương; Eurydice, chẳng hạn. Đó cũng là lý do, theo T.
Tolstaya, khiến thi sĩ Joseph Brodsky không thể trở về: ông sợ những
ngôi mộ bị
đào bới, sợ quá khứ, kỷ niệm, những gì nhà thơ đã làm được, cho St.
Petersburg của ông.
Còn nhớ, cuốn truyện
đầu tay, khi ra ngoài này, tôi
"ngỡ ngàng" thấy được tái bản, "đau xót" khi đưa cho một
người bạn coi, và khi anh ta trả lại, với lời trách nhẹ nhàng, đại
khái, treo
đầu dê, bán thịt chó. Ra ý, tên truyện, Những ngày ở Sài-gòn; chỉ thấy,
Hà-nội.
Đó là cuốn sách sau
cùng, thành phố được nhắc tới, "một
thành phố của hương thơm và mặt trời ve vuốt". Một anh bạn làm nghề
xuất
bản, liền sau đó đã bị Phòng Kiểm Duyệt từ chối một tập truyện. Cũng
không thể
khác được, chiến tranh lúc đó đã trở nên ác liệt.
Khi Nguyễn Tuân than,
"chúng ta" có ít trang sách
về Hà-nội, tôi nghĩ, ông không muốn chấp nhận, "một số" trang sách
viết về nó. Về một Liên, ở đâu đó trong Hà-nội, của Thanh Tâm Tuyền
(Ung Thư;
Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy). Lại càng không thể chấp nhận một anh
chàng Đại,
trước khi bỏ Hà-nội ra "bưng", đã để lại một cái bầu cho một cô gái.
"Nó là một thằng hèn! Tôi sẽ đập vào mặt nó!", nhân vật chính trong
Bếp Lửa đã giận giữ, về người bạn của anh...
Có thể, Nguyễn Tuân
không biết tới những trang sách đó,
những tác giả đó. Cũng vậy, Lê Đạt chắc cũng chưa từng đọc, bản dịch
bài thơ
Hoàng Hạc Lâu, của Vũ Hoàng Chương.
Theo thi sĩ, và cũng
còn là ông thầy Việt văn của người viết
- năm học Đệ Nhị, trường Hồng Lạc, của thầy Đoàn Viết Lưu, khi còn là
một căn
hộ, ở đường Sương Nguyệt Anh, Sài-gòn - bản dịch của Tản Đà dùng vần
bằng, thể
thơ lục bát, cho nên không diễn đạt hết ý nghĩa "bất phục phản" -
toàn "vần trắc" - trong nguyên bản. Bất phục phản! Nhân một cơn say,
ông nổi hứng, dịch một lần nữa, tạo thế chân vạc cho bài thơ.
Họ Vũ vốn là dân
toán, ông vẫn bị ám ảnh bởi những hệ thống
trục tọa độ, khi làm thơ. Nhưng cái tam giác của ông, vô tình làm tôi
nhớ tới
tam giác bếp núc của C. Lévi-Strauss.
Văn minh nhân loại,
theo C. Lévi-Strauss, chỉ luẩn quẩn
quanh xó bếp. Trước tiên là sống. Cái thuở loài người ăn uống như thú
vật. Rồi
chín, khi Prométhée ăn cắp giùm lửa. Chín là trạng thái trừ khử nước,
trong
sống. Cộng thêm nước, thành rữa, thúi. Đó là ba đỉnh cái kiềng ba chân
của C.
Lévi-Strauss. Phiền một nỗi, trong khi nướng, thui... con người bỗng mê
"khói", bởi vậy văn minh nhân loại cũng chỉ là một đường thẳng, đi từ
mật ong, tới tàn thuốc. Thoạt kỳ thuỷ, ăn mật ong, "hỗn như gấu", tới
khi hít khói thuốc, là tàn một chu kỳ văn minh.
Bắt chước Vũ Hoàng
Chương, C. Lévi-Strauss, tôi cũng tưởng
tượng ra một thế chân vạc của Hà-nội. Ở đây, không có nguyên bản, cứ
coi như
vậy. Chỉ có dịch bản. Một Hà-nội, của những người di cư, 1954. Một, của
những
người ra đi từ miền Bắc. Và một của những người tù cải tạo, chưa bao
giờ biết
tới Hà-nội, như của Nguyễn Chí Kham, trong lần ghé ngang, trên chuyến
tầu trở
về với gia đình.
"Treo đầu dê, bán
thịt chó". Quả thế thật. Khi
viết Những ngày ở Sài-gòn, là lúc tôi quá nhớ Hà-nội. Mới lớn, vừa mới
kịp yêu
mến cái cột đèn, cái Hồ Gươm, cái Tháp Rùa, đùng một cái, phải bỏ hết.
Vào Nam,
cố biến nó thành hiện thực, qua hình ảnh một cô bé Hà-nội. Mối tình tan
vỡ, chỉ
vì người nghe kể, là một cô bé miền Nam: "Mai, để anh kể cho em nghe,
về
một thành phố thỉnh thoảng buổi sáng có sương mù...".
Hà-nội của Nguyễn Chí
Kham khác hẳn. Cũng khác hẳn, Hà-nội
của những người ra đi từ miền Bắc. Ga Hàng Cỏ của Nguyễn Chí Kham không
có cảnh
đưa tiễn những người đi vào Nam chiến đấu, và một cô gái, trong một
truyện ngắn
của Lê Minh Hà, (Trăng Goá, Văn, Cali), chỉ ngửi thấy chỗ nào cũng sặc
mùi nước
đái, và đó là một trong những lý do khiến cô chấp nhận lời cầu hôn, của
"thủ trưởng" đám bộ đội trẻ. Xin đừng nghĩ đến sự thô tục ở đây. Chỉ có
mùi nước tiểu "quyến rũ" đó mới tương xứng với lưỡi bom, liếm đến
đúng căn nhà của cô học trò thì dừng lại, như có hẹn với cô gái, tuy đã
đi sơ
tán, nhưng hôm đó phải trở về Hà-nội để lấy phần gạo. Như thể lưỡi hái
B.52 đến
lúc đó mới thở hắt ra hết hơi nóng của nó.
Sartre (Situations,
I) nhắc tới "ý hướng tính",
coi đây là tư tưởng cơ bản của hiện tượng luận: "Husserl đã tái tạo
dựng
(réinstaller) sự ghê rợn và sự quyến rũ vào trong những sự vật. Ông tái
tạo thế
giới của những nghệ sĩ và của những nhà tiên tri: Ghê sợ, thù nghịch,
nguy hiểm
trùng trùng, với những bến cảng, nơi trú ẩn của ân sủng và tình yêu."
Sartre viết, Husserl
không hề là một nhà hiện thực. Nhà văn
như Lê Minh Hà, lại càng không. Vẫn Sartre, trong bài viết đã dẫn,
"hiểu,
là vỡ òa về...", (Connaitre, c'est "s'éclater vers"), và đó là ý
nghĩa câu nói nổi tiếng của Husserl: Ý thức chỉ là ý thức về một điều
gì (Toute
conscience est conscience de quelque chose): y hệt như vết bom ngưng
lại, vì
biết rằng, có một người, sau này sẽ viết ra, điều này.
Trong một truyện ngắn
khác, của cùng tác giả, "bãi dâu
xanh mênh mông, hoa muồng muồng vàng rực, đình tám mái sân đầy cứt
chim..." như phô hết sự quyến rũ của chúng dưới bầu trời: máy bay Mỹ
đánh
phá khắp nơi.
Hà-nội của Nguyễn Chí
Kham đi từ văn chương ra ngoài đời.
Một Hà-nội của tưởng tượng, của mơ tưởng, hoang tưởng, không tưởng...
Chỉ là
những chi tiết, mọc lên từ hư không, dứt ra từ tưởng tượng. Anh tù cải
tạo, tới
Hà-nội, tần ngần, ngơ ngẩn, giấu biệt "căn cước" của mình, nhất là
những ngày tù ghê rợn. Bố anh là quân nhân. Mẹ anh làm nghề nấu hàng
cơm. Anh
giúp mẹ đưa cơm tháng cho cô giáo. Rồi nhờ cô kèm thêm. Anh học trò
ngày xưa,
thành sĩ quan như bố, đi cải tạo, mang theo cùng với anh vầng trăng thơ
ấu,
chiếu vào hai mái đầu. Cô giáo trong Trăng Ơi Thơ Ấu Mãi (tập tuyện,
nhà xb Tân
Thư, Cali, 1997), mơ mộng về một cái chết của người chồng phi công. Anh
mất
tích, như một lần thất bại không thể mang trả bầu trời, những cơn mưa,
những
cánh rừng... cho người vợ ở nhà.
Với Hà-nội của Nguyễn
Chí Kham, chúng ta lại phải đương đầu
với một hoàn cảnh trái ngược, tựa thể bầu trời mùa thu, chiếc áo trắng
phất phơ
bay trong gió, những chiếc lá bàng... toàn những tưởng tượng, trong
tiểu thuyết
(như trong Đôi Bạn, của Nhất Linh...), bỗng biến thành hiện thực. Cái
cô học
trò mà anh tù cải tạo gặp ở nhà ga, trên cùng chuyến tầu, như mang bóng
dáng cô
giáo, của cậu học trò ngày nào. Làm sao mà không chia sẻ với vầng trăng
thơ ấu
một kỷ niệm đẹp đẽ như vậy!
Vẫn cái tam giác bếp
núc: liệu chúng ta có thể nhìn ra, hiện
tượng mất cân bằng "sinh thái", - sự phân phối nước - ở hai nhánh văn
chương, tạo thành dòng văn học hải ngoại? Phạm Thị Hoài, trong bài viết
về vị
thủ lĩnh trong bóng tối, (Văn Học, Cali), có nhắc một câu của Trần Dần,
tôi đợi
bọn trẻ chôn tôi. Bà cũng coi, văn chương phản kháng ở trong nước, hiểu
theo
một nghĩa nào đó, là Nhân Văn II. Người đọc vẫn chờ đợi Nhân Văn II đi
hết lưỡi
lửa của nó, chờ đợi bao nhiêu chua chát, cay đắng, bao nhiêu cái xấu,
cái ác
của nhân vật, hoàn cảnh, trong tác phẩm của Dương Thu Hương, Nguyễn Huy
Thiệp,
Phạm Thị Hoài... qua đi. Những trái núi, bờ đê, "đập ngăn chặn Thái
Bình
Dương" (M. Duras) phải được dẹp bỏ, hoặc trở nên dư thừa, khi những
"cây non" như Lê Minh Hà vượt cao hơn, sẵn sàng đương đầu với sức
nóng mặt trời. Thâm tâm những tác giả "đàn anh, đàn chị" kể trên vẫn
hằng mong như vậy. Và đó là ý nghĩa "hoài bão" của Trần Dần.
Trong hoàn cảnh đó,
người tù Nguyễn Chí Kham thấy thật cần
thiết, phải giấu biệt những khổ đau, (như một nạn nhân, của Hà-nội?),
khi ghé
thăm thành phố. Con người là tổng số những kinh nghiệm về thời tiết
(Faulkner).
Tổng số những kinh nghiệm về khổ đau, anh có rồi. Về thời tiết, chỉ
thiếu
Hà-nội. Người tù đi qua cầu Long Biên, thò tay sờ lên thành cầu, như
rụt rè hỏi
thăm bao mùa nóng lạnh, bao dấu vết bom đạn. Anh đang trên đường vào
Hà-nội,
mang theo với anh tro than của những cuốn sách...
Gòa không, Gòa không?
Bình Nguyên Lộc là
nhà văn Miền Nam thân cận nhất đối với
thằng bé di cư-tôi ngày nào. Tôi làm quen với Sài-gòn là qua ông. Cái
trò ngồi
quán nhâm nhi ly hồng trà, ngóng chờ hồn ma cũ, trong khi tương lai
đang đợi ở
một ngã tư nào đó, là do ông, phần nào.
Ông già tôi khi còn
sống, đặt cho tôi một biệt hiệu: thằng
Mõ Phố. Ông làm nghề dậy học, cứ bị đổi trú sở hoài. Nghe nói Tây không
ưa ông.
Thằng con, ngay những giờ phút đầu tiên đến đất lạ đã lân la làm quen,
từ người
đến cảnh. Chưa kịp làm quen người bố, ông đã bị đảng phái thủ tiêu.
Mõ Phố vào Nam, việc
đầu tiên, mua một tấm bản đồ thành phố
Sài-gòn, rồi "khốn khổ khốn nạn vì nó". Chả là, thằng nhỏ tin theo
bản đồ, lần theo đường chỉ, đụng ngay một đồn Bình Xuyên. Thành phố
những ngày
đầu di cư, bản đồ nào "cập nhật hóa" cho nổi! Người lính gác, chắc
chỉ muốn cho thằng nhỏ Bắc-kỳ một bài học, bắt đứng đó đến chiều tối;
mỗi lần
buồn buồn, anh lên cò súng lách cách, hăm: Tao bắn bỏ mày! Anh ta làm
sao biết
thằng nhỏ bị gắn khằn trong trí tưởng, hình ảnh một ông bố bị cột đá bỏ
sông.
Truyện ngắn của Bình
Nguyên Lộc lúc đó rất ăn khách, và
những tờ nhật báo tại Sài-gòn thường in kèm như phụ trương. Bạn mua tờ
báo, mở
ra, truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc là một "cahier" khổ nhỏ kẹp ở
giữa.
Nhớ đến ông, tôi nhớ
đến một người viết khác, ông anh rể của
tôi, Nguyễn Hoạt.
Nguyễn Hoạt thuở mới
vào cũng ham viết tiểu thuyết về miền
nam. Cuốn Trăng Nước Đồng Nai của ông kể lại việc kiếm cơm miền nam
bằng nghề
dậy học tại Biên Hòa. Ông quá mê thằng nhỏ xe "lô" (location), mời
chào khách: Gòa không, Gòa không? (Hòa không, Hòa không?). Ông tả những
cô gái
miền nam tự nhiên đến nỗi mặc "đồ ngủ", leo cây, hái trái!
Ông chú Th. của tôi
cười ngất, buông một câu: Bộâ nó tưởng
gái miền nam "dễ dzô" lắm sao? Bà thím tôi ngồi kế bên cười tủm tỉm.
Hai người sắp thành ba người, mới lo làm đám cưới! Nhân đó, ông hỏi tôi
thường
đọc ai, tôi nói: Cháu mê Bình Nguyên Lộc. Ông gật gù, trúng ý. Trên bàn
là một
tờ báo hàng ngày, với truyện ngắn mới nhất của ông.
Ông chú này, tôi đã
nhắc tới, nhân đi tìm "cái
tên", cho một cuộc chiến. Gọi là chú, vì cùng học với ông già. Ông thi
rớt, bỏ vào Sài-gòn lập nghiệp từ khi còn "nước Nam-kỳ", "tân
thế giới" của những chàng trai xứ Bắc. Bà thím gốc xa xưa Tiều, rất
hiền.
Bà kể lại, kỷ niệm lấy chồng. Ổng nói, nếu ngày đó, tôi "hỏng" chịu
cưới, bà tính sao? Đành ôm bầu, đẻ con, chịu làm "gái ngoan" chứ làm
sao giờ! Kỷ niệm dù sao cũng vui. Buồn: những ngày làm ăn khá giả, khi
chưa xẩy
vụ di cư, bà sợ nhất cảnh đếm tiền mỗi lần ông đưa về. Sau bà nghĩ ra
một cách
thật giản dị: dùng đấu, để đong, như đong gạo!
Là một thương gia
giầu có nhưng có thể do bỏ miền bắc, ông
lại càng tin vào một "mùa Thu" mà ông đã không có dịp được thưởng
thức khí hậu. Mãi sau này, ân hận, nhưng cũng may, mất trước khi mất
miền nam,
không phải chứng kiến cảnh kiểm kê tài sản.
Cô con gái thứ của
ông là mối tình đầu của tôi.
Tôi mê cô cùng lúc mê
Bình Nguyên Lộc. Thương thằng nhỏ con
người bạn học, ông chú kêu tôi về làm trợ giáo cho mấy đứa con ông.
Không hiểu
ông có một vầng trăng thề nào không, khi rời xứ Bắc, vì mấy cô con gái
đều mang
tên người đẹp cung Quảng. "Đệ nhị tiểu thư" được cưng nhất, nhưng
không vì vậy mà bớt sợ bố. Ông là một "hung thần" trong gia đình.
Lần cuối, tôi tới
thăm nhưng "vô ý" mang luôn đôi
dép dính bùn vô nhà. Cô hoảng quá la lớn: Anh để dép bên ngoài! Tôi
quay ra,
dép theo luôn. Mãi sau này, khá trộng tuổi, cô mới lấy chồng. Bây giờ
hình như
hai vợ chồng ở Úc. Không hiểu khi chọn tôi làm "trợ giáo" cho mấy đứa
nhỏ, ngoài chuyện thương đứa nhỏ mồ côi, ông chú tôi có bị ảnh hưởng
Bình
Nguyên Lộc hay không?
Nếu miền nam của Sơn
Nam là một miệt vườn, hoặc
"trước" thuở miệt vườn, một hình bóng cũ; miền nam trong Bình Nguyên
Lộc, là cảnh nhập nhằng kẻ chợ, người quê. Những nhân vật của ông cũng
nửa quê nửa
tỉnh. Đây là lý do theo tôi, dân Sài-gòn rất mê ông, nhất là những độc
giả
"nhựt trình". Trong tiểu thuyết của Bình Nguyên Lộc đã manh nha một
Sài-gòn sắp sửa biến mất, như một miền nam biến thành huyền thoại, ở
Sơn Nam.
Người ta tự hỏi mấy cô gái trong Đò Dọc, lo chạy giặc Tây giạt về một
xóm quê,
suốt ngày lóng ngóng không biết làm gì, suốt đời chờ đợi một người lái
"đi
xem heo", họ sẽ sử sự ra sao, sau này, khi quân đội Mỹ và đồng minh đổ
xô
tới...
Nhận định văn ông, ở
một số người viết:
-... không thành công
ở truyện dài... đầy rẫy đối thoại, vết
tích còn lại của những tiểu thuyết đăng báo từng kỳ... nhưng thái độ
sống đã là
tấm gương sáng cho tôi (Nguyễn Văn Sâm).
-... xét về toàn thể
thì đến nay một thành công của Đò Dọc
(có kết cấu linh động, kỹ thuật song suốt, xây dựng tâm lý ý nhị, hành
văn trôi
chẩy, đối thoại duyên dáng hơn cả) vẫn không đủ sức để cứu vãn giá trị
cho sự
nghiệp văn chương thiên về lượng hơn về phẩm đó... vốn dĩ ông đã tỏ ra
khá xem
nhẹ cái công phu viết văn rồi. (Cao Huy Khanh).
Trong lời giới thiệu
Tuyển Tập, Võ Phiến trân trọng những
bận tâm "khác", (ngoài cõi văn?): Đồng Nai là bận tâm của một dòng
họ, Phù Sa là bận tâm của cả miền Nam... mối bận tâm thứ ba bao trùm cả
dân
tộc. Ông gọi: Bình Nguyên Lộc, một nhân sĩ trong làng văn.
Những nhận định cho
thấy, Bình Nguyên Lộc không được coi như
là "một nhà văn". Ở đây, có nhiều vấn đề: hoặc thể văn đối thoại là
một tiền-văn chương. Hoặc nó không đủ lực để chuyên chở những rắc rối
đa đoan
của tâm lý con người, sự chuyển biến của một xã hội, như xã hội miền
nam trước
cơn bão chiến tranh. Hoặc tác giả như Bình Nguyên Lộc không đủ khả năng
làm bật
nó ra, nhưng ở trong ông vẫn bàng bạc một nỗi lo: xã hội xuống cấp, "về
chiều", "đồi trụy", và đây đúng là những bận tâm của một người
viết, khi chọn lựa hình thức văn chương: tiểu thuyết. Như Georges
Lukacs định
nghĩa: tiểu thuyết, một thế giới về chiều, nhân vật chính, một anh
chàng ù lì
(passif), do ý thức quá rộng, mà thế giới về chiều quá chật không làm
sao thỏa
mãn. Điều này giải thích tại sao Bình Nguyên Lộc thành công trong những
truyện
ngắn: Đây là nơi trú ẩn của ông, trong những hồn ma cũ, trong hình bóng
một cô
đào hát cậu bé đã một thời mê mệt (Tình Thơ Dại), trong nỗi Thèm Mùi
Đất...
Anh chàng ký giả nhựt
trình trong Hồn Ma Cũ giải thích:
chàng đã ghiền không khí ở đây, ghiền cả thời gian nữa... cho đến cái
dơ bẩn
của tiệm này chàng cũng yêu... Nhưng đúng ra là chàng đang rình... nó
đây rồi:
Thình lình Kỳ ngây
người ra: chàng vừa thấy người cha đứa bé
rót cà-phê ra dĩa cho mau nguội, rồi nâng dĩa mà uống. Cảnh này, chàng
đã thấy
rồi... trời ơi... lâu lắm... những hai mươi năm về trước...
Cảnh này, thằng bé
Bắc-kỳ ngày xưa cũng đã thấy rồi.
Bữa đó, hai vợ chồng
từ rẫy lên chợ (chợ Cai Lậy). Bà vợ xà
ngay vô một gánh bún, hay cháo lòng heo trong lúc anh chồng xớn xát
kiếm một ly
cà-phe túi. Khi quay lại anh thấy bà vợ đang thong thả lật phía bên
trong chiếc
gấu quần, hài lòng lau miệng...
Trời ơi, nó đây rồi,
bấy lâu nay anh tìm kiếm hoài lúc đó
mới hiểu ra, tình yêu là gì...
|