*

 
Chuyện Văn





 

Simone de Beauvoir: Tinh thần không có giới tính.
(L’esprit n’a pas de sexe) 

Thế kỷ 20 có ba vị “nữ thần” của nó, đó là Simone de Beauvoir, Hannah Arendt và Simone Weil. George Steiner tự hỏi, cho tới nay, liệu có một triết tưởng nào (a philosophic imagination), ở trong số những bậc nữ lưu, xứng đáng để kế bên của Simone Weil? Ông tin rằng, người ta phải có một chiều sâu tâm lý của Dostoevsky, và lòng từ bi bác ái của một vị thánh, mới hiểu nổi Weil. Hai nỗi đau lớn của bà: thân phận con người, tên nô lệ của con quái vật nhà máy, và thân phận người dân xứ thuộc địa, đặc biệt là xứ Đông Dương.

Hannah Arendt thì cố gắng tìm cho ra duyên do cái ác, của thế kỷ hung bạo, trong khi dò tìm những cội nguồn của chủ nghĩa toàn trị.

Còn Simone de Beauvoir? 

Những năm tháng của S. de Beauvoir thực sự bắt đầu cùng với sự xuất hiện tác phẩm Giới Tính Thứ Nhì (Le Deuxième Sexe), vào năm 1949. Và nó bắt đầu một cách thật là thê thảm!

Ngay khi những trích đoạn của cuốn sách, được đăng tải trên báo chí, nó, và tác giả của nó, đã bị tấn công tàn bạo, bởi cả phe ta lẫn phe địch, tức cực hữu, đám trưởng giả đầu có sạn (bien-pensant bourgeoisie), và Cộng Sản. Nhưng đây là một vấn đề xưa như trái đất, từ khi Chúa lấy cái xương sườn của Adam, để tạo ra một toà thiên nhiên là bà Eve.

Đây là vấn đề liên quan tới nữ quyền.

So với Pháp, Anh Quốc lại tỏ ra thức thời hơn, đối với nữ quyền. Ở Anh, ngưỡi phụ nữ có quyền đi bầu, là vào năm 1944. Theo Sylvie Chaperon, tác giả cuốn sách viết về Simone de Beauvoir (Những năm tháng của S. de Beauvoir 1945- 1970, nhà xb Fayard, Paris), sở dĩ phụ nữ Anh được may mắn hơn phụ nữ Pháp, đó là do Ca-tô giáo ở Pháp nghiệt ngã hơn, đối với phái nữ, so với những xứ sở đa số người dân theo đạo Protestant ở Tây Bắc Âu Châu.

Trở lại với Giới Tính Thứ Nhì, và thái độ của giới trí thức Tây hồi đó. Người thì cho rằng,  nó tạo sốc, trong khi một số khác thì coi, đây là những tia sáng mới mẻ soi chiếu vào một cõi tối tăm, ẩm ướt, nơi chốn mà nhà văn người Mỹ, Henry Miller, đã từng cho rằng, đó là cánh cửa mở ra mọi siêu hình học, và tôn giáo, và cũng là nơi Thượng Đế thường xuyên trú ngụ, hay ẩn náu! “Hiện sinh” như Camus, mà còn than phiền, bà làm cho lũ đàn ông như là những thằng khùng, đồ dở hơi (she had simply made men look foolish). Còn nhà văn lão thành Francois Mauriac không chịu nổi chuyện bà cứ thế xài tỉnh bơ, những thuật ngữ cơ thể học (F. Mauriac disliked her fearless use of anatomical terms). Nhưng hàng ngàn những phụ nữ bình thường đã biết ơn de Beauvoir – một bậc nữ lưu trí thức lạnh lùng, không chồng, không con, quá nửa đời người vẫn chưa có một nơi ăn chốn ở (dòng dõi quí tộc, gia đình giầu có, nhưng bà chẳng thèm để ý tới điều gọi là “mái ấm gia đình”). Nhờ bà mà họ đã được giải phóng ra khỏi gánh nặng chết chóc của những định kiến, và lối sống khuất phục nam giới. Ngay tuần lễ đầu khi sách được xuất bản, đã bán được 22 ngàn cuốn, và trở thành một tác phẩm quan trọng nhất của thế kỷ 20, viết về vấn đề nữ quyền. 

Nhưng de Beauvoir đã chọn một thời điểm xấu để xuất bản cuốn sách (1949), theo như Angelica Goodden, người điểm cuốn sách của S. Chaperon viết về những năm tháng của S. de Beauvoir, trên tờ TLS số May 19, 2000. Một phần là do chính giới Pháp những năm sau khi chiến tranh vừa chấm dứt, là thuộc về những gia đình có tư tưởng cố hữu, và một phần, Cuộc Chiến Lạnh leo  thang đã dập tắt mọi tư tưởng cấp tiến. Tuy nhiên những ý tưởng về nam nữ bình quyền, nhờ cuộc chiến mà bùng nổ lên (phần lớn là do đàn ông đi ra trận hết, đàn bà ở nhà phải cáng đáng mọi chuyện, còn hữu hiệu hơn là mấy đấng mày râu), thật khó mà dập tắt hoàn toàn. Thực tế là, đàn bà Pháp vẫn bị đàn áp, bởi những định chế mà họ đã phục vụ. Nhà nước còn luôn luôn khuyến khích mấy bà ở nhà trông nom nhà cửa con cái, để “việc lớn” cho đàn ông lo! Thu nhập lớn nhất, là thuộc về những gia đình chồng đi làm, vợ ở nhà trông hai đứa con. De Gaulle cho rằng, giống đực giống cái, mỗi giống có một nơi chốn và một vai trò của riêng nó (each sex had its own place and role), đã từ chối ban cho phụ nữ việc làm trong chính quyền của ông. Tư tưởng “tinh thần không có giới tính” có thể đã được biết tới nhiều, từ thế kỷ 17, nhưng trên thực tế, trong một chế độ phụ hệ, người phụ nữ luôn luôn được coi là “Kẻ Khác”. Mặc dù khẳng định nổi tiếng của Simone de Beauvoir, “người ta không sinh ra, nhưng mà là trở thành đàn bà” (one is not born, but becomes a woman), người đàn bà, vẫn bị coi như là một sức mạnh không giống ai (unusual force). 

Nhiều người coi dục tính (sexuality) là mặt trận quan trọng số một trong vấn đề nữ quyền. Giới Tính Thứ Nhì coi giải phóng dục tính là một “sine qua non” (vấn đề sinh tử, không thể bỏ qua được). Độc giả đã nhận ra thông điệp của Simone de Beauvoir, và những năm tháng vinh quang (the glory years) bắt đầu từ giữa thập niên 1950, tiếp tục mãi tới năm 1970. Bà được coi như là một nữ tiên tri, trong xứ sở của bà, là nước Pháp. Hiện nay, Simone de Beauvoir vẫn được coi như là một trong những vị lãnh đạo của phong trào nam nữ bình quyền trên toàn thế giới, mặc dù không phải tất cả những gì mà bà “tiên tri” ở trong Giới Tính Thứ Nhì, đã hoàn toàn đúng, nhất là sự tấn công của bà đối với nữ tính “thiết yếu” (“essential” femininity), nay đã bị đả phá bởi những tác phẩm của Francoise d’Eaubonne (Mặc cảm Diane, Le Complexe de Diane, 1951), hay của Suzanne Lilar (Ngộ nhận về giới tính thứ nhì, Le Malentendu du deuxième sexe, 1969).

 Nguyễn Thị Thụy Vũ và câu chuyện về một “Muỗng Nước Mắm” 

“Nhưng câu chuyện về một Deep South của Quentin không chấm dứt với chiến tranh. Đại tá Sutpen về nhà, [Quentin] nói, để thấy rằng vợ đã chết, con trai, một kẻ trốn chạy, những nô lệ của ông phân tán (họ bỏ chạy trước khi được giải phóng bởi quân đội Union), và hầu hết đất đai của ông bị trưng thu do nợ nần.”

(Malcolm Cowley giới thiệu William Faulkner, trong The Portable Faulkner, nhà xb The Viking Press New York)

 “Tại sao anh thù ghét Miền Nam?”, Shreve McCannon hỏi, sau khi nghe xong câu chuyện – “Tôi không thù Miền Nam”, Quentin trả lời liền lập tức. “Tôi không thù Miền Nam,” anh lập lại, như thể nói với tác giả, và với chính mình. “Tôi không thù …. Tôi không. Tôi không thù! Tôi không thù!”
William Faulkner. Asalom, Asalom! (1936).

 Trong số những truyện ngắn của Thụy Vũ, có một, ít được nhắc tới, nhưng có lẽ đây là truyện ngắn hay nhất của bà, cho thấy cái mạch ngầm của ‘dòng văn học miền nam’: thiên về tâm linh, và nó ‘nhập thế’ qua hình ảnh của một đạo gia hơn là của một nhà văn. Đây là điểm thật khác biệt giữa hai dòng văn chương, một mang “chiến đấu tính”, và một tuân theo sức mạnh vô hình, của điều được gọi là “thiên tài của nơi chốn”, hay của Thần Đất (genius loci, the spirit or guardian deity of the place).

 Đó là câu chuyện về một người đàn bà, hình như một ‘Chị Hai’ trong một gia đình miền nam. Chị Hai nhiều khi không hẳn là một ruột thịt trong gia đình, mà chỉ là một người làm công lâu đời, người viết không khỏi liên tưởng tới người vú da đen, trong Âm Thanh và Cuồng Nộ của William Faulkner: những con người gìn giữ lương tâm của cả một miền đất. Malcolm Cowley viết về những nhân vật của Faulner: dù anh hùng, hay tiểu nhân, họ có một cảm quan kỳ cục: nhẫn nhục với số mệnh của mình (They… carry, whether heroes or vilains, a curious sense of submission to their fate).

 Bà Chị Hai  của Thụy Vũ, suốt đời ăn chay niệm Phật, tới phút hấp hối, bỗng muốn được hưởng mùi trần: hãy cho tôi nếm thử một muỗng nước mắm! Thế là có người thì giẫy nẩy, đây là Quỉ ám, cản trở không cho bước vào cõi Phật. Họ viện dẫn, ngay cả Đức Phật trước khi đắc đạo, trước nhìn ra ý nghĩa đau khổ của cõi đời sinh tử lão bịnh, và tìm ra được giải thoát ra khỏi vòng luân hồi, cũng đã từng bị Quỉ ám ảnh. Có người gật gù, phải thực hiện ao ước cuối cùng của một linh hồn trước khi lìa đời….

 Tôi không nhớ Thụy Vũ đã ‘quyết định” ra sao, về nhân vật của mình, “chấp nhận luân hồi, anh bước vô”, hay là…

 Theo tôi, câu chuyện muỗng nước mắm của Thụy Vũ nằm trong dòng văn chương “tâm linh”, như  một “Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp” của Hồ Hữu Tường. Hay một Cửa Tùng Đôi Cánh Gài, của Nhất Hạnh.

 “Hãy nói về Miền Nam”, một người bạn học ở chung phòng tại Harvard nói với Quentin. Một tay người Canada tên là Shreve McCannon vốn tò mò về một vùng đất chẳng ai biết (unknown) vượt bên ngoài Ohio. “Nó ra sao”, anh ta hỏi. “Người ta làm gì ở đó? Tại sao người ta sống ở đó. Tại sao người ta sống, vậy đó?”

 Nỗi băn khoăn về một miền đất quá bên kia dẫy Trường Sơn, có thời được coi là Hoành Sơn Nhất Đái, Vạn Đại Dung Thân, nhưng bắt đầu trở thành “unknown”, không phải với một người Canada, mà là với chính mình, đó là một ám ảnh viết mở ra Khung Rêu, của Thụy Vũ:

 “Từ hồi nhỏ, tôi phải chịu đựng một ám ảnh thường xuyên: sự suy sụp bệ rạc của một gia đình thịnh mãn ở Miền Nam. Nguyên nhân chính của sự suy sụp này thì ai cũng biết: chiến tranh… Khi khởi công viết quyển truyện này, tôi đặt trước cho mình một chủ định: ghi lại cái ám ảnh từ thuở nhỏ dại đó của tôi, trong ước vọng, một lần nữa, giải tỏa nó cho xong”.

 Khung Rêu làm độc giả say mê Faulkner nhận ra trang trại nho nhỏ có tên là Sutpen’s Hundred, lọt thỏm trong Thiên Đàng Giả Tưởng: Xứ Yoknapatawpha (The Yoknapatawpha County) của ông. Khung Rêu, qua tóm tắt của Vương Trùng Dương, trong bài viết Nguyễn Thị Thụy Vũ Giữa Dòng Đời Nghiệt Ngã: “Bối cảnh câu chuyện xoay quanh gia đình ông Phủ, điền chủ, quan lại, giai đoạn về hưu. Nhìn bên ngoài gia đình giầu sang nhưng bên trong từ ông Phủ đến con cái chẳng ra gì, con trai có đứa thì chơi bời trụy lạc, đứa thì dốt nát, con gái có đứa lăng loàn, đứa thì thất tình hóa điên, đứa thì á nam á nữ. Ông Phủ lắm vợ nhưng đầu óc đầy nhục dục, hãm hiếp người làm trong nhà tuổi bằng con cái… tạo ra thảm kịch, băng hoại của gia đình đến thời suy sụp”

 Như trên cho thấy, Thụy Vũ đổ cho chiến tranh gây nên sự suy sụp. Nhưng Faulkner nhìn xa hơn, ông cho rằng sự suy tàn của Miền Nam, là do chính những con người của nó. Như Malcolm Cowley chỉ ra: Miền Nam Sâu Thẳm được cai trị bởi những điền chủ, một số là quí tộc như bộ lạc Sartoris, trong khi một số khác, là dân ở đâu mới tới, như Colonel Sutpen. Cả hai đều cùng chung một mục đích: xây dựng một trật tự xã hội lâu dài, trên một vùng đất họ cướp được từ những người thổ dân da đỏ. Đầu óc thẳng băng, sống theo một qui luật nhất định (fixe code), nhưng “sâu thẳm” ở trong họ, là một ám ảnh tội lỗi, ở trong cách sống của họ, ở trong mơ ước tạo lập thiên đường hạ giới của họ (but there was also an inherent guilt in their “design”, their way of life); và chính chế độ nô lệ mà họ bắt dân da đen phải chịu đựng, đã gieo vào mảnh đất một lời nguyền, và từ đó, là Cuộc Nội Chiến. Như trong thư của Faulkner viết cho Cowley, đám con cháu của Sutpen đã coi ông như là một thứ rác ruởi, đồ trôi sông lạc chợ (trash, originless), nhưng lại cảm thấy được an ủi, bởi sự kiện: rằng một người như Sutpen, giấc mơ của họ mới cao làm sao, nhưng chỉ đủ sức mạnh, và sự dẻo dai, để thất bại một cách thật là cao cả (the fact that a man like Sutpen ‘could only have dreamed so high but have had the force and strength to have failed so grandly.) Do đó, không phải do tính tình, mà chính là do số mệnh, mà Sutpen trở thành một nhân vật mang tính biểu tượng của Miền Nam.

 Faulkner thường được coi như là một “ông già nhà quê”, với độc giả người Mỹ. Và không phải nước Mỹ, mà là thế giới, đặc biệt là nước Pháp, đã “khám phá” ra ông. Nếu trí nhớ không phản lại người viết, khi ông được Nobel văn chương, tờ NY Times, trong một bài báo đã “cảnh cáo” độc giả nước ngoài: đừng nghĩ rằng ở Mỹ, nơi nào cũng có những thảm kịch loạn luân, thù hận da đen, như trong tiểu thuyết của Faulkner mô tả.

 Cuộc Nội Chiến, kết quả của nó, là một nước Mỹ hùng cường ngày nay. Liệu một khi người Mỹ nhẩy vào Miền Nam Việt Nam, họ có mơ tưởng một lập lại lịch sử của chính họ, tại một vùng đất “unknown” nơi đầm lầy nhiệt đới Việt Nam? Và họ đã thất bại một cách thật là cao cả?

 Trên đây chỉ là một “giả tưởng”, của người viết bài này, nhưng trên thực tế, với tác giả Thụy Vũ, nó là một hy vọng thực sự, nếu chúng ta để ý đến hoàn cảnh gia đình của bà, mà như tác giả Vương Trùng Dương, qua bài viết đã dẫn ở trên: “Nguyễn Thị Thụy Vũ tên thật là Nguyễn Thị Băng Lĩnh, sinh năm 1937 tại Vĩnh Long. Nhà văn sống giữa lằn ranh Quốc-Cộng trong gia đình. Vì sống giữa lằn ranh đó, Nguyễn Thị Thụy Vũ đã gánh chịu bao điều ngộ nhận về khuynh hướng chính trị… thân phụ là nhà thơ Mặc Khải, tác giả Phấn Nội Hương Đồng. Mặc Khải nằm vùng, hoạt động cho Cộng Sản…”. Nếu Thụy Vũ cho rằng chiến tranh là duyên do của suy sụp, nhưng bởi vì “sống giữa lằn ranh”, bà cũng còn tin tưởng, chiến tranh dưới dạng giải phóng, là khởi đầu một hưng thịnh của nó.

 [Chú thích: Người viết xin tóm tắt sơ qua, cái nghiệp của một con thằn lằn. Tác giả của nó, Hồ Hữu Tường, theo người viết, cũng là một thứ đạo gia, xuống núi hành hiệp, qua những vai trò: hiệp sĩ, khi chấp nhận triết lý hành động của một Đệ Tứ, nhà văn, khi viết Phi Lạc, thiền sư, trong Trầm Tư Của Một Tên Tội Tử Hình, và sau cùng, một người dân Miền Nam, như tất cả mọi người, sau 1975.

Câu chuyện Con Thằn Lằn mở ra tại một ngôi chùa hẻo lánh, tại một miền đất xa xôi. Bữa đó, có hai người khách lãng du tình cờ ghé qua. Đúng vào ngày cuối cùng, trước khi quyết định lên giàn hỏa tự thiêu của vị sư trụ trì. Nhân câu chuyện lúc cùng khách, vị sư cho biết, ông đã tụng đủ mấy ngàn lần một bộ kinh, và theo như truyền thuyết, sau khi tụng xong lần cuối cùng vào tối nay, ông sẽ lên giàn hỏa, tự thiêu, và sẽ thành… Phật. Hai ông khách, khi về phòng riêng, nói chuyện với nhau, cho rằng nhà sư đã hiểu lầm ý nghĩa của bộ kinh, hơn nữa còn hiểu sai Phật Giáo, vốn cấm con người tự huỷ mình. Không ngờ khi họ nói chuyện, con thằn lằn trong chùa đã nghe được. Đây là một con thằn lằn đã tu nhiều đời, hiểu được tiếng người. Và nó cũng đã tin tưởng như nhà sư, và cũng tính theo ông lên giàn hoả, sau khi nghe ông tụng xong lần cuối bộ kinh. Thế là con thằn lằn cố tìm cách cứu mình, và cứu vị sư. Bằng cách uống dầu đèn, nó làm cho vị sư không làm sao tụng xong lần thứ… chót của bộ kinh, để lên giàn hoả tự thiêu. Vị sư sau cùng khám phá ra, và tiện tay cầm vồ tụng kinh, ông đập chết con thằn lằn, rồi tụng tiếp, và tự thiêu. Hồn cả hai lên gặp Phật. Phật quở vị sư, tu mà còn đủ sân si, lại còn thêm tội sát sinh, bắt trở lại làm người, tu tiếp. Còn con thằn lằn, Phật giải thích, tuy đã ngộ ra được một phần chân lý, nhưng phương tiện “nuốt dầu” như thế là còn có tính “bạo động”, ép buộc, và “ngẫu nhiên”. Phật cho phép con thằn lằn được tự chọn nghiệp, trước khi đầu thai. Như người viết còn nhớ, truyện lần đầu chấm dứt ở đây, [Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (1950) được giải thưởng truyện ngắn thế giới, khu vực nói tiếng Pháp (1951).  Đăng lại trên tuần báo Mới (Sài Gòn), số 28, ngày16-5-1953, có trong tuyển tập truyện ngắn Nợ Tinh Thần, nhà xb Tân Sinh, Sài Gòn, 1965], nhưng sau đó, tác giả viết thêm (trên tờ Văn ở Sài Gòn, khi tác giả trở về từ Côn Đảo, khoảng sau 1963 ít lâu, nếu trí nhớ người viết không lầm), cho con thằn lằn đầu thai, làm một nhà văn hóa. Liệu có thể coi Cửa Tùng Đôi Cánh Gài (1966), là một tiếp nối Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp? Đây là câu chuyện một vị sư trẻ xuống núi hành hiệp, mang theo một cây gươm, và một cái kiếng chiếu yêu. Nhờ kiếng chiếu yêu, chàng dũng sĩ trong chiếc áo thầy tu đã dùng cây kiếm trừ khử được rất nhiều yêu quái đội lốt người… nhưng dần dần, anh ít sử dụng tới kính chiếu yêu, và do đó, cũng ít phải có dịp rút kiếm ra khỏi vỏ, như thể thiên hạ đã hết cả yêu quái… Rồi tới một ngày kia, nhớ thầy, nhớ chùa, anh trở lại. Cửa chùa ngày anh còn, thường luôn luôn mở rộng, sao nay khép lại, trước anh? Buồn rầu, anh ngồi bên con suối xưa, thấy bóng mình trên dòng nước: một con người mệt mỏi, chán chường… Anh tự dưng có ý định soi một lần bóng mình, trên kiếng chiếu yêu… và rụng rời thấy, một con quỉ trên mặt suối giận dữ nhe nanh…

Không hiểu Hồ Hữu Tường có đọc “Cửa Tùng…."?.
Không hiểu Nhất Hạnh có từng đọc lại "Cửa Tùng..."