|
Hạt
thóc của Phù Thăng
"Nếu
tính cách là do hoàn cảnh tạo ra, thì cần phải làm
cho hoàn cảnh trở nên nhân đạo hơn."
Marx
"Liệu
con người có hồi sinh được không, từ những đòn
đau ê ẩm của Chekhov?"
Gorki
(Phan
Hồng Giang trích dẫn, trong giới thiệu tuyển tập
truyện ngắn Chekhov, nhà xb Văn Học, hai tập, 1977).
Trong
số những bài viết của Chân Dung và Đối thoại (Trần
Đăng Khoa), được hải ngoại đăng lại, kèm hoặc không kèm lời bình,
"đạt", có: bài viết về (con nai vàng ngơ ngác của) Lưu Trọng Lư, (đôi
tất của) Lê Lựu, (trận cháy của) Xuân Diệu, và (hạt thóc của) Phù Thăng.
"Hạt
thóc", là câu chuyện "kể về một gã tâm
thần. Gã từng là nhà văn, từng làu làu tiếng Pháp. Thế rồi chẳng biết
do ngộ
chữ thế nào đó, gã đâm lẩn thẩn. Gã cứ nghĩ mình là hạt thóc bé bỏng
tội
nghiệp. Và vì thế cứ trông thấy gà qué ở đâu là gã co cẳng chạy".
"Thật
tội nghiệp cho gã! Thà gã cứ nghĩ mình là một cục
cứt để rồi mà sợ chó, thì đời gã chẳng đến nỗi khổ như vậy."
Bởi
vì hạt thóc, gà... liên quan tới nhà quê, cho nên ông
giải thích cụm từ "thà gã cứ nghĩ mình là một cục cứt để mà sợ chó":
"Chó đang thưa vắng dần. Ở làng quê bây giờ có bói cũng chẳng tìm thấy
bóng dáng một chú chó nhỏ. Để đề phòng bệnh dại, người ta đã triệt
chó".
Nhưng liền đó, là:"Chỉ ở Hà Nội mới có chó. Rất nhiều chó." (tôi cứ
tưởng tượng cái cảnh Trần Đăng Khoa viết đến đoạn này, khoái quá, rồi
sợ quá,
ông bèn viết thêm) "Chó ngào ngạt suốt một rẻo đê Nhật Tân. Nhưng đó là
những con chó hòa bình, chẳng có gì phải sợ". (Ở đây, loáng thoáng câu
tục
ngữ: chó chết, hết chuyện!).
Một
truyện ngắn "mini", (truyện cực ngắn) như Trần
Đăng Khoa cho biết. Ông giải thích, "có truyện chỉ vài trăm chữ, thậm
chí
vài chục chữ, mà vẫn chuyển tải được tới bạn đọc một vấn đề lớn. Chỉ
một dúm
chữ, nhưng truyện vẫn có hồn, có cốt, có cả nhân vật. Nói tóm lại, nó
vẫn là
cái truyện nghiêm chỉnh, chứ không phải một dạng tiểu phẩm, có tráng
qua chút
văn chương."
Sau
đó "người bệnh" được một bác sĩ tâm thần chữa
trị. "....bằng tấm lòng nhân ái ấy, ông bác sĩ tài ba ấy đã cứu được
gã,
đã đưa gã từ cõi mộng mị hoang tưởng về với xứ người. Ông anh làm nghề
gì? Tớ
là nhà văn. Cóc phải! Người ta bảo ông anh là hạt thóc. Bậy! Tớ là con
người.
Cậu nói gì mà lạ thế? Tớ là con người!"
Nabokov,
trong bài "Độc giả tốt và nhà văn tốt"
viết: "Văn chương không bắt đầu vào cái ngày, một đứa trẻ chạy trối
chết
từ một cánh rừng ra, và chạy và la: 'chó sói, chó sói!', và một con sói
bén gót
chú bé. Văn chương ra đời cái ngày chú bé la lớn 'chó sói, chó sói!',
và đằng
sau lưng chú chẳng có con sói nào.... giữa con sói ở góc rừng và con
sói ở góc
trang sách, có một mắt xích lóng lánh. Mắt xích đó, lăng kính đó, là
nghệ thuật
văn chương".
Ở
đây, với Phù Thăng, có một ẩn dụ, không những liên quan
tới văn chương, mà còn tới phận người. Chồng chất những nỗi cơ cực ở
trong đó.
Qua
Trần Đăng Khoa người đọc biết, Phù Thăng là một nhà văn
bị biếm, may không bị giết, nhờ đã chút công với cách mạng. Một cách
hết sức tự
nhiên, người đọc liên tưởng từ hạt thóc tới tác giả của nó: ông là một
hạt
thóc, bị những đồng chí cách mạng chạy
theo bén gót, may được "đồng quê" chữa trị. Với tôi, đoạn Trần Đăng
Khoa viết về những ngày bị biếm của Phù Thăng, và một con trâu điên -
(bạn hay
Phù Thăng đích thị?) - là những trang sách "đạt" nhất của Chân Dung
và Đối thoại:
"Phù
Thăng làm quần quật như một nông dân. Chẳng ai
biết ông là một nhà văn hào hoa phong nhã một thời. Bà bán nước chè
xanh ở quán
nước đầu xã Cộng Lạc, vốn là một giáo viên nghỉ hưu tỏ ra rất am tường:
'Các
bác muốn tìm ông Thăng mà hỏi nhà văn Phù Thăng thì chẳng ai biết đâu.
Cứ hỏi
ông Thăng có con trâu sứt tai, hoặc gọi tắt là ông Thăng sứt, thì cả
làng này
ai cũng biết.... Mà kể cũng lạ... ông lão người cứ quắt như gốc sắn
khô, mà trị
được con trâu to vật. Con trâu ấy dữ lắm, trẻ con đứa nào cũng hãi. Con
điên
sứt ấy đã cho mấy ông thợ cày thủng bụng rồi đấy. Vậy mà nó chịu ông
Thăng...'
"Vậy
đó. Con điên. Con điên sứt. Những biệt hiệu đầu
gấu sặc mùi đao búa của con trâu ương ngạnh, ai ngờ lại là đặc điểm, là
chứng
chỉ để người ta nhận diện một nhà văn... Thực tình Phù Thăng đâu đã bỏ
văn, để
rồi phải núp sau cái tai sứt của con trâu điên khùng. Ông vẫn viết cần
mẫn.
Ngày cày ruộng quần quật, đêm lại chong ngọn đèn dầu, cặm cụi 'cày'
trên cánh
đồng giấy trắng rợn, trắng đến sởn cả da gà. Bà vợ hơn ông hai tuổi lại
rên
rẩm:'Thôi, tôi lạy ông! Đừng viết nữa. Khổ đến thế còn chưa đủ sao?
Nhất nhỡ
lại sa sẩy nữa thì sống sao nổi. Ông già rồi...' Nhưng Phù Thăng làm
sao bỏ
viết được. Cái nghiệp văn chương nó thế. Không phải ông chọn văn chương
mà
chính văn chương đã chọn ông để đầy đọa, để hành hạ ông trong cõi người
này....
Chồng bản thảo mỗi ngày dầy thêm. Phù Thăng gói bản thảo thành từng bó,
quấn
giấy xi măng, rồi cho vào chum ủ lá xoan tươi. Đấy là cách phòng chống
mối mọt
của những nông dân nghèo thời trung cổ. Trong căn buồng ẩm thấp, tối
sẫm, lúc
nào cũng vo ve tiếng muỗi, ngoài chum thóc, chum sắn còn có cả một chum
văn
nữa..."
Đoạn
chót bài viết, là chuyện chum văn "chết' gặp gỡ
những chum văn "sống":
"Thấy
chúng tôi, ông sững lại, rồi reo òa lên như một
đứa trẻ:
-Ối
giời, các ông! - Và rồi, thật bất ngờ, Phù Thăng sụp
xuống. - Tôi lạy ông Khải, tôi lạy ông Lựu, tôi lạy ông Khoa!
-
Ô hay, sao lại thế này? Lê Lựu há hốc mồm kinh ngạc. Nguyễn
Khải đứng dậy, luống cuống. Xưa nay người ta chỉ lễ người chết, chứ mấy
ai lễ
người sống bao giờ..."
Độc
giả thấy thấp thoáng đoạn kể, nỗi sợ bất thần của anh
chàng tâm thần khi thung thăng ra viện: "Nhưng thật oái oăm, chính cái
lúc
ấy... thì lại vút lên tiếng gà gáy. Thế là gã co cẳng chạy.... Ông làm
sao thế
hả? Con gà... con gà... gã líu lưỡi lại. Ông anh có phải là hạt thóc
không?
Bậy! Tôi không phải là hạt thóc. Tôi là người. Là con người.... Nhưng
con gà,
vâng chính con gà ấy, nó vẫn cứ tưởng tôi là hạt thóc, thì sao?"
Tôi
là người nhưng những con gà nó không chịu cho tôi làm
người, thì sao?
Và
Trần Đăng Khoa kết luận: "câu chuyện mi-ni của ông
xưa, lại ám ảnh tôi, chợt làm tôi ớn lạnh. Bất giác, tôi nắm chặt bàn
tay gầy
guộc của Phù Thăng, lòng mơ hồ rờn rợn. Chỉ sợ ở một xó xỉnh nào đó,
sau lùm
cây tối sẫm kia, lại bất ngờ cất lên một tiếng gà gáy..."
Bạn
có thấy câu văn đóng bài viết "đạt" không?
Trần Đăng Khoa nhập vào nhân vật chính trong chuyện mini Hạt Thóc, cũng
như Phù
Thăng đã nhập vào trước đó. Ở đây, có tới ba chuyện mini Hạt Thóc. Ba
nhân vật
là một nhân vật (anh chàng bệnh tâm thần; anh chàng "tớ là nhà văn" -
Phù Thăng; anh chàng "tớ là nhà thơ" - Trần Đăng Khoa).
Để
giải thích kinh nghiệm tuyệt vời này, cho phép tôi được
nhắc tới bài tựa thi phẩm Lá Cỏ (Leaves of Grass,Walt Whitman), của
Jorge Luis
Borges (trong cuốn Sách Tựa, Livre de Préfaces).
Borges
nhắc tới cảm giác bực bội, của ông và cũng là của
nhiều người, khi chuyển từ những dòng thơ tuyệt vời trong Lá Cỏ, qua
những cuốn
viết về tiểu sử tác giả, nhà thơ Walt Whitman: người đọc cố tìm nhà thơ
lang thang
bán-thần, người đã làm nên những câu thơ thần trong Lá Cỏ, và ngạc
nhiên vì
không làm sao tìm ra. Bài Tựa của ông, là để giải thích lý do tại sao
đó.
Lá
Cỏ là hùng ca về nước Mỹ, vào thời kỳ lập quốc, và là một
trong những biểu tượng về một cõi lý tưởng, thiên đàng hạ giới (có thể
bây giờ
vẫn còn được nhiều người tin như vậy). Những hùng ca, với những nhân
vật như
Achille, Ulysse... đã thuộc về một thế giới bị tiêu huỷ, hoặc chúng ta
muốn
tiêu huỷ: thế giới quý tộc. Thế giới của tôi (Whitman) không thể bắt
chước
những khuôn mẫu đó: nhân vật chính của nó (hùng ca) phải ở số nhiều.
Trong
tập thơ, nhân vật chính, chính là Walt Whitman, ở số
nhiều. Không những ở số nhiều mà Whitman còn muốn, nó vô tận: ông cộng
vào nhân
vật chính, một nhân vật thứ ba: độc giả!
Bởi
vì, như Borges giải thích: Đọc Macbeth, một cách nào đó:
là Macbeth.
Bịa
ra một nhân vật, đã khó. Biến nó thành hai, thành ba,
rồi thành vô cùng, làm được như vậy, chỉ mới có Whitman.
Đọc
Phù Thăng của Trần Đăng Khoa, độc giả cũng cảm thấy rờn
rợn, vì một tiếng gà gáy bất thình lình ré lên...
Một
bài viết thật tuyệt vời, với riêng tôi.
Theo
Trần Đăng Khoa, Phù Thăng viết truyện Hạt Thóc khi đã
rời bỏ Hà Nội, trở về quê, làm một thợ cầy. Trước đó, ông từng là tác
giả kịch
bản nổi tiếng. Tiểu thuyết Phá Vây dày 500 trang, viết trực tiếp về
cuộc chiến
tranh vùng Bắc Bộ. Một cuốn sách ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng,
nếu
không có vài dòng ông luận về chiến tranh. Trong đêm, trước buổi mai
một trận
đánh lớn, nhìn cậu lính nào cũng trẻ đẹp, sức trai như thế kia vào trận
mà chết
thì uổng quá. Nếu không có chiến tranh, những sức vóc ấy mà cho đi phạt
bờ,
cuốc góc thì sướng biết mấy... Tôi nghĩ Hạt Thóc đã nẩy mầm ngay lúc
đó. Ông
muốn là một hạt thóc của văn chương, thay thế những hạt thóc bị phí
phạm của
cuộc đời. Nói một cách riết ráo, điều mà Phù Thăng muốn, là một thứ văn
chương
của hạt thóc, chứ không phải văn chương của đàn gà! Cái đoạn tả ông sụp
lạy
những đàn anh văn nghệ cho thấy: hãy cứ cho tôi là (một văn chương của)
hạt
thóc, đừng săn đuổi tội nghiệp! (Bài viết của Trần Đăng Khoa có thể làm
độc giả
ngộ nhận: Phù Thăng đã trở nên điên khùng như nhân vật của ông. Đây là
một cách
quy chụp, thường xẩy ra cho những nhà trí thức từng theo Đảng và sau đó
phản
tỉnh, như trường hợp Trần Đức Thảo chẳng hạn).
Ngay
trong bút hiệu của ông, đã có một ước vọng (phù thăng
đọc ngược là thằng phu).
Nhưng
cũng có thể, khi Phù Thăng cho nhân vật nhập vào một
hạt thóc, ông còn liên tưởng tới kỷ niệm thuở ấu thời. Mấy bà mẹ, mỗi
lần thấy
đứa nhỏ để vương vãi khi ăn, thường căn dặn: hạt thóc, hạt gạo, hột cơm
là
những hạt ngọc của trời, nhặt lên đi con. Mấy bà mẹ làm sao hiểu nổi
định luật
bảo toàn năng lượng - chẳng có gì sinh ra, chẳng có gì mất đi - hạt
thóc vương
vãi dành cho gà qué, hột cơm vào bụng, tiêu hóa, nuôi cơ thể, phần dư
thừa biến
thành thức ăn của chó, rồi tất cả ngào ngạt ở Hà Nội... nhưng ở giữa
hạt thóc
mà đàn gà săn đuổi, và ao ước giá là một cục cứt thì đỡ khổ biết bao
nhiêu, là
thân phận (hoặc vinh quang của) người viết: chọn văn chương hay
"được" văn chương chọn lựa...
Chữ người tử tù
Nhà
văn Isaac Bashevis Singer, khi phải lựa chọn một số
truyện ngắn, để làm một tuyển tập, ông nói đùa, mình đúng là một đấng
"quân vương", với ba ngàn cung tần mỹ nữ, và hàng lô con cháu. Chẳng
muốn bỏ đứa nào!
Ông
sinh năm 1904, tại Ba Lan, di cư sang Mỹ năm 1935, và
một thời gian làm ký giả cho tờ báo cộng đồng Jewish Daily Forward, tại
New
York City. Chỉ viết văn bằng tiếng Iddish, và được coi như nhà văn cuối
cùng,
và có lẽ vĩ đại nhất của "trường" văn chương Iddish.
Vĩ đại hơn, ông là nhà văn Iddish đầu tiên,
sống nhờ viết văn. Chúng được dịch ra tiếng Anh, rồi ông được trao tặng
Nobel
(1978). Là một trong số những dịch giả truyện của mình, với ông, tiếng
Anh còn là ngôn ngữ mẹ đẻ thứ hai, nhưng
ông thú
nhận, ông viết bằng tiếng Iddhish, vì đây là "tử ngữ', và truyện của
ông
là để cho những người đã chết, đọc.
Trong
Nhà Văn Hiện Đại, khi Nguyễn Tuân mới xuất hiện, Vũ
Ngọc Phan đã tiên đoán, văn tài của ông sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới lớp
sau. Có
thể mượn nhận định của Sartre, về chủ nghĩa Mác-xít: tùy bút của Nguyễn
Tuân
quả đã "không thể vượt được", nhất là chất khinh bạc của nó, đã
"di truyền" mãi mãi về sau này. Như nhìn ra "phần số khắc
nghiệt", để bù lại, trong truyện ngắn, Nguyễn Tuân
thường viết về những người đã chết. Ở đó,
chất khinh bạc mất hẳn, hoặc được ngôn ngữ kỳ diệu của ông đẩy tới tột
cùng,
biến thành lòng nhân hậu.
Cảnh
Huấn Cao viết bức tranh chữ cuối cùng của đời mình rồi
quay sang nói với viên cai ngục, hãy kiếm một nghề khác mà nuôi thân,
(con
người như ông, những chữ như thế này phải
tìm đất khác để mà tụ lại): chẳng đợi người cai
tù nói hết câu: xin
bái lĩnh, ông đã nhập vào những chữ chưa khô mực. Khó mà thấy cõi lòng
nhân hậu
đó, của Nguyễn Tuân, ở trong những trang tùy bút tuyệt vời như Chiếc Lư
Đồng
Mắt Cua, Nguyễn... kể cả sau này, trong những bài ký thời chống Mỹ cứu
nước,
như thể ông càng đi nhiều, càng gặp người (sống) nhiều, tài hoa, lòng
nhân hậu
của ông càng hao mòn dần...
Chữ
người tử tù: lý tưởng một đời người, ý nghĩa của chữ.
Trên đỉnh non Tản: hiện thực huyền ảo. Non Tản: Cái nôi, chốn hành
hương, cội
rễ nhà trời, nơi trời Việt, đất Việt gặp gỡ...
Cá
nhân người viết làm quen với Nguyễn Tuân rất sớm, phải
nói là quá sớm. Mới biết đọc, biết viết, "thằng bé" đã nghe đọc văn
ông, ở những bậc cha chú trong gia đình. Người bác trong lúc tâm đắc
với một
người bạn về những viên ngọc vương vãi, trên con đường từ giếng trời
trở về
trần, vô tình để mãi những viên ngọc trong trí tưởng của đứa cháu. Thế
đấy, cậu
bé đã dùng những viên ngọc như vậy để đánh dấu những trang sách hồng,
Ông Đồ
Bể, Cái Ấm Đất, của Khái Hưng. Đánh dấu những trang sách của một chuyện
tình
(chúng làm cho những lần chia ly bớt thê thảm đi một chút); của cuộc
chiến: như
những viên đất ném theo, ném theo mãi, xuống lòng huyệt...
Nhận
xét của họ Vũ về thể văn tuỳ bút, ở Nguyễn Tuân, không
ngờ đầy chất tiên tri. Những bài viết của ông sau này, là ký, không còn
là tuỳ
bút.
Với
tuỳ bút, cái "tôi" rất quan trọng. Cá nhân
người viết, khi đọc "Những essays hay nhất trong năm của Mỹ", The
Best American Essays, thấy chúng rất giống thể văn tuỳ bút, ở tính tự
thuật, ở
chất hồi tưởng, và nhất là ở tấm lòng của người viết, khi chuyện trò
với những
hồn ma. Tuyển tập Những bài essay hay nhất (hàng năm) của Mỹ, có một
đặc biệt:
mười hai năm hiện diện cho tới nay, mỗi năm mời một tác giả làm "guest
editor", thường là những khuôn mặt "đang lên": Joyce Carol Oates
(1991), Susan Sontag... Gần đây nhất là Jamica Kincaid (1995), Geoffrey
C. Ward
(1996).
Tuyển
tập 1997, với Ian Frazier lo việc in ấn và viết lời
giới thiệu, có bài viết của Lê Thị Diễm Thúy, The Gangster We Are All
Looking
For. Qua phần ghi chú tiểu sử, chúng ta được biết, bà là một nhà văn,
và nghệ
sĩ trình diễn đơn (solo performance artist). Sinh tại Việt Nam, lớn lên
tại
miền Nam California, hiện cư trú tại phía tây Massachusetts. Đã từng
đoạt giải
thưởng 1997 Bridge Residency của Headlands Center for the Arts. Văn
xuôi và thơ
của bà đã xuất hiện trên The Massachusetts Review, Harper's Magazine,
và Muae.
Tác phẩm trình diễn: "Red Fiery Summer" và "the bodies between
us". Hiện đang viết cuốn sách với nhan đề nêu trên, sẽ do Knopf xb.
Đọc
Gã Găng-tơ Tất Cả Chúng Ta Tìm, chúng ta sẽ thấy hậu quả
của cuộc chiến đè nặng lên những nhân vật trong truyện, và thật khó mà
nghĩ
rằng, nó đã chấm dứt, không phải với
chúng ta, mà với những thế hệ tiếp theo. Câu chuyện bắt đầu bằng một
tấm hình
đen trắng: Việt Nam là một tấm hình đen trắng, chụp ông bà tôi ngồi
trên những
chiếc ghế tre... Khi nhìn bức hình ông bà tôi, ở những năm cuối đời của
họ, tôi
cứ muờng tượng ra một sự khởi đầu. Khởi đầu cho cái gì, và ở đâu, tôi
không
biết, nhưng luôn luôn là một sự khởi đầu... Ký ức của bà mẹ truyền lại
cho
người con (nhân vật xưng tôi): Mẹ tôi có nghe một câu chuyện về một cô
gái bị
chết vì bom na-pan, khi xuống bãi dúng chân vào nước cho mát. Người ta
kiếm
thấy cô nổi lềnh bềnh trên mặt biển. Chất lân tinh của trái bom trùm
lên thân
thể cô, khiến nó lập lòe như một ngọn đèn...
Trên
nói tiên tri, đối với cả thể văn tùy bút, lẫn con người
Nguyễn Tuân. Một cách nào đó, khi ông phải "từ chối" tác phẩm (Những
tác phẩm viết trước cách mạng như Tàn Đèn Dầu lạc, Chiếc Lư Đồng Mắt
Cua, hoặc
sau đó, như Phở chẳng hạn), tôi nghĩ, có thể ông tin rằng, tuy ông bị ở
lại,
nhưng thể văn tuỳ bút, và con người Nguyễn Tuân ở trong đó, đã "vượt
thoát". Đã sống sót, ở một số nhà văn sau ông. Thí dụ như Vũ Khắc
Khoan,
Mai Thảo... Có điều, cả Nguyễn Tuân lẫn Vũ Ngọc Phan không thể ngờ, thể
văn tuỳ
bút lại trở thành một địch thủ lợi hại của thơ ca và giả tưởng, như
trong bài
Tựa của Robert Atwan, cho Tuyển tập 1997 kể trên: "Sự thay đổi của thể
essay ngày hôm nay làm cho thi ca và giả tưởng trở thành tù đọng: essay
là một
dạng văn chương năng động nhất hiện nay của chúng ta. Nào là essays kể
(narrative), như của Lê Thị Diễm Thuý, rất gần gụi với thể truyện ngắn.
Essays
khảm (mosaic) giống như thơ xuôi. Rồi phê bình văn chương mang dạng tự
thuật.
Thể văn báo chí mang giọng bi kịch, cộng thêm ẩn dụ, suy tưởng, với một
liều
lượng rất nặng tay, những thông tin. Một vài nhà essayists viết tranh
luận
(polemic) "cứ như thơ"!
Trong
bài Giới thiệu, Ian Frazier lại coi essay là một hành
động (Thì "đi" không phải là một hành động hay sao?, tôi như nghe
Nguyễn Tuân, Vũ khắc Khoan, tuyết ngưu "gầm gừ" từ phía bên kia đời
sống vang vọng qua). Ông định nghĩa thêm: Một bài essay là một người
đang nói.
Câu này thật đúng với tuỳ bút Nguyễn Tuân. Đây là sự khác biệt giữa hai
Nguyễn
Tuân, giữa tùy bút và ký. Có thể nói khinh bạc là tuỳ bút Nguyễn Tuân.
Với ký,
con người biến mất, chỉ còn "chúng ta", một khối vô danh đáng ghét,
đáng sợ.
Có
thể có người "bắt bẻ"; trong truyện ngắn, trong
tiểu thuyết, luôn luôn vẫn thấy, vẫn nghe người nói; nhưng người ở đây
chỉ là
giả tưởng, cái tôi trong tiểu thuyết, truyện ngắn là một tôi đeo mặt
nạ. Khác
hẳn cái tôi "bắt buộc", như chất khinh bạc, ở trong tuỳ bút Nguyễn
Tuân. Khi nào quá chán cái tôi khinh bạc, ông viết về những người đã
chết...
Linh Hồn của Biển
"Rồi
bỗng bạo dạn hơn, chị choàng qua, siết vòng tay
lại."
"Anh cũng đừng nghĩ quẩn quanh nữa. Em không giậïn anh
đâu. Em cũng... thương anh lắm!"
"... Xong rồi anh ạ... Vâng, lúc năm giờ sáng, trong
tay em..."
(Biển, truyện ngắn của Miêng).
Một
tác giả người Mỹ, trên tờ The New Yorker cho rằng, trong
thị trường sách, cũng như trong thị trường phim, có hai loại ăn khách
(hits):
sách ngủ (sleepers) và sách bom (blockbusters). Những tác giả như John
Grisham,
Tom Clancy hay Danielle Steel viết loại blockbusters. Sách của họ được
quảng
cáo rầm rộ, ngay từ khi chưa in; và khi in ra, chỉ trong vài ngày là
đứng đầu
bảng. Nhưng chỉ trong vài tuần lễ là từ từ nguội dần. Độc giả biết rất
rõ về
món hàng họ mua: tiểu thuyết Danielle Steel luôn luôn là tiểu thuyết
Danielle
Steel. Sleepers, những cuốn sách ngủ, số lượng bán ra không làm sao
biết được,
bởi vì nó cứ từ từ đến với bạn đọc, thường là qua một người bạn giới
thiệu (Bạn
đã đọc Biển của Miêng chưa?, đại khái vậy). Ở Mỹ, sleepers được bán ở
những tiệm
sách độc lập, những nơi mà khách hàng thường hỏi như vầy: (Mới đây, dạo
này),
có cuốn nào đọc được không?
Cá
nhân người viết lần đầu làm quen với Miêng, qua truyện
Biển, đăng trên Thế Kỷ 21. Đọc, chú ý, nhưng lại để đó, cho đến khi một
bạn văn
hỏi: đã đọc truyện đó chưa. Sau này anh bạn nghĩ, chính anh mới là
người làm
tôi chú ý đến một tác giả còn đang ngủ như Miêng.
Đây
là một kinh nghiệm hết sức cá nhân, và nó còn liên can
tới một cái tôi đáng ghét, nhưng cũng xin được viết ra.
Thời
gian ở Trại Cấm Thái Lan, người viết có tự dịch một
truyện ngắn, Bụi, và đưa cho một bà Mỹ làm thiện nguyện trong trại. Sau
khi
đọc, sửa cho đúng văn phạm, cú pháp, bà gửi cho một người quen, làm cố
vấn văn
chương cho một tạp chí ở Mỹ. Ông này trả lời: truyện ngắn không hẳn
truyện
ngắn, mà là một thứ "drama" (kịch). Ông phân tích giữa hai thể loại,
rồi yêu cầu: tôi cần ít nhất là 20 truyện ngắn như thế này, nếu muốn
lăng xê
tác giả. Một truyện ngắn mà đạt tới "drama" như trên, có khi chỉ nhờ
ăn may, nhờ sống ở Trại Cấm. Nó do Trại Cấm viết, chưa chắc của tác giả!
Khi
đọc Biển, có lẽ tôi đã có cùng một hoài nghi: mình cần
phải đọc chừng 20 truyện ngắn như vầy.
(Theo
tôi, còn rất nhiều người đã bỏ qua Biển: lại chuyện
vượt biển! Chỉ nội cái tên truyện, đã cho thấy, đây là một giấc ngủ
dài, sau
khi đã quá mệt mỏi.)
Vào
năm 1992, một người đàn bà có thời đã từng là một nữ
nghệ sĩ trình diễn tên là Rebecca Wells xuất bản một cuốn tiểu thuyết,
Little
Altars Everywhere, tại một nhà sách nhỏ, nay đã dẹp tiệm, tại Seattle.
Wells
thì vô danh, nhà sách thì không có tiền để quảng cáo. Tuy nhiên, bà có
một
người bạn, trải qua lễ Tạ Ơn với một người bạn, là người sản xuất
(producer),
của chương trình "All Things Considered" thuộc đài phát thanh
"National Public Radio". Ông này đọc cuốn sách, và chuyển qua cho
Linda Wertheimer, chủ nhân một chương trình TV. Linda khoái cuốn sách
quá, thế
là bà đưa Wells lên đài. Một thính giả ở Blytheville, Arkansas nghe
cuộc phỏng
vấn kể trên. Ông này lại có bà vợ tên là Mary Gay Shipley, chủ một tiệm
sách
trong thành phố. Ông chồng mua sách tặng vợ. Mary Gay quá mê nó. Thế là
Wells
tỉnh ngủ, cứ lên dần, và trở thành một tác giả có sách bán chạy nhất.
Nhà
văn người Nhật Kawabata, Nobel văn chương 1968, trong
bài mở đầu tập truyện "Những truyện ngắn ở trong lòng bàn tay", viết:
Những người viết, khi trẻ thường làm thơ. Tôi, thay vì làm thơ, viết
những truyện
trong lòng bàn tay.... Tinh thần thi ca những ngày trẻ thơ của tôi sống
mãi ở
trong chúng".
Biển,
của Miêng cũng thuộc loại truyện lòng tay. Đọc, tôi
nghĩ, ngoài tinh thần thi ca ra, còn có những giọt nước cam lồ nhỏ
xuống cho cả
một thế hệ: một người đàn bà khóc thương một người đàn ông mất trí nằm
trong
bệnh viện và trong những giờ phút cuối cùng, người đàn ông lầm vị nữ bồ
tát với
người vợ đã chết, cùng với con cái, trong lần vượt biển.
Lầm
lẫn, có lẽ không phải như vậy. Hoặc đây là giá trị biểu
kiến của truyện. Trong cuốn Chữ và Vật, Michel Foucault cho rằng người
điên,
hay Kẻ Khác (l'Autre), là một người nhìn tất cả sự vật đều giống nhau,
khác với
người bình thường, hay Kẻ Vẫn Thế (le Même). Cũng trong cuốn sách, ông
cho rằng
tự tử là phán đoán sáng suốt cuối cùng của một con
người bình thường.
Nếu
chúng ta chấp nhận hành động vượt biển như là phán đoán
sáng suốt sau cùng, như vậy người đàn ông sống sót trong khi vợ con
chết hết,
đã thực sự tin rằng người đàn bà đang nhỏ lệ là vợ của ông. Cũng tương
tự như
vậy - và đây là ý nghĩa đích thực của truyện ngắn theo tôi - "sự
thực" xuất hiện, khi người đàn bà gọi điện thoại cho chồng: "... Xong
rồi anh ạ... trong tay em".
Camus
có một truyện ngắn "Người đàn bà ngoại
tình", đêm đêm, sau khi làm xong hết bổn phận của người vợ, trong cuộc
lữ
của cả hai vợ chồng, đã len lén thoát ra ngoài, để ngắm trời ngắm
sao... Đây là
một đề tài lớn của dòng văn chương hiện sinh, theo tôi, thoát thai từ
truyện
ngắn "Before the Law", của Kafka.
Đây
là câu chuyện một người nhà quê ra tỉnh, tới trước
"Pháp Luật", tính vô coi cho biết, nhưng bị người lính gác cản lại.
"Anh vô được mà, nhưng đợi chút xíu nữa đi". Chờ hoài chở hủy, chút
xíu nữa đi hoá ra là cả một cuộc đời. Trước khi chết, anh nhà quê phều
phào
hỏi, tại sao chỉ có một mình anh tính vô chơi, coi cho biết; người lính
gác
nói: cửa này chỉ mở ra cho anh, tôi đứng đây, cũng chỉ vì anh; nhưng
bây giờ
anh đâu cần tới nữa, và tôi cũng xong bổn phận ở đây. Nói xong anh bỏ
đi.
Trong
truyện ngắn Evelyne của James Joyce, trong tập
"Những người dân thành phố Dublin", người lính của Kafka xuất hiện
qua anh chàng thuỷ thủ tầu viễn dương. Một người yêu thương, và có đủ
điều kiện
để đưa cô gái Evelyne tới một cuộc sống khác tốt đẹp hơn; nhưng tới giờ
phút
chót, cô gái quyết định "ở lại".
Truyện
ngắn Biển, của Miêng, bằng những tình cảm độ lượng
thoát thai từ tinh thần Phật giáo, theo tôi, đã đưa ra một đề nghị chót
cho vấn
nạn người đàn bà ngoại tình. Bằng hành động "trong tay em", người đàn
bà đã vượt quá "Luật Pháp", ôm cả hai cuộc đời, bên trong và bên
ngoài cánh cửa (lưu đầy và quê nhà?), nhập làm một.
Trong
bài Tựa cho tập truyện đầu tay, mới xuất bản của
Miêng, Nguyễn Nam Trân viết: "Tôi có cảm tưởng nhân vật của Miêng phần
lớn
mang một vết thương chưa lành, hay chưa biết bao giờ lên sẹo"... "
(Tác phẩm) ghi lại bao nỗi thăng trầm của những đời người trong đó có
bạn, có
tôi. Chúng mình vẫn là những kẻ sống sót của một thời máu lửa, và vẫn
còn là
nhân chứng của một thời hỗn mang, đến nay mỗi ngày vẫn còn như đi trên
dây xiếc
để giữ một thế quân bình cho tầm hồn".
Theo
tôi, kinh nghiệm của Miêng - như trong Biển, hoặc Nhân
Chứng - không có bạn có tôi ở trong đó. Tôi muốn nói nam giới. Nhân vật
của
Miêng lại càng không phải những kẻ sống sót sau một cuộc chiến. Kinh
nghiệm của
bà là về người đàn bà ngoại tình, về chuyện Vượt Cạn, về chuyện ôm lấy
người
đàn ông mất trí, thay vì người tình (người đàn ông Việt Nam lưu vong,
một vị
bác sĩ thành đạt nơi xứ người), như trong Nhân Chứng:
"Mẹ
tính đến để nói là muốn giữ lại với tonton tình bạn
êm đẹp. Và cũng để báo cho tonton biết là mẹ có bầu với tonton."
Nhân
vật chính trong truyện sau đó đã tự tử, khi khám phá ra
nhân cách của người tình. Nhân Chứng cũng làm chúng ta liên tưởng tới
người đàn
bà độc nhất tỏ mắt, không tên, trong thế giới "Mù Lòa" của Jose
Saramago, nhà văn Bồ Đào Nha, Nobel văn chương 1998. Rằng mù lòa ở đây
là một
bệnh lý học về lương tâm, hơn là một khuyết tật của mắt, hoặc của kính
đeo mắt.
Không phải chúng ta trở nên mù, mà là chúng ta mù, những người mù có
thể nhìn
nhưng không nhìn (I don't think we did go blind, I think we are blind,
I think
we are blind, blind but seeing, blind people who can see but do not
see). Tương
tự, "gì gì có vần "ương" theo sau mà chả là em" (Biển) gợi
nhớ những nhân vật không tên của Jose Saramago. Đây là viễn ảnh u tối
của tác
giả về nỗi cô đơn của con người hiện đại.
Ở
cuối Mù Lòa, một vài người lại nhìn được, và một người
trong số họ đưa ra nhận xét: kinh nghiệm dậy chúng ta một điều rằng,
chẳng hề
có người mù, chỉ có sự mù lòa.
Sự
thực, nói Miêng không phải là một kẻ sống sót sau cuộc
chiến, là chỉ muốn tách biệt hẳn bà ra khỏi cái dòng văn chương hải
ngoại vốn
vẫn cay đắng vì một Miền Nam thất trận, (có cả người viết, lẽ dĩ
nhiên!). Trong
một bài phỏng vấn đăng trên tạp chí The Paris Review, khi được hỏi
những ảnh
hưởng mạnh mẽ nhất vào công việc, tầm nhìn (vision), chuyện viết lách
của ông,
G. Steiner đã trả lời: "Đó là cái lò Frankfurt (school). Walter
Benjamin,
nếu còn sống, chắc chắn là người viết cuốn "Sau Hỗn Mang" (After
Babel, tác phẩm của G. Steiner) thực sự vĩ đại. Tôi luôn luôn bị ám ảnh
rằng
cuốn sách đúng ra phải là của ông, và nó sẽ tuyệt vời biết bao."
Đọc
Biển, tôi cũng bị ám ảnh bởi một cuốn Sau Hỗn Mang như
thế. Như thể bao nhiêu giọt nước mắt của người đàn bà ngoại tình nhỏ
xuống, là
để khóc than cho một tác phẩm vĩ đại:
Giả
sử, những người đã chết vẫn còn sống, cuộc phiêu lưu
trên biển cả chỉ là những chuyến ngao du, chẳng hề có hải tặc, hãm
hiếp, nhục
nhã, cay đắng...
Rằng
sau đó, tất cả mọi người Việt Nam lưu vong lại được trở
về nhà, trong vinh quang, trong hạnh phúc...
Người Mẹ trong tác phẩm Jamaica
Kincaid
Nhân
lễ Vu Lan năm nay (1999), xin giới thiệu ở đây, bài
phỏng vấn một nhà văn nữ nước ngoài: Jamaica Kincaid. Đề tài "ruột"
của bà, người mẹ: như nhân vật của một miền đất cựu thuộc địa, Antigua.
Hy
vọng qua hình tượng người mẹ của bà, chúng ta có được một
lời giải thích cho câu hỏi của nhân viên Cao Uỷ kể trên.
Bài
phỏng vấn do Eleanor Wachtel thực hiện (in trong More
Writers & Company, nhà xb Vintage Canada, 1997).
Tôi
làm quen lần đầu với Jamaica Kincaid trên tờ The New
Yorker: những câu chuyện mãnh liệt, cảm động về người con gái trẻ và bà
mẹ tại
Antigua, vùng Caribean Island. Một liên hệ thật căng
thẳng; chuyện tiếp chuyện, qua đó, Kincaid chỉ
ra sức mạnh, sự mong
manh của tình mẹ con, và cùng với nó là nỗi rối rắm sâu thẳm của riêng
bà.
Đề
tài mẹ và con gái chúng ta thường gặp, nhưng ở trong
những câu chuyện của Kincaid, nỗi ám ảnh, chất trữ tình, và cơn đau
buốt làm
cho chúng vỡ vụn ra. Như một cô gái trong một câu chuyện, nói về bà mẹ
ngoảnh
mặt đi (lấy đi lòng yêu thương trìu mến, withdrawal of affection):
"Trọn
mười năm của đoạn đời 19 tuổi, tôi đã khóc than đoạn cuối câu chuyện
tình, có
lẽ là mối tình thực sự trọn đời tôi hiểu được".
Những
câu chuyện lúc trưởng thành được nối kết thành một
tiểu thuyết nhan đề Annie John (1985), là một trong ba cuốn lọt vào
danh sách
chót của giải thưởng văn học quốc tế Ritz Hemingway Award. Cuốn tiếp,
Lucy
(1990) theo hóa thân của mình (her alter ego) lên New York, ở đây cô
giúp việc
cho một gia đình phóng khoáng. Kincaid cũng đã rời Antigua khi 17 tuổi
(vào năm
1966). Cô lớn lên trong một căn nhà không điện nước; cũng vậy, cô khởi
đầu bằng
cách đổi công sức ra làm để được nuôi ăn ở (au pair), tại New York. Như
Kincaid
mới đây tâm sự: Mọi điều tôi viết đều là tự truyện, một trăm phần trăm
(down to
the punctuation).
Bà
chọn bút hiệu Jamaica Kincaid khi bắt đầu tuổi đôi mươi.
Tên khai sinh là Elaine Potter Richardson, nhưng cô gái đã đổi đi, khi
bắt đầu
viết, bởi vì cô nghĩ rằng một cái tên mới sẽ giải phóng cho cô, để nói
những
điều sắc bén về những người chung quanh. Kincaid vẫn viết những điều
sắc bén,
nhưng bà không thèm để ý đến chuyẹn người khác nhận ra chính họ, qua
đó. Cuốn
mới nhất của bà, Tự thuật của Mẹ tôi (1996), được kể bởi cô gái 17,
Xuela
Claudette Richardson, tuy vẫn là những đề tài quen thuộc nhưng được đẩy
xa hơn,
qua chân dung một bà mẹ không khoan nhượng, thà chấm dứt đời mình, thay
vì một
cuộc đời nhiều ước lệ với đầy đủ tiện nghi.
Jamaica
Kincaid kết hôn với Allen Shawn, một nhà soạn nhạc,
và là con trai của người chủ bút đã quá cố của tờ The New Yorker,
William
Shawn. Bà kể, khi bắt đầu làm việc tại tờ báo này, bạn bè gặp gỡ trong
những
parties hỏi, làm sao có cái job đó; bà nói đùa: "Oh, cha tôi là chủ bút
tờ
báo". Hai vợ chồng và con cái sống tại Bennington, Vermont. Bà có viết
về
căn nhà, khu vườn, nghệ thuật làm vườn, vườn giao lưu văn hoá
(cross-cultural
gardens), vuờn lịch sử, trên tờ The New Yorker, sau được in thành sách
vào năm
1997.
Cuộc
phỏng vấn được thực hiện hai lần, đều qua điện thoại.
Lần đầu, Tháng Sáu, 1993, lần sau Tháng Hai, 1996. Qua cách bà trả lời,
đây
không chỉ là một người ăn nói thẳng thừng, mà còn như một người nào đó,
nói về
bất cứ một điều gì.
Wachtel:
Bà sống ở Mỹ nhiều hơn là sống ở Antigua, nhưng
kinh nghiệm viết đều từ đó mà ra, những kinh nghiệm đầu đời. Liệu có
thể nói:
bà có một cuộc sống Mỹ, và trí tưởng tượng Antigua?
Kincaid:
Bà có thể nói như vậy. Có vẻ như tôi có nhiều giá
trị để coi như là Mỹ; và thí dụ, ngay cả chuyện, tôi không ủng hộ Cuộc
Chiến
Vùng Vịnh - mà tôi không ủng hộ thực - tôi vẫn khoái hưởng những thành
quả của
cuộc chiến đó, như một người nào đã vì cuộc chiến. Bởi vậy, cứ giả dụ
như tôi
có một cuộc đời Mỹ, xấu cũng vậy, mà tốt cũng xong, và rồi tôi vẫn viết
về một
miền đất tôi từ đó tới. Nhưng tôi muốn nói, đây là một cuộc sống lưu
vong, ở
một nơi nào đó, và Mỹ là một nơi chốn tuyệt vời bạn "dừng bước giang
hồ", làm một kẻ ăn đậu ở nhờ. Bạn có thể sống trọn cuộc đời còn lại của
bạn ở đó, và vẫn là con người mà bạn đã là (remain the person you
were). Mỹ cho
phép bạn điều này. Thực sự không "chỉ có một căn cước Mỹ" tất cả mọi
người Mỹ cùng đồng ý. Ngoại lệ, là Bill of Rights. Nhưng đây không phải
là căn
cước. Nó là cái khung của tâm hồn, bất cứ ai cũng có, ở đâu cũng vậy
thôi.
Wachtel:
Điều bà nói khác với Mỹ như người ta thường nói:
một chốn hỗn cư, nơi trộn trạo đủ thứ người (a melting pot).
Kincaid:
Một huyền thoại, luôn luôn là vậy. Vả chăng khi nói
lò trộn, là để thành một Người Âu Châu. Một Người Mỹ gốc Anh. Nhưng
càng ngày
càng có nhiều người thách thức huyền thoại đó. Rằng nó hết còn quyến
rũ, và
thực sự nó không phải như vậy. Ngay cả chuyện tôi sống ở Mỹ, tôi có thể
đi bầu,
và làm đủ thứ chuyện người Mỹ có thể làm, tôi vẫn không cảm thấy mình
là Mỹ,
theo một cách nào đó. Tôi cảm thấy trên người tôi lằng nhằng đủ thứ đồ
Mỹ, như
củi rều hay một thứ gì ở biển.
Wachtel:
Như vậy bà là một lưu vong với những con ốc Mỹ bám
trên người.
Kincaid:
Đúng như vậy, với những con ốc Mỹ.
Wachtel:
Bà viết về làm vườn trên tờ The New Yorker - sau in
thành sách - Trong một bài, bà phân tích cách thức theo đó, hoa và cây
ở
Antigua phản ảnh lịch sử thuộc địa của vùng đất này, nhưng cùng lúc bà
thú nhận
thích thưởng thức hầu hết mọi mùa ở New England và trồng cây trong vườn
nhà ở
Vermont. Bà có cảm thấy một sự cân bằng giữa hai nơi chốn, giữa nhà quá
khứ và
nhà hiện tại?
Kincaid:
Cân bằng (balance) hàm chứa một cách hài lòng, thỏa
mãn. Không, tôi chẳng thấy cân bằng. Tôi sống cuộc sống trái ngược, mâu
thuẫn.
Tôi là một con người tới từ dưới đáy thế giới. Và bây giờ tôi thấy mình
đang ở
trên đỉnh thế giới, tôi lấy chỗ của tôi một cách thoải mái, không hối
tiếc ân
hận, và tôi hy vọng tôi (cũng) có một lương tâm, nhưng nó không đủ để
ngăn cấm
tôi xâm phạm quá phần chia ở trên đời. Tôi có quá nhiều thứ. Tôi lấn
lướt quá!
Tôi sống trong một căn nhà lớn, tôi có đất, có vườn, tôi trồng mọi thứ
theo
đúng phương pháp hữu cơ, và tôi tin chắc một trái cà tô mát của tôi giá
mười
đô, theo cách trồng như vậy. Tôi đang bàn tính với tôi, có nên trồng
những thức
ăn "diet" cho một số người da đỏ nghèo đói ở Peru. Nhưng tôi cứ thế
mà tiến, và làm đủ thứ ghê tởm. Tôi thích đời tôi; tôi chỉ mong có thêm
nhiều
hơn nữa.
Cân
bằng? Không, tôi hy vọng chẳng bao giờ có cân bằng. Tôi
nghi rằng nếu tôi quá nhiều cái gọi là cân bằng, điều tiếp theo đó, là
tôi sẽ
bỏ phiếu cho một người của đảng Cộng Hòa, hay một thứ tội phạm hình sự
giống
như thế! Không, tôi hoàn toàn mất cân bằng.
Wachtel:
Antigua xưa là thuộc địa nô lệ, và nó ở trong tay
người Anh cho tới năm 1981. Bà đã viết, rằng tính tình người Antigua đã
bị ảnh
hưởng, và được thừa hưởng từ người Anh, do chiến thắng của họ. Bà có
thể diễn
tả di sản tính tình đó.
Kincaid:
Tôi nghĩ tôi thuộc thế hệ cuối cùng bị ảnh hưởng.
Trong thế hệ của tôi, chúng tôi quá Anh, theo một cách nào đó, chắc
chắn là qua
văn chương, và chúng tôi nhìn thế giới không phải theo kiểu người Âu
Châu, mà
theo cách của người Anh. Di sản chiến thắng, chinh phục hầu hết là hình
dạng
của sự độc ác: không phải tình yêu, tình thân ái, lòng từ thiện, nhưng
sự độc
ác. Một phần của di sản đó, nằm trong cách con người ở đây bỏ rơi con
cái của
họ và tếch đi thẳng.
Wachtel:
Bỏ rơi con cái và tếch đi thẳng, như vậy nghĩa là
gì?
Kincaid:
Con người ở đây bỏ rơi con cái, đi làm việc ở
Canada hoặc ở Anh. Đây là đề tài khá ăn khách trong nhiều sáng tác -
không phải
của tôi, bởi vì tôi có một bà mẹ tuy không bình thường nhưng tôi biết
bà chẳng
bao giờ bỏ rơi tôi. Nhưng bỏ rơi con cái nở rộ trong văn chương và
trong đời
sống West Indian. Trong cuộc sống ở Antigua, họ cứ thế bỏ nhau, ngay cả
những
người mà bạn nghĩ họ yêu thương nhau, cũng anh đi đường anh, tôi đường
tôi. Di
sản là sự độc ác giữa những con người bình thường. Tôi có thể nói đây
là đúng
kiểu, cho tất cả mọi cuộc sống thuộc địa, hay hiện hữu thuộc địa.
(Người dịch
nhấn mạnh). Đó là di sản về cái điều: không thèm để ý đến bạn là ai,
bạn có thể
là ai, bởi thế, tất cả những điều mà bạn thường nghĩ tới như là văn hóa
- một
sự quan tâm giữa người này với người khác, hay bạn sống như thế nào...
- văn
hóa như thế thực sự chưa có. Nói ngắn gọn, độc ác là di sản của kinh
nghiệm
này.
Wachtel:
Tôi ngạc nhiên khi nghe như vậy, bởi vì thường ra,
khi viết về xã hội của riêng họ - độc lập so với chế độ thuộc địa -
người ta
thường tiểu thuyết hóa những con người của nó hơn là chỉ ra một điều gì
khó
chịu, không thoải mái, như sự độc ác chẳng hạn.
Kincaid:
Có như vậy, nhưng không thực, ít ra là theo kinh
nghiệm của riêng tôi. Bạn cứ tới những nơi chốn, nơi cái xiềng thuộc
địa thật
sự bằng thép, và tỏ ra hết sức hữu hiệu: Phi Châu, vùng Caribbean, hay
một nơi
nào khác trên địa cầu. Phi Châu là một thảm họa. Tôi không hiểu đất đai
con
người ở đây rồi có ngày lành mạnh trở lại, hay là không. Thật khó có
chuyện,
những ông chủ thuộc địa bỏ qua, không đụng tới cái phần tâm linh của
con người
Phi Châu. Bởi vậy, chuyện tiểu thuyết hóa là đồ dởm. Những người Phi
Châu đối
xử với nhau thật là độc ác; bạn chỉ việc nhìn tất cả những con người
đói khát
đó thì thấy. Làm sao có chuyện những ngài thủ lãnh Phi Châu nhìn vào
mặt con
dân của họ, và rớt nước mắt? Họ cứ tiếp tục duy trì, theo một con đường
tệ mạt
khốn kiếp, cái điều đã xẩy ra khi còn chế độ thuộc địa. Sự thực, là bất
cứ đâu
đâu, cái gọi là di sản của chủ nghĩa thuộc địa, đó là: độc ác, tàn
nhẫn, trộm
cướp. Cách những tên thực dân đối xử: mild way, nhẹ nhàng thôi, đôi lúc
có xoa
đầu những người dân cô lô nhần, bây giờ chúng ta đối xử với nhau, theo
một cách
cay độc hơn, khốn kiếp hơn. Và bạn biết không, chúng ta cứ mắm môi mắm
lợi, lấy
hết sức lực ra, full force, để mà "chơi" nhau. Bởi vậy, có thể dưới
luật thuộc địa, người Phi Châu ăn rất ít; dưới luật của người Phi Châu,
họ
chẳng ăn gì hết - và cứ như thế. Tại vùng West Indies, tình hình không
đến nỗi
quá tệ, con người ở đây cũng không bị cai trị một cách độc ác như ở Phi
Châu,
nhưng thật sự ra là chẳng còn chi để mà khai thác, bóc lột. Vậy mà sau
khi hết
chế độ thuộc địa, con người ở đây vẫn bị đối xử tàn tệ hơn trước. Có
những điều
con người ở đây được bảo đảm, thí dụ như
chế độ health care, học vấn, những gì mà bạn gọi là hạ tầng cơ sở...
chúng có
thực, tuy không bằng ở Anh. Dưới chế độ tự cai trị, chẳng còn gì hết.
Nhà
thương, nếu có, thì thật tệ, rất tệ. Tôi chưa hề thấy cảnh suy dinh
dưỡng,
thiếu ăn khi còn bé. Bây giờ có, ở Antigua. Bởi vậy chẳng có lý do gì
để mà
tiểu thuyết hóa (quê hương), ngoại trừ một điều: bạn cứ muốn nó tiếp
tục khốn
kiếp như vậy.
Wachtel:
Bà có thể nhớ lại, một sự kiện, một thời điểm đặc
biệt nào đó, lần thứ nhất trong đời, bà nhận ra, rồi chối từ di sản
thuộc địa.
Kincaid:
Tôi nhớ, và không hiểu tại sao, rằng "Rule
Britania" thật kỳ kỳ khi hát, vì những từ như vầy: "Britons never
shall be slaves" (Người Anh sẽ chẳng bao giờ là nô lệ). Tôi nhớ lại,
tôi
thấy nó kỳ kỳ, và đây là khởi đầu của một điều gì đó. Rồi còn cái
chuyện nàng
công chúa Princess Magaret viếng thăm vùng West Indies làm cỏ cây con
người ở
đây gần như phát rồ. Tất cả là do Hoàng gia không muốn nàng công chúa
quấn quít
bên một người đàn ông đã có vợ. Tôi nhớ cái cảnh mẹ tôi cứ cuống lên,
và khi
nàng công chúa tới, tôi bị bắt buộc phải trở thành một Brownie, hay một
thứ gì
đó. Tôi nghĩ đây đúng là lúc tôi bắt đầu nhận ra, có một cái gì sai.
Ngay từ
lúc tôi cảm thấy mình như là một con người, một cá nhân, là tôi có
những tình
cảm bài-thuộc địa, và rất bài-Anh (anti-Bristish feelings). Nhưng còn
một điều
"kỳ kỳ" nữa: ngôn ngữ độc nhất mà tôi có thể diễn tả điều đó, là
tiếng Anh, tức ngôn ngữ của những kẻ hành hạ tôi. Có một điều chi thật
tuyệt
vời, ở đây.
Wachtel:
Như những nhân vật của bà, Annie John và Lucy, bà
đã rời Antigua khi mười mấy tuổi, để kiếm đường vào đời; khi đó bà 17
tuổi. Bà
có cảm thấy đây là một cuộc trốn chạy?
Kincaid:
Không, bởi vì tôi không thể cáng đáng (handle) được
chuyện đó. Để nhận ra, đây là một cuộc trốn chạy, như vậy có nghĩa là,
tôi đã
biết được, chỗ mình muốn tới. Tôi muốn nói thêm ở đây, như vậy có
nghĩa, tôi đã
hiểu một điều gì đó về mình, mà tôi không thể chịu nổi một sự hiểu biết
như
thế. Bây giờ nhìn lại, nó là một cuộc trốn chạy, đúng như vậy. Như thể
tôi biết
rằng, thà chết còn hơn, nếu trở lại. Thế giới đầy rủi ro, bạn biết đấy.
Tôi tới
xứ sở này chẳng hề biết một ai, sống ở những nơi chốn cũng chẳng biết
một người
nào. Tôi quyết định trở thành một nhà văn, mà chẳng có gì lận lưng (no
credentials). Tôi cứ nhắm mắt mhắm mũi nắm lấy tất cả những cơ may vận
rủi như
thế, và chẳng cần biết rồi sẽ ra sao. Cái mà tôi không có, đó là tự ý
thức về
mình. Tôi không muốn biết cái điều tôi đang làm. Chính vì thế mà tôi
không muốn
biết, rằng tôi đang trốn chạy, bởi vì tôi không thể chịu nổi, tôi chỉ
có thể
hành động theo bản năng. Cứ thế húc đầu lao tới, nếu ngừng lại để suy
nghĩ, là
rơi xuống vực thẳm.
Wachtel:
Theo bà, tại sao lại như vậy?
Kincaid:
Đây là việc lớn. Quá lớn đối với một cô gái 17
tuổi, tôi nghĩ vậy. Tôi lớn lên với yêu thương, và mọi người đặt nhiều
tin
tưởng ở nơi tôi. Ai cũng giúp đỡ tôi, và tôi thấy nếu tôi rút ra, cuối
cùng là
tang tóc, hủy diệt. Tôi không thể mở miệng với bất cứ người nào, theo
cách như
tôi đang nói với bà bây giờ. Lại càng không thể nói với tôi. Ngay bây
giờ, khi
nhìn lại, đôi lúc tôi muốn xỉu, như thể ai đó đưa cho tôi coi tấm hình
một
người đang vượt qua thác Niagara Falls trên một sợi dây mỏng manh. Tôi
không
hiểu làm sao tôi hành động như vậy. Tôi không dám hiểu. Tôi không thể
đối mặt
với nó, để mà hiểu.
Wachtel:
Trong cuốn tiểu thuyết Lucy của bà, người kể chuyện
là một người đàn bà trẻ người Antigua, làm vú em cho một gia đình giầu
có người
Mỹ. Ở đây, có một ý nghĩa: người đàn bà đang lột da. Bà ta rời bỏ gia
đình, quê
hương, và nhận thấy mình đang bị tha hóa bởi những giá trị Mỹ trắng. Bà
có cảm
thấy ở giữa những căn cước, như Lucy?
Kincaid:
Một kinh nghiệm như thế thật nhức nhối, và tôi phải
nói, tôi không phân biệt giữa Mỹ trắng và Mỹ đen. Tôi có thể phân biệt
giữa đặc
quyền và quyền lực, giữa không đặc quyền và không quyền lực (no
privilege and
no power). Những từ Mỹ trắng Mỹ đen không phải là những từ đúng để diễn
tả
chuyện gì đang xẩy ra. Mầu da sau cùng không quan trọng. Theo tôi,
không có
những điều như là giá trị trắng, hay giá trị đen: người ta làm điều họ
có thể
làm, khi có thể. Trong Lucy, không một lần, những từ "trắng" hay
"đen" được sử dụng để xác định mầu da. Đối với một người như Lucy,
với một nền tảng như thế, sẽ là sai lầm nếu ý thức về mầu da, nhưng lại
không
sai lầm khi ý thức về quyền lực bất đồng đều
Wachtel:
Đúng thế. Có một xen trong truyện, khi Lucy đi du
lịch với người chủ trên xe lửa, và cô nhận xét: tất cả những người trên
toa xe
ăn đều giống như người chủ và bà con của người đó; tất cả những người
phục vụ
họ đều giống như cô, và bà con của cô.
Kincaid:
Tôi nghĩ, người ta nói giá trị trắng (white values)
theo nghĩa vật chất (material things). Tôi chẳng thấy có gì sai trái
nếu có một
cái tủ lạnh thật ngon - tôi hiện đang có một cái. Và tôi không ủng hộ
những
phương tiện có nó bằng cách đàn áp người khác trên thế giới, nhưng một
khi
chúng ta thành công trong việc làm đó, tôi chỉ còn việc bật nó lên,
khoan khoái
hưởng cái phần chia của mình.
Tôi
thực sự không quan tâm về mầu da. Khi bạn bắt đầu nghĩ
về nó, lập tức cái đầu của bạn bị loãng ra và không còn biết đâu là
giải pháp
thực (real issue) của vấn đề. Bởi vì khi bạn nói về mầu da (race), thực
chất
bạn đang nói về chuyện: có một nhóm người có quyền lực đang "bảo vệ"
ý tưởng mầu da, và có một nhóm người có không quyền lực phải "chấp
nhận" ý tưởng đó. Nhưng thường ra, khi bạn thức giấc, bước ra khỏi
giường
ngủ, việc đầu tiên tới với bạn chắc chắn không phải là mầu da của tôi.
Việc đầu
tiên bạn nghĩ tới, chắc là một cảm giác chán ngán về cái nóng cái lạnh
của thế
giới chung quanh. Chán quá! Chịu không
nổi! Đó là cảm giác đầu tiên, khi bước ra khỏi giường, ở bất cứ hoàn
cảnh nào.
Thành thử, ngoại trừ cái đầu của bạn bị trục trặc, điều đầu tiên bạn
nghĩ đến
đâu phải là vấn đề mầu da. Bạn nghĩ đến cái thân phận con người, làm
sao nó
khốn khổ, cực nhọc như vậy...
Wachtel:
Nhưng có thể, điều thứ nhì, thứ ba mà bà bắt buộc
phải nghĩ tới, là mầu da của bà.
Kincaid:
Well, "giờ phút của sự thực":"bắt
buộc" phải nghĩ tới. Trong cõi "chuyện thường ngày ở huyện", cõi
đời thường, bạn không nghĩ về nó. Trong cõi mà tôi lớn lên, nó là đời
thường:
mọi người đều đen. Với tôi, "đen" là đời thường. Bây giờ, tôi sống ở
một nơi chốn gần như hầu hết mọi người không đen, nhưng, kể từ khi họ
không
nhắc nhở gì đến chuyện đen của tôi, tôi không nói gì đến chuyện họ
không đen,
(và thế là)ø tôi quên: rằng chúng tôi khác nhau. Có thể, khi nhìn thấy
tôi, họ
nghĩ ở trong đầu: "Boy, con bé đen", nhưng họ không nói ra, thế là
tôi quên béng chuyện đó.
Tôi
luôn luôn sững sờ về điều: chuyện gì sẽ xẩy ra cho những
người Phi Châu, nếu họ không chấp nhận những niềm tin (beliefs) của
những kẻ đã
chiến thắng họ. Ngay cả một điều giản dị, thí dụ như, ai làm (ra) bạn?
(who
made you): nó là một khí giới. Khi người ta nói, người đó quá chính
trị, có
nghĩa là người đó quá để ý đến chuyện
mỗi ngày.
Trở
lại với vấn đề: chuyện gì sẽ xẩy ra với những người Phi
Châu ở đây nếu họ không tin vào Ky-tô giáo, nếu họ cứ giữ mãi cảm quan
về thực
tại của họ, và đòi quyền hiện hữu của nó.
Wachtel:
Nhưng đâu phải chuyện nào cũng giống như chuyện
nào; điều có thể xẩy ra, sẽ xẩy ra.
Kincaid:
Tôi thực sự không hiểu, nhưng tôi nghĩ hoài đến
chuyện đó. Lẽ dĩ nhiên, còn có những người Do-thái vẫn tiếp tục tin vào
những
điều họ đã tin tưởng. Như vậy rồi sẽ ra sao? Tôi không biết. Tất cả
chúng ta
đều đi tới một câu đố: làm sao sống, sống thế nào (how to live). Thật
là một
điều lớn lao khi nhìn thấy những con người bạn làm nhục, đánh bại, huỷ
diệt, họ
trở nên có cùng một niềm tin như bạn, về tha thứ và cứu chuộc. Thật là
tuyệt
vời!
Wachtel:
Nhân vật Lucy đã tỏ ra thật lạnh lùng, tàn nhẫn, khi
cố tạo một căn cước cho riêng mình. Cô không để cho quá khứ đánh gục,
không cần
đến gia đình bạn bè, hay người yêu: nói theo nghĩa đen, cô ta đã không
trả lời
thư từ của chính người mẹ của cô. Liệu như vậy là cần thiết, để có được
tự do,
cho chính mình (to free oneself)?
Kincaid:
Tôi nghĩ đúng như vậy. Ngoại trừ bạn muốn là một vị
thánh. Tôi không nghĩ người ta cứ phải tiếp tục sống trọn đời, chỉ một
cách
sống. Và cách sống như trên có thể hiểu được, và tha thứ được, khi bạn
còn trẻ.
Nếu bạn cứ tiếp tục sống như thế, rồi sẽ một ngày nó phản lại bạn,
nhưng nó
thật hữu ích, lúc bắt đầu đời mình; ít ra đây là kinh nghiệm riêng của
tôi.
Wachtel:
Đó là điều bà cảm thấy phải làm?
Kincaid:
Vâng. Tôi cảm thấy phải lạnh lùng tàn nhẫn để chiếm
riêng cho mình một không gian. Nhưng điều này không còn thực nữa. Thật
thê thảm
nếu cứ sống mãi như thế.
Wachtel:
Ngay cả bây giờ, khi nghe bà nói, tôi vẫn còn cảm
thấy hơi bị "sốc", rằng có một cái gì thái quá ở đây.
Kincaid:
Well, nó làm sốc, nhưng thực. Tôi cố gắng trung
thực với hồi ức, và với chính tôi, như là tôi có thể.
Wachtel:
Bà sinh ra với tên Elaine Potter Richardson, hai
chục năm trước đây, bà chọn tên Jamaica Kincaid, tại sao bà đã chọn tên
đó?
Kincaid:
Tôi muốn viết văn, và tôi sẽ nói những điều tàn bạo
về chính tôi, và gia đình tôi, và tôi không muốn họ biết (tôi là người
viết).
Nhưng lẽ dĩ nhiên là họ nhận ra ngay chính họ, không cần tôi phải nói
ra. Họ
nói: Phải chăng Elaine? Thế là tôi đổi luôn tên theo đúng pháp luật.
Thật kỳ kỳ
khi nghe chính mình nói với mình, như là Elaine. Tôi luôn luôn cảm thấy
rùng
mình mỗi lần gặp một người có tên đó. Tôi không thể tưởng tượng, đó là
một con
người dễ chịu (a nice person).
Wachtel:
Làm sao bà kiếm ra tên Jamaica Kincaid?
Kincaid:
Qua thí nghiệm, như chuyện xẩy ra ở trong văn
chương. Tôi đang cùng một số bạn bè quây quần, trò chuyện, gọi nhau
bằng đủ thứ
tên khác nhau. Tôi nghĩ đến cái tên đó, và nói: Đây là tên tớ. Còn
những cách
giải thích khác nữa, liên can tới những hòn đảo, nhưng cái tên đã bám
lấy tôi.
Bạn biết đấy, nó còn có nghĩa là Mỹ. Thế là từ đó bạn bè gọi tôi như
vậy. Chẳng
ai nhắc nhở với tôi về nó, họ cứ thế chấp nhận. Nó là Mỹ: bạn chỉ tự
bịa đặt
ra, chính bạn.
Wachtel:
Giọng nói trong tác phẩm của bà, trong Annie John,
trong Lucy, và trong những tác phẩm không phải giả tưởng (non-fiction),
nó thật
là rõ rệt, thật là phân biệt (distintive). Mạnh, mang chất thơ, và độ
chân
thành (honesty) gần như không hề qua kiểm duyệt. Tôi nghĩ Susan Sontag
đã có
nói về tính thực xúc cảm (emotional truthfulness) trong giọng nói của
bà. Làm
sao nó bật ra, ở trong bà?
Kincaid:
Tôi mong tôi hiểu (nó là như vậy). Nó thực đối với
tôi, như tôi đang chân thành, lúc này. Tôi nghĩ trong đời, tôi đã học
được một
điều gì đó, về sự tủi hổ, nhục nhã. Tôi nghĩ nếu bạn cảm thấy nhục nhã
về một
điều gì, bạn phải nói ra, nếu không, người khác sẽ dựa vào đó, để hiếp
đáp bạn.
Ở đây, lại thấy ám ảnh về vấn đề có quyền lực hay không có quyền lực.
Tôi cứ
lục lọi trong tôi, về những điều mà tôi sẽ cảm thấy nhục nhã, và rồi
nói chúng
ra.
Wachtel:
Thật là thú vị, bởi vì trong Annie John, có một
đoạn, cô gái đang viết luận ở trường, và cô lược bỏ nó, bởi vì cô không
chịu
nổi chuyện đưa cho mẹ coi trong một tình huống bất thuận lợi, không
muốn bất cứ
ai có nhận xét không tốt về bản thân cô. Cô gái giữ lại cái điều mà bà
- như là
tác giả của cuốn sách - sửa soạn nói ra.
Wachtel:
Có thể cô không muốn người khác nhìn thấy, nhưng
"cô nhìn thấy" nó. Trong giả tưởng tôi nói ra mọi chuyện. Đôi lúc,
chính tôi ngạc nhiên về một số điều ở trong đó. Trong một vài điều tôi
đang
viết, tôi nói thẳng thừng về gia đình tôi, về chồng tôi. Anh đọc tất cả
những
gì tôi viết, và nói: "Oh, darling, em chắc chắn muốn nói ra điều
này?". Nhưng tôi là như vậy, luôn nói thẳng. Có những điều thật sự
riêng
tư, những bí mật gia đình, nhưng khi rời bàn viết, tôi không còn là
người đó
nữa. Tôi đâu có cà kê dê ngỗng về mình, ở bất cứ chỗ nào. Tôi cố gắng
viết
những điều đã xẩy ra cho tôi. Tôi nghĩ, khi còn là một đứa trẻ tôi đã
đau khổ
rất nhiều về sự nhục nhã. Lớn tuổi, tôi bắt đầu cảm thấy nhục nhã về di
sản của
tôi, về cuộc sống gia đình. Tôi được biết cha tôi không phải là cha
tôi, tôi
phải hiểu điều đó, nhưng tôi đã không hiểu, vì như thế nhục nhã quá.
Bởi vậy,
bây giờ tôi viết hết những điều đó ra.
Wachtel:
Chúng ta đã nói ở trên, chuyện cô gái Lucy và sự
cần thiết phải có sự độc lập tình cảm của cô. Trong hầu hết những tiểu
thuyết
của bà, những tình cảm mãnh liệt nhất, về yêu thương và thù hận, đều
xoáy vào
liên hệ giữa người mẹ và cô con gái. Làm sao giữ mãi được như thế?
Kincaid:
Càng lớn lên, ảnh hưởng giữa mẹ tôi và tôi càng
giảm dần dần, và tôi nghĩ, đó là do tôi cũng trở nên một bà mẹ. Tôi có
những lo
toan khác, chồng và hai con, không còn chỗ cho mẹ tôi và tôi nữa.
Wachtel:
Cách bà tả liên hệ với bà mẹ, như được trộn lẫn, và
tự quay quanh nó. Khởi thuỷ giống như ở Thiên đàng, rồi bị đẩy ra, rồi
có thù
hận khủng khiếp, có ước mong nhìn thấy bà chết. Liệu bà có lo, mọi
chuyện lại
tiếp diễn giữa con gái, và bà?
Kincaid:
Tôi chẳng lo gì hết. Những tình cảm hận thù với mẹ
của tôi là do một số sự kiện mà ra. Nhưng còn một điều khác nữa, đó là
vấn đề
liên quan đến tâm lý con người. Tôi đọc Paradise Lost ngay từ khi còn
nhỏ, và
nhập ngay vào một với Satan. Gần như mọi chuyện của tôi là bắt đầu bằng
thiên
đàng, rồi bị tống ra khỏi, hết đường trở lại. Có thể, nếu hồi nhỏ, tôi
đọc một
thứ hoàn toàn khác hẳn với Paradise Lost, tôi sẽ có những mẫu mã khác.
Còn một
điều này nữa, khi bị điểm xấu, cô giáo bắt tôi chép phạt, lại vẫn những
dòng từ
Paradise Lost.
Wachtel:
Bà đã không gặp mẹ trong 19 năm, sau khi rời nhà.
Khi trở về, bà là một người khác, bà thấy sao?
Kincaid:
Tôi có già đi, nhưng đâu khác hẳn. Nếu không có con
cái, có thể tôi không gặp lại mẹ tôi. Tôi không muốn lập lại những lỗi
lầm. Rời
Antigua lần đầu tiên, tôi nặng 130 pounds, và khi trở về gặp mẹ, tôi
nặng 170
pounds, cộng thêm hai cuốn sách. Những tôi đâu có khác biệt hẳn. Thời
gian lúc
đó, và bây giờ là một chuyện đáng nói nữa. Bây giờ tôi không còn là con
gái của
mẹ tôi nữa, thực sự như vậy.
Wachtel:
Dòng cuối truyện Annie John, là lời người mẹ nói:
"Con đi đâu, con làm gì, cũng vậy thôi. Mẹ vẫn luôn luôn là mẹ của con,
và
nhà vẫn luôn luôn là nhà của con".
Kincaid:
Đúng là một điều thật đễ thương mà một đứa bé thích
nghe. Bạn không bao giờ được ruồng rẫy con nhưng bạn phải cho con được
quyền
ruồng rẫy bạn.
Tahar ben Jelloun:
Nhà văn không phải là một ông chủ tiệm.
(A writer is not a
shopkeeper).
Câu
trên của Tahar ben Jelloun, người Marốc, viết văn bằng
tiếng Pháp, trong một cuộc phỏng vấn trên tờ Điểm Sách Paris, số Mùa
Thu 1999
Ông
hiện nay là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất ở
Pháp. Cuốn sách “Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc được giải thích cho con
gái của
tôi” (Le Racisme expliqué à ma fille, Racism explained to My Daughter),
là một
best-seller. Đêm Thiêng, La Nuit Sacrée, được giải Goncourt 1987, là
cuốn tiểu
thuyết đầu tiên của một nhà văn Ả rập được vinh dự này. Tên ông có
trong danh
sách chót của giải Nobel văn chương trong hai năm vừa qua.
Ông
sinh tại Fez, Morocco (Marốc). Gia đình ba trai, một
gái, sống tại một căn phòng nhỏ, trong khu vực mang dấu vết thời trung
cổ đẹp
nhất thành phố. Cha là chủ tiệm bazzar, sau chuyển qua thợ may, sản
xuất những
chiếc áo dài dành cho đàn ông Ả rập (djellabas).
Năm
tuổi, ông vào một trường học dậy kinh Koran, nơi ông
phải nhớ và học thuộc lòng những dòng kinh trên. Hai năm sau, chuyển
qua trường
Ả rập-Pháp, học tiếng Pháp buổi sáng, và buổi chiều, tiếng Ả rập. Một
học sinh
chăm chỉ, nghiêm túc: Ngay từ nhỏ, tôi đã cảm nhận cái trách nhiệm phải
đứng
bằng đôi chân của mình (Very early, I felt the responsibility of
standing on my
own feet). Sau đó ông học triết tại Đại học Rabat.
Vào
năm 1971, 26 tuổi, ông di cư qua Pháp, hoàn tất việc học
tại đại học Sorbonne. Sau đó, làm nghề chuyên viên tâm thần ở Paris.
Cuốn tiểu
thuyết đầu tiên của ông, “Harrouda”, xuất bản năm 1973. Tiếp theo là 9
cuốn
tiểu thuyết, và vài tập truyện ngắn, thơ ca, và tiểu luận. Ông có lẽ
được biết
đến nhiều nhất, qua tiểu thuyết bộ ba (trilogy) viết về cuộc đời của
Ahmed/Zahra, một cô gái mà người cha, vì quá thất vọng không có một đứa
con
trai nối dõi tông đường, đã nuôi dậy cô bé như là một con trai: The
Sand Child
(L’enfant de sable, Đứa trẻ cát), một best-seller ở Pháp; Đêm Thiêng,
và cuốn
vừa mới xuất bản La Nuit de l’erreur (Đêm Lầm, bản tiếng Anh, The Wrong
Night
sắp xuất bản).
Dưới
đây là chuyển ngữ cuộc phỏng vấn, được thực hiện tại
văn phòng của ông ở khu St-Germain des-Prés, gần ngay bên nhà xuất bản
Seuil,
và quán Café de Flore, nơi ông thường ngồi với bạn bè.
Người
phỏng vấn: Ông sinh ra, và được nuôi nấng như là một
người Marốc. Tiếng nói mẹ đẻ của ông là Ả rập, tuy nhiên, ông chọn viết
văn
bằng tiếng Pháp. Cho phép tôi được hỏi: tại sao?
Tahar
ben Jelloun: Sự thực, tôi song ngữ. Ngôn ngữ đầu tiên,
Ả rập; nhưng sau đó tôi học một trường song ngữ. Khi khởi sự viết, như
là một
anh chàng thanh niên không tham vọng văn chương, tôi cảm thấy hạnh phúc
làm
điều này, với tiếng Pháp. Vào thời điểm đó, nó không phải là một “chọn
lựa”
mang tính ý thức.
-Có
thể là do ông đọc nhiều tác giả Pháp hơn tác giả Ả rập?
-Có
thể. Nhưng còn do tôi coi tiếng Ả rập là “cây nhà lá
vườn”, chẳng bao giờ mất, nên đâu cần phải mất công với nó. Một cách vô
thức,
tôi cho rằng, phải đầu tư hết nghị lực vào một ngôn ngữ ngoại. Nó hầu
như còn
là một thách đố, một cú thúc vào đít. Vào lúc hai mươi tuổi, tôi bắt
đầu mê
viết, và cứ thế “chơi” luôn tiếng Tây. Những nhà trí thức trong thế
giới Ả rập
đã chỉ trích tôi, đôi khi thật dữ dằn, vì đã không viết bằng tiếng Ả
rập. Thật
đau cho tôi. Thường ra, động cơ chỉ trích thật đáng ngờ.
-Chắc
chắn là, sau khi ông được (giải thưởng văn chương
Pháp) Goncourt, còn có sự thèm muốn xen vô nữa?
-Có
thể. Nhưng câu trả lời là: tôi viết bằng một ngôn ngữ mà
tôi có thể làm chủ một cách diệu nghệ. Một bản văn, bài đọc (lecture)
bằng
tiếng Ả rập, được thôi, nhưng tiểu thuyết, là phải tiếng Tây. Bởi vậy,
vì kính
trọng tiếng mẹ đẻ cho nên tôi không được quyền “tàn sát” nó.
-Ả
rập là một ngôn ngữ rất giầu có, uyển chuyển: chỉ với một
từ gốc gồm hai hoặc ba phụ âm, người ta có thể xây dựng cả một tự vựng
nào
nghĩa đen nghĩa bóng, nào hoa lá cành. Một tiếng nói đã sản xuất ra thơ
ca lớn,
văn xuôi lớn. Trên tất cả, đây còn là một ngôn ngữ thiêng, như ngôn ngữ
Hebrew
– Thượng Đế đã nói bằng ngôn ngữ này. Vậy thì, như ông nói, đây không
phải là
thứ ngôn ngữ để giỡn chơi, hoặc coi thường. Ông đã học nó ở trường lớp?
-Tại
trung học, chúng tôi học những tác phẩm cổ điển Ả rập.
Tôi bị cuốn hút bởi sự giầu có và tinh tế của nó, khi tôi bắt đầu dịch
thuật.
Do làm chuyện này, tôi lại càng cảm thấy chớ có “táy máy” với nó. Như
ông biết
đấy, vì là một ngôn ngữ thiêng, được Thượng Đế ban cho qua bộ kinh
Koran, con
người cảm thấy kinh ngạc, sợ hãi, thấy mình nhỏ bé trước ngôn ngữ này.
Adonis,
một nhà thơ lớn người Lebanon, có lần nói với tôi: tiếng Ả rập chưa
từng gặp
một nhà văn nào mạnh hơn nó, đủ khả năng khuất phục nó. Người ta nói về
tiếng
Anh như là ngôn ngữ của Shakespeare, tiếng Ý, tiếng của Dante, nhưng
đừng nói Ả
rập là ngôn ngữ của al-Ghazali – nó luôn luôn là ngôn ngữ của kinh
Koran. Táy
máy với nó là mang tội (one would feel almost guilty manipulating it).
-Nhưng
biết đâu, người ta viết bằng tiếng Tây, hay tiếng
Anh, là để có lắm người đọc?
-Đây
là do tình hình chính trị, một hình ảnh xấu về thế giới
Ả rập. Nó ảnh hưởng tới sự phát triển văn hóa Ả rập. Thật bất công
(unfair) –
có rất nhiều nhà thơ, nhà văn lớn Ả rập chưa được biết tới. Như thể văn
hóa của
một xứ sở tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế-chính trị. Hiện nay, Ả rập
được coi
là tiếng nói của hai trăm triệu con người. Tiếng Ba tư là cả một nền
thi ca
lớn. Cả hai trở thành những ngôn ngữ thiểu số. Hiện tại Tây phương ngó
về Viễn
Đông, và bỗng nhiên, mọi người khám phá ra những nền văn hóa Nhật bản,
Trung
quốc. Thật khó mà thay đổi được tình trạng này, một khi mà hình ảnh
những xứ sở
Ả rập còn đục ngầu vì chính trị; văn hoá Ả rập sẽ còn đau khổ vì những
hậu quả
trên.
-(Nhà
văn người Mỹ gốc Do thái) John Updike có lần nói với
tôi, khi tới Ai cập, ông đã gặp những nhà văn tuyệt vời mà hoàn toàn vô
danh
đối với Tây Phương – đây là trước khi Naguib Mahfouz được Nobel văn
chương –
trong khi đó, ông ta hay một tác giả dòng Anglo-Saxon vừa mới hỉ mũi
một cái,
thế là thiên hạ xúm lại chuyển ngữ, nghiên cứu, phê bình nghị luận loạn
cả lên,
bằng cả chục thứ ngôn ngữ trên thế giới.
-Văn
hóa Tây phương được quan tâm nhiều hơn, và không đảo
lại được. Tôi có thể làm một bài đọc về Faulkner ở Mỹ, như bất kỳ một
nhà trí
thức nào trong thế giới Ả rập; chẳng ai kinh ngạc về chuyện này. Trong
khi đó,
sự hiểu biết ở Tây phương về những nhà văn của chúng tôi thật ít ỏi,
hạn hẹp ở
một số nhà chuyên môn được gọi là Những nhà Đông phương học. Tôi hy
vọng, một
ngày nào đó, tình trạng này sẽ thay đổi, và chẳng bao lâu nữa, kho tàng
giầu có
là những nền văn chương Ả rập và Ba tư sẽ được khám phá tại bất cứ nơi
nào trên
thế giới, vì lợi ích của nhân loại.
-Tôi
cũng hy vọng như ông. Nhưng có thể tôi và ông quá lạc
quan. Ông có nghĩ rằng, một khi viết bằng tiếng Ả rập, những tác phẩm
của ông
sẽ khác đi?
-Lẽ
dĩ nhiên. Bởi vì ngôn ngữ chẳng những là một dụng cụ, nó
còn là cả một bộ những cơ chế tinh thần, như mớ hành trang lỉnh kỉnh mà
con
người mang theo cùng với mình suốt cuộc lữ. Văn hóa tiếng Tây phát
triển hơn
văn hóa tiếng Ả rập. Vả chăng, như tôi đã nói, Ả rập là một ngôn ngữ
thiêng,
những tác giả Ả rập kính sợ, và họ không thể sử dụng bạo lực chống lại
nó.
-Những
tác phẩm sẽ khác đi, chẳng hạn như thế nào?
-Hãy
bắt đầu bằng đề tài: có những điều tôi không thể đụng
vô, nếu viết bằng tiếng Ả rập, thí dụ như dục tính, hay phê bình cách
xử sự của
nhân vật, nếu nó liên can tới tôn giáo. Chi ly từng chi tiết không hiểu
sao,
nhưng sẽ có nhiều cấm kỵ.
-Còn
dục tính, ông sẽ “tiếp cận” bằng đủ mọi cách?
-Có
những bản văn huê tình (erotic) quan trọng trong văn
chương cổ điển Ả rập thế kỷ 14, 15, thí dụ như The Scented Meadow (tạm
dịch
Hương Đồng Nội Cỏ), của nhà văn Shaykh Naszawi (thế kỷ 14); đây là một
Kamasutra của thế giới Ả rập. Tôi có thể viết theo cùng một mạch. Nhưng
một khi
viết, khó mà biết được “một trăm phần trăm” ngòi bút sẽ dẫn dắt bạn tới
đâu –
có những chuyện xẩy ra một cách tự nhiên; bởi vậy, tôi cho rằng, nếu
làm chủ
được ngôn ngữ, tôi có thể đề cập tới dục tính bằng tiếng Ả rập, nhưng
điều này
ngoài sức tôi.
-Có
Kama-sutra của Ấn, có thi ca huê tình của những nhà thơ
Ả rập, thí dụ như nhà thơ Abu Nawas. Nhưng những diễn tả phòng the xê
dịch
(differ) giữa những nền văn hóa và những ngôn ngữ. Văn chương phòng the
Ả rập
khác với của chúng tôi theo cách nào?
-Tôi
nghĩ quan niệm về huê tình của Đông phương rộng hơn, và
tinh tế hơn, so với của Tây phương. Thí dụ như, trong Ngàn Lẻ Một Đêm
có một
“mảnh quần hồng quan trọng” (an important erotic element), nó là một
trong
những chìa khóa để hiểu Đông phương. Nhưng hiện nay có vẻ như người ta
e dè vấn
đề này, trong thế giới Ả rập, như thể họ sợ gây sốc, và đây là hậu quả
của chủ
nghĩa chính thống (fundamentalism).
-Nếu
ông sống ở Bắc Phi và viết bằng tiếng Ả rập, ông sẽ
viết lách ra sao, trong khí hậu chính thống đó?
-Sẽ
không thể viết, về bất cứ điều gì. Đó là tự sát. Chủ
nghĩa chính thống chống lại tự do nói chung, và tự do đối với một nhà
văn không
chỉ là tự do ngồi xuống ghế và viết, nhưng còn là tự do tư tưởng, thoải
mái nói
về chính mình. Bởi vậy, tôi nghĩ, một xã hội chính thống chẳng đẻ ra
một thứ
gì, ngoại trừ sự câm nín, hay là văn chương chống đối, viết từ lưu vong.
-Ông
khởi sự viết, trước tiên với thơ, vào năm nào?
-Thời
điểm viết “nghiêm túc”, là khi tôi ở đại học, 22 tuổi,
học triết. Chương trình học như Sorbonne. Vào năm 1966 tôi bị bắt cùng
trên
trăm sinh viên khác, do hoạt động chính trị Tả phái, lẽ dĩ nhiên, như
bất cứ
người nào trong thời kỳ đó. Thay vì tống vào tù, nhà nước bắt tụi tôi
đi quân
dịch (nghĩa vụ quốc gia, national service), trước đó trong nước chưa hề
có chế
độ quân dịch. Thế là tập tành, hít đất hít cát, quân trường đổ mồ hôi
như mọi
tân binh khác, nhưng đây là một trừng phạt; nó gây sốc và tôi phản ứng
lại bằng
một “trường ca” viết lén lút. Sau 18 tháng, được thả, tôi nghĩ, có lẽ
mình nên
“công bố” bài trường ca viết trong “tù”, bởi vì đây chính là “bổn phận”
của
người trí thức, phải “chuyển tải” (transmit) một kinh nghiệm như thế!
Bài thơ
được in trên báo Soufle, (Hơi thở), của Abdellatif Laabi, một thi sĩ
Marốc. Bài
thơ được nhiều người khen ngợi, và tôi cảm thấy đây là một khích lệ đến
từ phía
độc giả. Nếu bài thơ bị chê, có lẽ tôi quẳng bút, cũng nên. Phản ứng
của công
chúng đối với một tác phẩm mới ra lò của một nhà văn “lần đầu tiên
trình làng”,
là rất quan trọng.
Sau
khi tốt nghiệp đại học, tôi làm giáo sư trung học, môn
triết, trong ba năm, trước ở Tétouan và sau đó ở Casablanca. Vào năm
1971, tình
hình chính trị ở Marốc trở nên bất ổn – đảo chính, rồi lại có tin sắp
đảo chính
– tôi có ý định nghỉ dậy học, học tiếp lấy bằng tiến sĩ. Tới Paris, vô
Sorbonne, nhờ một khoản trợ cấp (grant). Tôi nhập vô một môi trường
thuận lợi.
Pháp là một nước hiếu khách, thật khó mà tưởng tượng không khí những
ngày này.
Dân chúng không bị khiếp sợ bởi làn sóng di dân như bây giờ. Ngay cả
tôi cũng
thấy ớn, mỗi lần đang đi phố bất thình lình đụng một người lạ, thường
vẫn là
một câu trao đổi niềm nở, nhưng đôi khi bị phang một câu: “Cút về nhà
mày đi,
đồ di dân dơ dáy”, hay một câu tục tĩu khác.
Tại
Paris tôi gặp được những người đã giúp tôi tận tình. Thí
dụ, tôi trở thành bạn với chủ bút tờ Thế Giới; ông yêu cầu tôi viết về
vấn đề
di dân, và về văn hóa Ả rập nói chung. Cùng lúc đó, tôi khởi sự viết
cuốn tiểu
thuyết đầu tay, Harrouda. Tôi đưa nó cho Maurice Nadeau, ở nhà xuất bản
Denoel.
Ông rất chú ý tới việc xuất bản những tác phẩm văn chương ngoại. Những
tác phẩm
tới từ “không đâu”, và “mới”; ông chịu nó. Tôi khởi đầu là như vậy.
-Ông
đã xuất bản một tập tho trước cuốn tiểu thuyết đầu tay?
-Vâng.
Bữa đó, tôi tới cơ sở xuất bản của Francois Maspero,
và đưa bản thảo cho bà xã của ông ta, lúc đó lo về thơ ca. Bà quyết
định in.
Phản ứng của giới phê bình và của công chúng thưởng ngoạn, phải nói là
rất rộng
lượng. In hai ngàn cuốn, một con số khá lớn, vào những ngày đó.
-Có
nhiều nhà văn Bắc Phi khi đó, hay chỉ lèo tèo vài người,
trong đó có ông?
-Có
vài người. Đặc biệt, trọn một thế hệ nhà văn Algérie,
khởi nghiệp vào thập niên 1950, thí dụ như Kateb Yacine, Mohammed Dib,
Jean
Pelegrini, T. Amrouche và những người khác. Tác phẩm của họ đóng rễ vào
cuộc
chiến dành độc lập của Algérie. Khi tôi nói, tôi được “hân hoan” đón
nhận,
không phải theo nghĩa “ào ào”. Đây là một tiến trình “tà tà, nhẩn nha”.
Tôi nói
một cách nghiêm túc: không phải như bây giờ, khi mà mọi người tranh
nhau nói về
một tác giả trong ba tháng, thí dụ vậy, rồi xong. Ông ta biến mất,
chẳng để lại
một dấu vết. Harrouda chỉ bán được ba ngàn cuốn, nhưng, trái ngược với
những
thành công sớm nở tối tàn khác, là, 24 năm sau, nó vẫn vớ được độc giả,
theo
kiểu lai rai, rỉ rả.
-Đây
là một tác phẩm “rất” văn chương, với một cốt truyện
rất lạ lùng. Ông lấy ở dâu ra vậy?
-Ở
Fez, có một cô điếm già làm rúng động trí tưởng tượng của
trẻ con và thanh thiếu niên. Tôi là một đứa trẻ, khi sống ở đó. Và tôi
biến cô
thành một vị thánh, đại khái như vậy.
-Nhưng
thành công thực sự, là với Goncourt. Ông là nhà văn Ả
rập đầu tiên, đúng ra là nhà văn ngoại quốc đầu tiên thắng giải này.
-Vào
năm 1934 đã có một nhà văn Phi châu được giải, nhưng
năm 1987, khi tôi được Goncourt, chẳng ai nhắc đến ông ta, như vậy cứ
coi tôi
là người đầu tiên đi. Giải thưởng cho tôi một công chúng thưởng ngoạn
rộng rãi
hơn, dù rằng trước đó, Đứa Trẻ Cát đã bán được 130 ngàn cuốn. Khi Đêm
Thiêng được
Goncourt, thế là nó cõng tất cả những cuốn khác của tôi cùng đi theo
với nó.
-Ngoài
chương trình học trung học, nhà văn nào gây nên hứng
khởi đầu, “xúi” ông viết?
-Có
vẻ kỳ kỳ, tôi không thấy mình “hợp” với mấy
ông nhà văn, mà là với một vài nhà làm
phim: Orson Welles, Federico Fellini, Yasujiro Azu, Akira Kurosawa,
Michelangelo Antonioni – tức là những người kể chuyện. Lẽ dĩ nhiên, có
ảnh
hưởng trí thức, từ Sartre, Camus, Genet và những người khác, nhưng đó
là bắt
buộc, theo kiểu ảnh hưởng thời đại. Nếu phải tìm kiếm bà con nghệ
thuật, tôi
tìm ở Welles và Ozu hơn là ở những tiểu thuyết gia.
-Ông
có thử thời vận, như là một nhà làm phim?
-Tôi
đã muốn nghiên cứu nghệ thuật điện ảnh tại Viện Nghiên
Cứu Cao về Điện Ảnh. Nhưng ngay lập tức, tôi nhận ra, điện ảnh là một
kỹ nghệ,
một kỹ nghệ rất nặng nề, và do đó, rất nhiêu khê. Khi lệ thuộc vào quá
nhiều
người, quá nhiều hoàn cảnh, thật khó là một nhà sáng tạo. Tôi đã lẫn
lộn tình
yêu phim với ao ước làm phim. Thế là tôi chào thua.
-Điện
ảnh là một đam mê ở Pháp – họ đã phát minh ra nó. Hồi
còn là sinh viên ở đó, chắc là ngày nào ông cũng mò đi coi ciné?
-Tôi
mê hình ảnh. Ciné giúp tôi nhiều nhất, ở cái khoản này:
câu chuyện được kể qua hình ảnh, bởi một Welles hay một Hitchcock.
Trong một
vài phút đầu tiên của phim, những nhân vật, hoàn cảnh câu chuyện bầy ra
trước
mắt bạn, và bạn cứ thế nhập vô, cứ thế lên đường cùng với phim. Ngày
nay, phim ảnh
Mỹ khổ vì muốn… hiện thực. Bạn nhìn một người nào đó uống cà phê, ăn
trong
tiệm, thoi vào mặt một người khác. Nhưng Ozu và Welles không sao chép
thực tại.
Quan trọng là bịa đặt ra một câu chuyện và làm cho khán giả tin tưởng
câu
chuyện đó – quan trọng là, một khi ngồi trong phòng tối tại một rạp,
cuốn phim
đưa bạn tới một vũ trụ khác, trong tưởng tượng. Đó là điều tôi cố gắng
làm, với
những cuốn sách của tôi.
-Ông
đi coi phim, nhưng còn đọc cả lố, như ông nói đấy. Ai?
Có tác giả ngoại nào không?
-Tôi
đọc [nhà văn Mỹ] Steinbeck, Dos Passos, Faulkner, khi
tôi còn trẻ. Nhưng nhà văn giúp tôi nhiều nhất, là James Joyce, không
phải bởi
vì tôi muốn làm cùng một điều như ông ta, mà là: ông ta liều cùng mình.
Tôi
nghĩ nếu Joyce dám liều như vậy, tôi cũng dám. Khi còn nằm ở trại lính,
tôi yêu
cầu bạn bè gửi những cuốn sách dầy nhất mà họ kiếm được. Bởi vì cấm đọc
sách ở
đó, tôi đọc lén, và tôi muốn một cuốn sách kéo thật dài. Thế là họ gửi
lén cho
tôi cuốn Ulysses, và tôi thật sự kinh hồn bạt vía bởi sự táo bạo, từ
một công
trình lớn lao như vậy. Tôi chẳng biết gì về Ái Nhĩ Lan, nhưng cuộc hành
trình
của nhà văn làm tôi quan tâm, tính táo bạo của ông ta. Nhưng tôi chào
thua cuốn
Finnegans Wake – những hiểm nguy ở đó thật là vô tích sự (gratuitous).
Nó thì
tối tăm.
Người
phỏng vấn: Tuy nhiên, ông mê thơ hiện đại, mà cái thứ
này nếu không mờ mờ thì cũng thường xuyên tăm tối?
Ben
Jelloun: Thi ca tối tăm không hiện hữu, hoặc nếu tối
tăm, thì đó không phải là thi ca (poetry). Thơ thứ thiệt chẳng bao giờ
tối tăm;
ngay cả [nhà thơ Pháp] Mallarmé cũng rõ ràng. Về phần tôi, tôi mê
St.-John
Perse, René Char, một số bài của Yves Bonnefoy, của Louis-René des
Forêts. Đôi
khi tôi đọc những tập thơ mà tôi nhận được, và nói với chính mình, “Thứ
này
thật là vô nghĩa! Nó chẳng mắc mớ gì tới thơ.” Nhưng đời mà, đôi khi
người ta
chẳng có gì để nói, hoặc chẳng có gì để nói “thêm”, tuy nhiên họ vẫn cứ
tiếp
tục nói: nó vẫn vậy mà! Hãy nhìn [nhà làm phim người Pháp] Jean-Luc
Godard: đối
với tôi, những phim đầu tay của ông thật đáng yêu, thế rồi một ngày,
tôi khám
phá ra một hiện tượng kỳ cục: Godard là một người đàn ông chẳng có gì
“thêm”,
để nói. Cũng vẫn kỹ thuật đó – cách táy máy, mầy mò hình ảnh thật tuyệt
vời
(this marvelous way of manipulating images), những phim của ông chẳng
ai thèm
quan tâm tới nữa: chúng rỗng tuếch.
Cùng
trường hợp như vậy, với một vài nhà thơ. Như là một hậu
quả: tôi nghĩ lúc này chẳng có thơ. Vắng thơ, ít ra ở Tây phương, và
cảm giác
kinh cung chi điểu: sợ thơ, như thể mọi người hết còn dám [làm thơ].
Tại Pháp,
thời kỳ Kháng Chiến đã đẻ ra một nền thi ca lớn, bằng cách đem hứng
khởi tới
cho những nhà thơ như Aragon, Éluard, René Char. Họ có một điều gì thật
nóng
hổi, thật gấp gáp cần phải truyền đạt, một số giá trị cần phải chống
đỡ; và
phải làm liền, làm mạnh bởi vì những giá trị này đang gặp hiểm nguy.
Một nhà
thơ Pháp nói gì đây, bây giờ? Viết một bài thơ để chống lại Le Pen? Làm
thơ về
nạn thất nghiệp? Về nạn tự tử của lớp trẻ? Đây chỉ là những đề tài lòng
vòng,
mang tính nhất thời.
Đâu
phải chuyện tai nạn, khi một nhà thơ dở như Bobin bán ào
ào cả chục ngàn ấn bản mỗi lần cho ra lò một tuyển tập mới. Một thứ thơ
tình
cảm, giả-tôn giáo, dở ẹt. Nhà Luyện Kim (The Alchemist), tiểu thuyết
của
Coeltho, theo tôi, thuộc loại tầm phào, vậy mà bán ra mười một triệu ấn
bản. Đó
là vì người ta “cần” thơ và tìm kiếm một thứ tâm linh nào đó: họ cần
“lại cảm
thấy yên ổn”, và hy vọng. Nhưng đây là thứ tâm linh chợ búa, hàng quán
(bazaar). Một thứ tâm linh Đồng Giá (Monoprix).
-Theo
tôi, có vẻ như người ta tìm thấy thơ, ở những nhà văn
xuôi hiện nay. Ở Anh chẳng hạn. Sự thành công của những cuốn sách của
ông, tôi
nghĩ, một phần là do cách viết và cảm tính của ông có chất thơ ở trong
đó.
-Đó
là gia tài Ả rập của tôi. Khi tôi kể một câu chuyện, tôi
cảm [thấy mình là người] Marốc, và tôi kể nó như là một người Marốc kể
chuyện,
với hình ảnh và cấu trúc, chẳng hiện thực, nhưng là một nơi chốn [để
cho] thi
ca trú ngụ.
-Trong
Ngàn Lẻ Một Đêm – vốn tắm đẫm tranh ảnh, minh họa
(pictorial) – tác giả vẽ những bức tranh, có lẽ bởi vì thoạt kỳ thuỷ
những câu
chuyện này được truyền miệng, và những người kể chuyện phải làm cho
người nghe
chú ý bằng cách nhấn từ, nhấn giọng. Ông kể những câu chuyện của mình
giống như
một người kể (conteur) Đông phương.
-Tôi
không cho rằng, mình có hơi hớm tác giả Ngàn Lẻ Một
Đêm, hay phải viện dẫn tới một thời kỳ đặc biệt nào đó trong lịch sử Ả
rập. Tuy
nhiên, tôi cảm thấy mình ăn ở với văn hóa Ả rập. Ít ra đây là lời giải
thích
thuận lý mà tôi có thể có được, nếu nói về chất “thơ” trong văn của
tôi. Về kỹ thuật
tự sự (narrative technique), tôi bị ảnh hưởng rất nhiều bởi Roland
Barthes –
những bài tiểu luận của ông về mối liên hệ giữa bản văn (text) và văn
chương.
Khi còn là sinh viên, Tiểu Thuyết Mới làm tôi nản, và tôi không muốn
viết bất
cứ một thứ gì giống như vậy. Điều tôi làm, tôi phát minh ra nó trên
đường đi,
trong lúc viết, một cách vô thức. Tôi nghĩ, văn phong của tôi là Marốc,
nhưng
có lẽ những người Marốc không nghĩ như vậy!
-Những
đề tài của ông cũng là Marốc – câu chuyện luôn luôn
xẩy ra ở Marốc, hay ít ra, ở Bắc Phi.
-Đúng
như vậy. Những đề tài bám rễ Maghrebi, bởi vì chúng
liên quan tới những vấn đề mắc míu với chúng tôi, những vấn đề của cuộc
sống
thường ngày – sự liên hệ giữa đàn ông và đàn bà trong một xã hội Hồi
giáo, giữa
nhà nước và luật pháp, hay cá nhân và tập thể.
-Trong
tất cả những xứ sở thuộc thế giới thứ ba, đặc biệt
trong những xứ Hồi giáo, có trạng thái giao động, không chắc chắn
(uncertainty), như là hậu quả do va chạm với hiện đại tính và Tây
phương. Đây
là trường hợp [đưa đến] sự thành công lớn lao đầu tiên của ông, trong
Đứa Trẻ
Cát; câu chuyện một đứa bé sinh ra là gái, nhưng cha mẹ cứ làm như nó
là trai,
bởi vì họ đã có 6 cô “công chúa”, và cảm thấy nhục nhã vì không sản
xuất ra nổi
một chú bé đực rựa. Điều này đưa tới những hậu quả bi thương cho cô bé,
khi cô
đã trưởng thành. Ông dựa trên chuyện thực?
-Không,
tôi bịa ra nó, bởi vì tôi muốn viết về thân phận
người phụ nữ ở Bắc Phi, nhưng không muốn nó mang vẻ mô phạm, hay mang
tính dấn
thân (militant). Tôi muốn phản ứng lại thứ văn chương nữ quyền của thập
niên
1980, vốn đặt nặng tu từ, nghe “the thé” (strident), và chẳng có tí
tưởng tượng
nào ở trong đó. Vì vậy, tôi nghĩ, nếu tôi bịa ra một đứa bé mà số mệnh
bắt buộc
phải tách ra khỏi dòng đời bình thường [nữ bị coi là nam] và sau đó
sống cả hai
thân phận, là nam là nữ cùng một lúc, như vậy tôi có thể làm bật ra một
số vấn
đề.
-Đêm
Thiêng, cuốn tiểu thuyết được Goncourt, tiếp tục câu
chuyện kể. Đây là cuốn thứ nhì trong một bộ ba. Cuốn thứ ba là Đêm Lầm.
Cuốn
thứ nhất, Đứa Trẻ Cát, đưa ra một số kết cục có thể xẩy ra. Chi tiết
này cho
thấy, ông là một trong số những người kể chuyện Đông phương. Nhưng ông
phải
chọn một trong những kết cục đó. Làm cách nào, ông chọn?
-Đây
là do những độc giả đòi hỏi tôi tiếp tục câu chuyện.
Tôi nhận hết thư này tới thư khác, hỏi: “Chuyện gì xẩy ra cho
Ahmed/Zahra? –
nhân vật chính với căn cước dục tính “kép” (the main character with the
double
sexual identity). Đây là một cách nói về thân phận người phụ nữ mà
không rơi
vào giáo điều.
-Nếu
độc giả không “năn nỉ”, chắc là ông nghỉ chơi luôn?
-Ông
có thể đặt câu hỏi theo một cách khác, như thế này: nếu
câu chuyện chẳng [có một cơ may] tiếp diễn, độc giả đã chẳng thèm “năn
nỉ”.
-Ông
đã từng nói: “Là một người đàn bà là một nhu nhược tự
nhiên mà mọi người chấp nhận” (To be a woman is a natural infirmitythat
everyone accepts). “Là một người đàn ông là một ảo tưởng và một bạo lực
mà mọi
điều [đều có thể] biện minh và khuyến khích” (To be a man is an
illusion and a
violence that everything justifies and favors).” Đây có phải là quan
niệm hiện
thời của ông về thân phận người phụ nữ trong thế giới Hồi giáo, đặc
biệt trước
đà phát triển của chủ nghĩa chính thống, cứ chĩa mũi dùi vào người phụ nữ? Tôi hỏi ông câu này, bởi vì,
song song với sự áp bức trà đạp người phụ nữ của cái gọi là chủ nghĩa
chính
thống, phong trào đòi hỏi nữ quyền Hồi giáo hiện đang trỗi dậy.
Những
nhà nữ quyền Hồi giáo lấy ra những đòi hỏi, những luận
cứ của họ, từ chủ thuyết và lịch sử đạo Hồi. Họ chứng minh rằng những
áp bức
trà đạp người phụ nữ trong những xứ sở Hồi giáo chẳng mắc mớ chi đến
đạo Hồi,
thoạt kỳ thuỷ nhằm giải phóng họ, và đã
sản xuất ra những vị nữ lưu đứng đầu nhà nước, những chính trị gia,
những nhà
thơ, những nhà thần học. Một trong những vị nữ lưu, đồng bào của ông,
Fatima
Mernissi: một trong số những người hùng biện nhất, thông thái nhất của
những
nhà nữ quyền Hồi giáo. Tôi đang nghĩ tới những cuốn sách của bà: Những
Hoàng
hậu đã bị bỏ quên của Hồi giáo (The Forgotten Queens of Islam), Hồi
giáo và Dân
chủ (Islam and Demecracy), Quá khỏi Mạng che mặt (Beyond the Veil)…
chúng cho
thấy, Hồi giáo bị biến chất (denatured) tới mức nào, so với tư tưởng
khởi đầu
của người sáng lập ra nó. Và nó bị biến chất là do những nhà cai trị
tham
nhũng, và những mullahs (giáo sĩ Hồi giáo). Bà cảm nhận, ngày nay sự áp
bức phụ
nữ còn liên quan tới sự kém mở mang, nghèo đói, bất công, và tham
nhũng,
“chuyện thường ngày ở huyện” trong những xứ sở thuộc thế giới thứ ba.
-Đúng
như vậy. Bức mạng che hiện hữu trong tất cả các tôn
giáo, ngay cả trong đạo Cơ đốc. Người ta lấy khăn phủ đầu, như là một
dấu hiệu
của sự kính trọng, khi bước vào nhà thờ, nhà tu. Khi cầu nguyện bắt
buộc phải
làm vậy. Nhưng tôi nghĩ, thiết yếu là phải tách rời chính trị và tôn
giáo. Tôn
giáo là vấn đề của từng cá nhân, nó là sự quan tâm giữa từng con người
với
Thượng Đế. Sử dụng Hồi giáo vào những mục đích chính trị là mị dân
thuần tuý,
một phương thức để áp bức dân chúng. Tôn giáo quan tâm tới điều được
coi là
vĩnh hằng, thiên thu, trong khi đó, chính trị, do bản chất của nó, là
tạm bợ,
nhất thời. Bởi vậy, chúng ta phải tách rời cả hai, nếu không, những xứ
sở Hồi
giáo sẽ chẳng bao giờ vượt lên khỏi tình trạng kém mở mang và áp bức.
-Chúng
ta hãy trở lại với nhân vật Ahmed/Zahra. Làm cách nào
cô giải quyết được bài toán nhức đầu của cô?
-Việc
của tôi (My job) không phải đưa ra những câu trả lời
hay tìm giải đáp, nhưng mà hỏi (ask questions), chứng nghiệm (testify),
trong
một hoàn cảnh nhân sinh. Tôi kể một câu chuyện, và hy vọng rằng, nó sẽ
gây suy
nghĩ (incite reflection), tạo tư tưởng.
-Xen
kẽ bộ ba trên, ông còn viết một cuốn sách nhỏ về tình
bạn, Ngợi Ca Tình Bạn (L’Éloge de l’Amitié, In Praise of Friendship),
trong đó
ông nhắc tới tất cả những bạn bè làm cho cuộc đời của ông thêm giầu có.
Trong
số đó, Jean Genet có vẻ chiếm một vị trí đáng kể nhất, đối với ông.
Tính tình
ông ta rất kỳ lạ: dữ dằn (farouche), nhút nhát, cô độc, rất ít người
biết tới.
Ông nghĩ thế nào, về con người và tác phẩm, từ một khoảng cách hiện
nay, nhìn
lại?
-Ông
ta là một con người cực kỳ khác thường. Khi cuốn đầu
tay của tôi ra lò, tôi gửi một bản tới ông, qua nhà xuất bản của ông
ta, chẳng
hy vọng ông trả lời; như mọi người biết, đây là một con người rất e
thẹn, và cô
độc. Một bữa, một tay Cộng sản bạn của tôi, thường xuyên đọc báo “đảng”
(tờ
Nhân Loại, L’Humanité), anh ta bảo: có một bài viết về “toa” trên tờ
báo đảng
đó! Tôi chạy vội đi mua một tờ! Bài viết hoá ra là một bài phát thanh,
của
Genet, về một số nhà văn Ả rập. Trong bài viết, ông ta tấn công Sartre,
buộc
tội Sartre đã không quan tâm đúng mức tới những nhà văn này, trong số
đó có
chính tôi!
Ngày
hôm sau tôi gửi lời cảm ơn về lòng tốt của ông ta, và
cho biết, tôi hiện đang ở Khu Sinh Viên (Cité Université). Ngày tới, có
người
gọi cho tôi. Là Genet. Và ông đề nghị gặp. Đó là khởi đầu một tình bạn
kéo dài
tới hết cuộc đời của ông. Vào năm 1979, khi xẩy ra cuộc cách mạng của
Khomeini
tại Iran, ông ta bảo tôi: “Tớ khoái tay già này, dám nói ‘Hãy xéo đi!’
với Mỹ
và Tây phương”. Không phải ông quan tâm tới cuộc cãi lộn chính trị giữa
“the
Shah” (Vua Iran) và Khomeini, nhưng mà là thái độ nổi loạn của một con
người
chống lại một hệ thống, chống lại cả thế giới. Ông luôn luôn giữ những
vị trí
tàn bạo (brutal positions), vì ông là một con người nổi loạn, chống lại
quyền
lực bất kể dưới dạng nào.
Chúng
tôi trở thành bạn, mặc dù ông chẳng hề tin vào tình
bạn, bởi vì theo ông, tự do và sự trung thuỷ không thể cặp kè với nhau
được.
Tuy nhiên ông luôn là bạn tốt, với tôi. Ông bảo tôi: “Khi viết, hãy
nghĩ tới
người đọc, hãy giản dị”. Tôi cố theo lời khuyên của ông, bởi vì tôi
nghĩ giản
dị là một dấu hiệu của chín chắn.
-Tình
bạn được tôn thờ tại những xứ sở Trung Đông. Tại Ba
tư, nó gần như “xêm xêm” với tình yêu. Ở Marốc, cũng rứa?
-Không
hoàn toàn như vậy. Nhưng tình bạn giữ một vai trò
quan trọng trong cuộc đời của riêng tôi. Tình yêu là một điều chi khác,
nhiều
khi đối ngược với tình bạn. Tình yêu thì rắc rối, đầy khó khăn trắc
trở. Nó
thuộc loại hiếm hoi, nghĩa là còn tùy thuộc vào những điều mà thường
xuyên vượt
ra khỏi khả năng của người trong cuộc. Tình bạn ngược hẳn lại: giản dị,
tự
nguyện, bền vững.
-Rữa
Thối (Corruption, dịch từ bản tiếng Pháp: L’homme
rompu), xuất bản năm 1994, là về sự tham nhũng, hối lộ trong một xứ sở
như
Marốc. Đây là một tiểu thuyết mang tính chính trị, tố cáo mạnh mẽ nhất
trong
những tác phẩm của ông. Ông có nghĩ rằng chính trị có thể làm thay đổi
những sự
việc ở Maghreb, hay ở trong những xứ sở thuộc thế giới thứ ba, nói
chung? Theo
ông có cần làm sống lại đạo đức, tâm linh (a moral and spiritual
revival)?
-Đạo
đức và tâm linh chẳng thể nào tái sinh trong một thể
chế chính trị bịnh hoạn, hư ruỗng. Do đó, cuộc chiến đấu chống lại tham
nhũng,
hối lộ là một cố gắng làm cho xã hội trở nên khoẻ mạnh, về đạo đức,
cũng như là
về văn hóa.
-Cuốn
tiểu thuyết mới của ông, Đêm Lầm, là cuốn thứ ba trong
một bộ ba cuốn. Nhân vật chính lại (again) là một người đàn bà. Có phải
đây là
phản ứng của ông trước chuyện (ngược đãi phụ nữ) xẩy ra tại Algeria,
vào lúc
này?
-Không.
Cuốn sách nói về một bạo lực nào đó, từ lâu vẫn nằm
ngủ trong nhân vật chính, và sau cùng bà đã trả thù. Đây không phải là
một câu
chuyện mang tính hiện thực (realistic). Nó là về bạo lực của một người
đàn bà
đã bị áp bức quá lâu, và cuối cùng nổ bung ra. Nhưng không phải một
người đàn
bà thực (a real woman), bà thuộc về cõi huyền hoặc (she belongs to the
realm of
legend).
-Ông
nghĩ gì về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, sử dụng những
hình tượng thần thoại từ những chuyện dân gian, ở Nam Mỹ, để làm sáng
tỏ hoàn
cảnh hiện thời? Trường phái này, gồm những tiểu thuyết gia Nam Mỹ, khác
biệt
với của ông, ra sao? Đặc biệt, ông có ái mộ tác giả, hay tác phẩm nào,
thuộc
trường phái trên?
-Tôi
rất thích Juan Rulfo, Juan Carlos Onetti, một vài cuốn
của Gabriel García Márquez. Nhưng tôi không nghĩ chúng tôi cùng một
trường
phái. Họ đóng rễ vào văn hóa riêng của họ, và tôi, vào của tôi. Và hai
văn hóa
này khác biệt, không chỉ vì Hồi giáo, mà còn nhiều yếu tố khác nữa, như
lịch sử
và địa dư.
-Ông
đã dính vào vụ Rushdie?
-Lẽ
dĩ nhiên. Và tôi đã chống đỡ cho ông ta. Đây là một biểu
tượng và một cần thiết. Chống đỡ (defend) cho Rushdie là chống đỡ tự do
viết,
tưởng tượng, sáng tạo.
-Ông
tổ chức ba chuyện viết lách như thế nào?
-Tôi
rời nhà rất sớm, mỗi buổi sáng, và tới đây. Tôi làm
việc suốt ngày, trở về nhà, và trải qua buổi tối với gia đình, vợ và 4
cháu.
-Ông
viết tay, hay dùng computer?
-Tôi
viết tay. Computer là dùng để viết bài (articles), bởi
vì mấy tờ báo đòi hỏi, bài ghi trên dĩa mềm.
-Ý
tưởng – viết một cuốn tiểu thuyết mới, a new novel – tới
với ông như thế nào? Ông có ngưng tất cả mọi việc, khi viết nó?
-Tôi
để cho ý tưởng chín mùi trong một thời gian dài. Tôi
ngồi xuống và khởi sự viết, khi cảm thấy một sự thúc bách nào đó. Khi
viết, tôi
đọc ít đi. Gần như tôi để hết tâm trí vào nó, vì đây là một niềm vui.
-Những
kẻ quấy rầy, phá hoại công việc viết, là những gì?
Hemingway cho rằng, khốn kiếp nhất, là cái điện thoại.
-Những
bực bội, trói buộc xã hội, tâm lý, thời gian phí phạm
cho con rùa hành chính… Tuy nhiên, người ta không thể viết, nếu không
sống, và
cuộc sống là phải đương đầu với ba chuyện bực mình kể trên. Bởi vậy,
điều ngăn
trở viết đến từ bên ngoài nó. Nhưng sẽ hết viết hoàn toàn, nếu thiếu
vắng hy
vọng, khi người viết tự hỏi: ích chi đâu, ba chuyện viết? Một khi đối
đế, cảm
thấy văn chương là vô dụng, tôi sẽ ngưng viết. Cho tới lúc đó, mặc dù
bực bội,
mặc dù chán nản, tôi vẫn tiếp tục. Ngắn gọn, một khi cảm thấy không cần
viết:
ngưng!
-Gore
Vidal có lần nói, giống như ông chủ tiệm tới tiệm của
mình, hay ông đốc tưa tới phòng mạch mỗi ngày, nhà văn ngồi và viết,
theo
nghĩa, đây là nghề của anh ta, rằng viết là cái điều mà một nhà văn
làm. Ông có
nghĩ như vậy?
-Không.
Đây là viễn ảnh Mẽo về nhà văn. Với tôi, nếu một nhà
văn viết để kiếm sống, ông ta bắt buộc sẽ phải đẩy mình tới một tình
trạng thỏa
hiệp. Ông sẽ “băn khoăn, cân nhắc”: cái này bán được không, cái kia ăn
khách
đấy. Đây không phải là mối bận tâm của tôi. Tôi hạnh phúc khi có một số
độc
giả, nhưng người ta không thể viết ra, chỉ để bán được. Một nhà văn
không phải
là một ông chủ tiệm. Một nhà văn tạo ra một thế giới tưởng tượng, và
ông ta
chuyển nó tới cho những người khác.
-Đây
có phải là phận sự (function) của nhà văn? Shelley nổi
tiếng với câu nói: thi sĩ là những nhà lập pháp không được thừa nhận,
của thế
giới. Ông tin như vậy?
-Tôi
không tham vọng tới mức đó. Với tôi, nhà văn là một
chứng nhân. Của thời đại của mình. Do đó, anh ta có một vị thế riêng.
Tôi không
nghĩ, nhà văn có một vai trò quyết định – anh ta kể những câu chuyện,
và trong
khi làm như vậy, anh ta phê phán (comments) về xã hội của mình, và về
thế giới.
Anh ta truyền đạt qua tưởng tượng.
-Một
khi ông đã có một cái giàn, cái khung cho một cuốn tiểu
thuyết, và khởi sự viết, ông có luôn luôn ở trong tình trạng chủ động,
hay là
mặc tình cho những năng lực nội tại của câu chuyện lấn lướt?
-Khó
mà biết được chuyện gì sẽ xẩy ra, nhưng tôi cứ để cho
mình tự do. Đừng để xẩy ra tình trạng bị ép, bị trói, hay là mất kiểm
tra. Tôi
cứ thế tiến lên, theo trực giác, và thoải mái khi đụng những ý tưởng
mới, hoặc
gặp những khúc quanh không tiên đoán được.
-Cái
gì tới trước, cốt truyện hay nhân vật?
-Ý
tưởng chính, là quan trọng, nhưng từ ngữ cũng quan trọng
chẳng kém – Chúng phải được chọn lựa kỹ, sử dụng đúng chỗ. Như toán
học. Cốt
truyện có thể do một điều gì tôi đã chứng kiến, đã đọc, hoặc đã nghe
nói. Con
người làm sao biết hết mọi chuyện. Nếu như vậy, viết trở nên nhàm chán.
Điều
dẫn dắt câu chuyện, đó là không khí chuyện (ambiance), tức là cái thế
giới chung
quanh một nhân vật. Nhân vật bịa ra câu chuyện, nhà văn tiếp diễn (It
is the
character who invents the story as the writer proceeds).
-Ông
có viết đi viết lại nhiều lần?
-Những
bản văn tuyệt vời là chỉ có một lần viết. Nhưng thứ
này hiếm, hầu như bất khả. Tôi viết lại cả một chương, chứ không viết
lại theo
kiểu đây một khúc, kia một dòng. Tôi có thể bỏ luôn cả một chương, và
thêm vào
một chương khác.
-Những
chương trình trong tương lai của ông?
-Tôi
đang viết một cuốn tiểu thuyết, lấy khung cảnh Naples
(Ý đại lợi). Bởi vì tôi đang tính rời Marốc. Tôi vừa mới sửa lại và nới
thêm
ra, một tiểu luận về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đã xuất bản vào năm
1984,
tựa là “Lòng Hiếu Khách của người Pháp” (French Hospitality). Tôi viết
thêm một
lời giới thiệu dài, để giải thích tại sao nó tồi tệ đi trong 13 năm vừa
qua.
-Có
thể tôi lạc quan, bởi vì tôi nghĩ Le Pen chỉ là một sai
lạc nhất thời, và sau hết, người Pháp sẽ trở lại với truyền thống dâng
hiến chỗ
cư ngụ, và bảo vệ cho những người bị bách hại. Văn hóa Pháp là từ đó mà
ra. Hãy
nhìn con số những nhà thơ, nhà văn, nhà trí thức lớn trong 100 năm qua,
đã tới
Pháp, từ bất cứ nơi nào trên trái đất.
-Tôi
thành thực hy vọng là ông đúng. Trong khi đó, chúng ta
– những nhà văn, nghệ sĩ, trí thức – chỉ có thể làm hết sức mình, bằng
tác phẩm
của mình, bằng những thí dụ riêng của mình.
Shusha
Guppy (biên tập viên tại London của tạp chí Điểm Sách
Paris).
Phỏng vấn Edward Said
Từ
30 năm nay, E. Said là người phê bình văn học, giảng dậy
Đại Học, và có uy tín nhất trên thế giới trong việc giải trừ chủ nghĩa
thực dân
trong văn hóa, khi đứng ở địa vị một nhà trí thức nhược tiểu phương
Đông, phê
phán văn chương, và học thuật của phương Tây, trong việc mô tả và trình
bầy xã
hội châu Phi, châu Á.
Phỏng
vấn dưới đây, do Eleanor Wachtel thực hiện cho đài CBC
Radio (Canada); được in trong (More) Writers & Company (nhà xb
Vintage
Canada, 1997).
Edward
Said không đơn giản. Khi cố gắng mô tả ông, tôi đụng
những nhãn hiệu thật chỏi nhau. Ông là tín đồ Ky-tô, Ả-rập Palestine;
thân phụ
phục vụ trong quân lực Hoa-kỳ thời kỳ Đệ Nhất Chiến. Một nhà khoa bảng
sống tại
Mỹ trong 40 năm qua, thành viên, tiếng nói trực tiếp của Hội đồng Quốc
gia
Palestine (Palestinian National Council) từ 1977-1991; tuy nhiên ông
không tin
cậy chủ nghĩa quốc gia, lên tiếng chỉ trích Saddam Hussein và bênh vực
Salman
Rusdhie.
Học
tại Princeton và Harvard, giáo sư môn văn chương so
sánh, ông mê nhất, những cuốn tiểu thuyết trong đó ông chỉ ra, nào là
chủ nghĩa
phân biệt sắc tộc, chủ nghĩa đế quốc, cũng như tinh thần phe nhóm, địa
phương.
Tiếng
tăm quốc tế của ông, là từ cuốn Chủ nghĩa Đông-phương,
Orientalism (1978), một cuốn sách gây tranh luận, và làm bực mình. Một
cuộc
khai quật, mổ xẻ thái độ của Tây-phương đối với Hồi-giáo và
Đông-phương, và
cùng với nó là điều mà Said mô tả: "một màng lưới phân biệt sắc tộc,
nguyên mẫu văn hoá, và ý thức hệ phi nhân." Ngoài ra, Said còn chính
trị
hóa, điều vốn giản đơn được coi là "văn chương so sánh". Cuốn sách
trở thành đề tài hội thảo, và được dịch ra 15 thứ tiếng.
Cuốn
sách xuất bản năm 1993 của ông, "Văn hóa và Chủ
nghĩa Đế quốc", đặc biệt là do tham vọng và tính uyên bác của nó. Như
một
nhà điểm sách nói về ông: "Said là một, trong số đếm trên đầu ngón tay,
những nhà phê bình lớn lao, mang tính nhân bản, vượt biên cương, bờ
ngăn".
Trong
cuốn sau, Said phân tích tác phẩm của Austen,
Thackeray, Dickens, Eliot, Kipling, Conrad, những tác giả khác, và
khẳng định
rằng: thời đại hoàng kim của tiểu thuyết Anh mắc míu ngay từ khởi thuỷ
với sự
thành lập Đế quốc Anh. Rằng biện minh cho chủ nghĩa đế quốc nằm ngay
trong tim
trong hồn giấc mơ văn hóa Tây-phương. Ông còn đi xa hơn. Ông nghiên cứu
thật tỉ
mỉ văn chương những cựu thuộc địa, và vẽ ra bản đồ lịch sử cuộc đề
kháng, và
cùng với nó, là văn chương phản ảnh cuộc kháng chiến đó. Ở đây, ông lại
đi sâu,
và xa hơn, trên cái nền của cuốn trước, Orientalism.
Said
tiếp tục kếp hợp phê bình văn hóa với nghiên cứu chính
trị, người đọc hiển nhiên nhận ra điều này, trong hai bài viết năm
1996:
"Đại diện cho người Trí thức (Representation of the Intellectual)",
và "Hòa bình và Bất mãn: Những tiểu luận về Palestine trong Tiến trình
Hòa
bình Trung Đông (Peace and Its Discontents: Essays on Palestine in the
Middle
East Peace Process").
Vào
năm 1992, bác sĩ phát hiện, ông bị bệnh hoại huyết
(leukemia). Bệnh chỉ làm ông cất cao tiếng nói. Nó cũng làm ông phải
thực hiện
một chuyến thăm viếng Jerusalem, nơi chốn ra đời, và khởi sự viết hồi
ký về
cuộc đời trước 1967 của ông.
Bài
phỏng vấn được thực hiện tại văn phòng của ông tại Đại
học Columbia vào ngày 26 tháng Hai, 1993; đúng ngày Trung tâm Thương
mại Thế
giới bị ăn bom.
Wachtel:
Ông từng nói, cái nền của ông là một chuỗi những
đổi dời, di xứ, và không thể vãn hồi. Rằng cái cảm quan ở giữa những
nền văn
hóa bám riết ông. Có lẽ chúng ta nên lần theo những đổi dời, bắt đầu
bằng nơi
chôn rau cắt rốn: Jerusalem, thời Palestine. Ông cảm thấy ở giữa những
văn hóa,
khi còn là một đứa trẻ?
Said:
Đúng như vậy. Tôi sinh ra ở Jerusalem, cha tôi là từ
Jerusalem, nhưng ông thuộc mẫu người khá lạ. Sống ở Hoa Kỳ trước khi
lấy vợ. Ông
trốn đi lính cho Thổ Nhĩ Kỳ, qua Mỹ vào năm 1911 hay 1912. Họ tính bắt
ông đi
đánh nhau ở Bulgaria, tôi nghĩ vậy. Lúc đó ông 16 hay 17 tuổi. Sau đó,
ông gia
nhập quân đội Hoa Kỳ, vì nghĩ rằng sẽ được đi chiến đấu chống Thổ Nhĩ Kỳ. Thực sự, ông gia nhập quân đội Canada,
rồi bỏ ngũ, vì biết họ sẽ không đưa ông qua Trung Đông. Sau đó mới tới
quân đội
Hoa Kỳ. Ông chiến đấu ở Pháp, và bị thương ở đó. Thành công dân Hoa Kỳ.
Sau
chiến tranh chừng một năm, khoảng 1919, ông trở lại Palestine, làm ăn
chung với
một người bà con. Cuối thập niên 1920, ông có một cơ sở kinh doanh sách
vở và
đồ dùng văn phòng tại Ai Cập. Tôi sinh tại Jerusalem vào năm 1935, khi
đó cha
mẹ tôi đi đi lại lại giữa Palestine, và Ai Cập. Tôi không sống nhiều ở
Palestine, và ở bất cứ nơi nào, là vì vậy. Chúng tôi lúc nào cũng di
chuyển. Có
thể, đầu năm Ai Cập, giữa năm Palestine, cuối năm ở Lebanon, nơi đây
chúng tôi
có một căn nhà. Lại thêm, có cha là công dân Hoa Kỳ, tôi thừa hưởng
cùng lúc
hai thứ, Hoa Kỳ và Palestine. Tôi sống ở Ai Cập, mà không phải là người
Ai Cập.
Tôi cũng giống cha, một mẫu người phức hợp kỳ cục. Đây là hồi ức sớm
sủa nhất
của tôi.
Wachtel:
Ông cũng đã từng coi mình là một thiểu số trong một
thiểu số.
Said:
Cha mẹ tôi đều là tín đồ Tín Lành (Protestants) ở
Palestine. Điều này thực sự có nghĩa, họ bị tách rời khỏi khối đa số
tín đồ
Ky-tô (Christians), khối đa số này lẽ dĩ nhiên lại là thiểu số trong
một xã hội
thiết yếu là Hồi-giáo. Hầu hết tín đồ Ky-tô giáo ở Trung Đông - hay ít
ra ở
vùng Levant - là theo Chính Thống giáo Hy Lạp (Greek Orthodox), nhưng
cha mẹ
tôi lại là con cái của những người đã cải đạo, không còn giữ gốc Chính
Thống
Giáo Hy Lạp. Cha tôi, qua cha của cha tôi, trở thành tín đồ Anglican -
một
Episcopalian. Má tôi - qua ông già của bà - trở thành Baptist. Đây là
một trong
những điều lý thú từ những phái đoàn truyền giáo mà ra. Khi tới
Palestine,
Lebanon, Jordan, và Syria vào những năm 1850, họ đã thất bại, không làm
sao cho
những người Hồi giáo hoặc Do-thái chuyển qua Ky-tô giáo; đây là điều họ
định
làm; thay vì vậy, cuối cùng họ chuyển những tín đồ Ky tô từ khối đa số
qua
những tân giáo như trên.
Wachtel:
Một đứa bé, lại ở giữa những nền văn hoá như thế,
thì sao?
Said:
Tôi phải nói sự thực, một cách "thực thà, lương
thiện nhất": thật thê thảm. Hồi ức đeo đuổi hoài hoài, ngay từ bé: mình
là
thứ trôi sông lạc chợ (a misfit). Xấu hổ trần ai. Tôi luôn luôn bức xức
về liên
hệ của mình với người khác, như thể lúc nào cũng muốn được như họ, hoặc
Hồi
giáo/Ai Cập, hoặc Hồi giáo/Palestinian. Và tôi luôn luôn có cảm giác
(mình)
hoàn toàn không đúng. Cuốn sách tới của tôi có tên là "Không Hoàn Toàn
Đúng" (Not Quite Right). Tôi luôn luôn nghĩ rằng, mình có đây là để trả
giá cái điều đó (I was being made to pay for it), cách này hoặc cái
khác.
Tôi
quên không thêm vô một yếu tố quan trọng: tôi luôn học,
trường Anh hoặc trường Pháp. Thành thử ngoài vấn nạn căn cước Arab, còn
chuyện
do học hành mà ra. Vào cái tuổi mười ba, mười bốn, có thể nói là tôi
biết mọi
điều về lịch sử Anh, hay Pháp. Nhưng tôi chẳng biết gì về nơi tôi đang
sống. Đó
là phong cách học (style of education). Đây là một sự mất thoải mái
thường
xuyên. Gia đình tôi khu trục nó, bằng cách tạo vỏ bọc chung quanh chúng
tôi.
Chúng tôi khác biệt nhau một cách không bình thường, và chúng tôi - bốn
chị em
và tôi - mỗi đứa có những loại quà khác nhau. Hậu quả là chúng tôi sống
trong
một thế giới giả đò (a make-believe world), và thế giới này không có
liên hệ gì
tới: a/ thực tại, b/ lịch sử và thực tế nơi chốn mà chúng tôi đang sống.
Wachtel:
Nói chung là ông không hòa đồng được với một số bạn
bè. Như tôi được biết, khi gia đình ông chạy qua Cairo vào năm 1947,
ông đã
trải qua vài tháng tại một ngôi trường có tên là "Eton của Trung
Đông", dành cho con nhà quyền quí, trong đó có ông vua tương lai của
Jordan, King of Hussein, và tài tử Omar Sharif.
Said:
Vào thời học chung, tôi không biết anh sẽ là một tài
tử nổi tiếng. Anh là đầu đàn trong trường, lớn hơn tôi bốn hoặc năm
tuổi, và
thường chỉ chơi với đám nhỏ như tôi. Học sinh ở đây được phép có thầy
riêng. Và
bị đòn không ít. Ngày đầu tiên tôi đã bị đòn vì nói chuyện trong lúc
cầu
nguyện. Thầy toàn người Anh, họ đều tỏ ra khinh bỉ học trò như tụi tôi.
Luôn
luôn có chiến tranh giữa hai bên. Đó là những ngày cuối cùng người Anh
còn hiện
diện tại Ai Cập, thành thử mấy ông thầy coi như họ là những người còn
lại sau
cùng, đại diện cho cả một đế quốc. Nói chung thật không vui vẻ một tí
nào, vài
năm sau (ở đây ghi là vài năm, trong khi câu hỏi, vài tháng. CTND), tôi
bị đá
văng ra khỏi trường.
Wachtel:
Tại sao?
Said:
Thì bị gán cho là hạnh kiểm xấu, thực sự là, luôn gây
rối trong lớp, chọc tức mấy ông thầy. Bây giờ nhìn lại, tôi có cảm
tưởng những
ông thầy là những người lính già mệt mỏi của Đệ Nhị Chiến. Nếu họ quay
lưng về
phía lớp học, là nó biến thành bãi chiến trường - chúng tôi thô bỉ
không thể
tưởng tượng được - và họ chỉ còn một cách lắc đầu. Họ là người Anh
(British),
và không thể hiểu những điều chúng tôi nói bằng tiếng Ả Rập. Một sự
kiện quan
trọng: khi tới nhập học, chúng tôi được phát một tập kỷ yếu, trong đó
là những
luật lệ; luật thứ nhất: tiếng Anh là ngôn ngữ ở trong trường, và nếu
học sinh
bị bắt gặp đang nói tiếng Ả Rập, hay một ngôn ngữ khác, người đó bị
đánh đòn,
hoặc bị nhốt. Bởi vậy chúng tôi nói tiếng Ả Rập là để tấn công thầy
giáo. Ông
già tôi sau đó quyết định, nếu có cố cho tôi trở lại trường Anh, thì
cũng như
không. Thế làø ông tống tôi qua Mỹ, vào một trường thanh giáo chán
không thể
chịu được, ở New England. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy tuyết, vẻ
đẹp của
nó.
Wachtel:
Nhưng trường học là một thảm họa?
Said:
Nó thật kinh khủng. Nhưng do tôi khá khôn, lại học
được, nên họ không thể đuổi. Tôi không nói tên trường, vì nó thật sự
nổi tiếng.
Bạn phải thức dậy vào giờ ma họp chợ (ungodly hour), và làm những
chuyện như
vắt sữa bò, hoặc đủ thứ chuyện
"thánh thiện" khác. Nhưng do tôi đã được cái lò Anh (the English
system) huấn luyện quá kỹ, cho nên mọi thứ đều là trò trẻ con đối với
tôi. Mấy
chuyện còn lại đều quá tệ. Vả chăng, ngay cả ở đó, tôi cảm thấy mình
không hợp
với hệ thốngï. Có thể là do bản chất, tôi không thích nó, hoặc trong
tôi thiếu,
cái gọi là hệ thống. Bởi vậy sau hai năm, tốt nghiệp, với điểm cao
nhất, tôi
vẫn không được ngợi khen hoặc công nhận giá trị. Khi cố hỏi, họ nói tôi
không
hội đủ điều kiện đạo đức. Và tôi chẳng bao giờ tha thứ cho họ về chuyện
coi
thường luật lệ học vấn, do chính họ đặt ra, khi phải đối diện với thành
quả của
tôi.
Wachtel:
Ông coi cuốn "Văn hóa và Chủ nghĩa Đế
Quốc" như một cuốn sách của lưu vong. Như thế, ông đúng là một con
người
mà những quan tâm hiện thời được "kiểm tra một cách chặt chẽ" bởi
cuộc tranh chấp giữa văn hóa từ đó ông được sinh ra, và văn hóa ông
đang sống.
Ông có nghĩ, theo một nghĩa nào đó, chúng ta đều là những kẻ lưu vong
trí thức.
Ông có coi lưu vong là một sự kiện hồ hởi?
Said:
Tôi không biết bất cứ một điều kiện nào khác, để mà
nói ra sự thực với bà. Năm nay tôi 57 tuổi. Năm ngoái tôi trở lại
Palestine,
sau 45 năm xa nó. Đi với vợ con. Chúng tôi có trở lại căn nhà nơi tôi
ra đời.
Thật dễ chịu khi được nhìn lại căn nhà, sau bao năm tháng như thế đó,
nhưng
cũng thật rõ ràng: tôi không thể trở lại. Tôi thực sự không hiểu được
thế nào
là cảm thấy hoàn toàn ở nhà. Tôi cứ giả dụ, như nó là những trái nho
chua chát,
và có lẽ cũng chẳng đáng tìm kiếm làm chi.
Wachtel:
Tôi nghĩ là, ngay từ khởi thuỷ, ông đã cố tách rời,
văn chương và chính trị. Một bên là nghiên cứu văn học Anh theo lối
trường lớp,
và một bên là những quan tâm chính trị của ông. Tôi nghĩ, ông có một
cuộc sống
rất là "schizophrenic" (thần kinh bại liệt), như ông đã từng gọi. Làm
cách nào, ông kiếm ra con đường để nối kết những điều ông quan tâm?
Said:
Sự kiện (cần nói ra là), chúng ta sống trong thế giới.
Đây là vấn đề thời-cơ (time and right event). Trong trường hợp của tôi,
đó là
Cuộc Chiến 1967. Lúc đó, tôi là một bậc mô phạm gương mẫu; tôi làm toàn
những
điều phải, điều đúng - học trung học, đại học, lấy bằng Ph. D., có việc
làm,
tạo môi trường bạn bè, có sách xuất bản - và rồi 1967: thế giới mà tôi
biết đó
vỡ vụn ra. Thêm nhiều phần đất Palestine, phải nói là phần còn lại của
Palestine, bị Do Thái tước đoạt - West Bank, và Gaza - và bất thình
lình, tôi
cảm thấy mình bị cuốn hút vào khu vực này. Tôi chưa từng dậy môn văn
chương
Trung Đông - Tôi có dậy vài cuốn sách Ả Rập, qua bản dịch, nhưng cơ bản
mà nói,
mọi sáng tác của tôi là về văn chương Tây-phương. Thế là tôi bắt đầu tự
làm
quen với chính mình, với cái phần đời bị đàn áp, hủy diệt, tức phần
lịch sử đời
tôi như là một người Ả Rập. Tôi làm được vài chuyện. Tôi đi Trung Đông
khá
thường xuyên. Lấy vợ ở đó. Một người đàn bà Trung Đông. Và lần thứ nhất
trong
đời, tôi lo học, nghiên cứu một cách hệ thống ngữ văn (philology) Ả
Rập, và
những tác giả cổ điển thuộc truyền thống Ả Rập. Vào thời điểm này, lực
lượng
Palestine đụng độ nặng nề với những người Jordanians. Bởi vì phần lớn
gia đình
tôi sống ở Jordan, tôi tới viếng thăm bà con ở Amman vào năm 1970. Ở
đó, tôi
gặp một số bạn bè cùng học trung học, người Palestine, họ đã trở về và
gia nhập
lực lượng. Thật là một cú sốc đối với tôi. Và cứ thế tôi càng ngày càng
dính
líu tới phong trào, khi nó chuyển tới Beirut (thời gian những năm 1970,
gia
đình tôi ở đó). Tôi ngày càng quan tâm tới những vấn đề chính trị trong
cuộc
chiến đấu của người Palestine. Lẽ tự nhiên, trong đó có cả quan tâm tới
những
giải pháp cho nỗi đau bị tước đoạt, lưu vong, cuộc chiến chính trị cho
nhân
quyền, chiến đấu để nói lên điều không thể nói lên được. Tất cả mớ bòng
bong,
và rồi cuốn sách của tôi, Orientalism, đã thoát thai từ kinh nghiệm đó.
Wachtel:
"Chủ nghĩa Đông-phương" là một trong
những cuốn tạo ảnh hưởng nhất của ông. Trong đó, ông đưa ra vấn đề:
những người
Ả Rập hay thế giới Đông-phương đã được tiêu biểu như thế nào, trong và
bởi,
những người Tây-phương. Cơ bản mà nói: nó đã được tiêu biểu sai
(misrepresented).
Said:
Có tiêu biểu là có là sai lạc, hoặc thế này hoặc thế
khác. Nhưng trong "Chủ nghĩa Đông-phương", tôi khẳng định một điều
rằng: những quan tâm trong việc tiêu biểu hóa Đông-phương qua cái nhìn
Tây-phương, đều nằm trong sự kiểm soát của đế quốc, và đây là những
"đặc
quyền" của nó. Tôi cố gắng chứng tỏ: cuộc xâm lăng Đông-phương, bắt đầu
với Nã Phá Luân, vào cuối thế kỷ 18, và tiếp tục khi Anh và Pháp cứ thế
ăn sâu
vào Đông phương, nó đã tạo nên mầu sắc, và hình dáng cho cái gọi là
tiêu biểu
hóa Đông-phương bằng cái nhìn Tây-phương. Điều này chẳng mắc mớ gì tới
cách
giải thích, vào thế kỷ 19, của đa số những nhà khoa bảng chuyên nghiên
cứu về
Đông-phương - đặc biệt là những giáo sư người Đức, cũng có cả những
giáo sư
người Anh, và Pháp. Theo họ, nó (sự tiêu biểu, cái nhìn Đông-phương bởi
Tây-phương) mang tính khách quan, và khoa học. Thực sự, đây là vận hành
của
quyền lực, và kiểm soát thường xuyên, liên tục đám dân mà họ cố gắng
cai trị.
Wachtel:
Những những hình ảnh - những biếm họa (caricatures)
của một Đông-phương không thể nào chiếu giọi, một phương Đông huyền bí,
tính
quỉ ma, sự ghê rợn của thế giới Ả Rập - tại sao chúng "cần thiết được
tạo
ra"?
Said:
Tôi nghĩ, ở đây sự ngu dốt, thiếu hiểu biết đã đóng
một vai trò lớn lao. Đã có một sự thù nghịch, và nó ngăn cản điều mà
tôi gọi là
sự trao đổi bình thường giữa những văn hóa. Một trong những điều thực
sự quái
lạ, đó là có một sự liên tục bướng bỉnh, ngu đần giữa những cái nhìn
Âu-châu về
Hồi Giáo ở thế kỷ 12, và những cái nhìn Âu-châu về Hồi Giáo của thế kỷ
18, 19,
và 20: chúng cứ thế, không thay đổi. Trước hết, tôi khẳng định: không
có một
Đạo Hồi, Islam, thuần nhất, và giản dị. Có rất nhiều tín đồ Hồi giáo
(Muslims)
và rất nhiều cách để giải thích Đạo Hồi (Islam) - đây là chủ đề một
cuốn sách
khác nhan đề là "Covering Islam" (Tạm dịch: "Theo dõi Hồi
giáo"). Có một khuynh hướng, luôn luôn muốn đồng hóa, gói tròn cái
khác,
một điều gì đó, do ngu dốt, một phần; ngoài ra còn do sợ hãi, bởi vì
những đạo
quân Ả Rập đã tiến vào Âu-châu, và bị đánh bại ở thế kỷ 14, và 15.
Thành thử ý
nghĩa này đã có từ lâu rồi. Thứ nữa, lẽ dĩ nhiên, còn bộ ba tín ngưỡng
nhất
thần: Đạo Hồi là sau chót, trong ba tín ngưỡng nhất thần lớn (hai đạo
kia là
Do-thái giáo và Ky-tô giáo). Theo một nghĩa nào đó, sự liên hệ gần gũi
giữa
người Ả Rập, thế giới Hồi-giáo với Âu-châu đã phát sinh từ một điều khó
chịu,
mất thoải mái. Thật dễ hiểu: con người, khi đứng trước dị biệt, thường
miêu tả
cái đó nguy hiểm, cái đó đáng sợ, cuối cùng giản đơn nó về một vài bản
kẽm có
sẵn.
Điều
này thực đáng sợ. Rằng trọn lịch sử tạo thành
Đông-phương đang được giảm trừ, cho nên, bây giờ, trong báo chí
Tây-phương, thí
dụ vậy, những gì mà người đọc về Đạo Hồi, về thế giới Ả Rập, đã được
tối giản
một cách ghê sợ, và được hóa trang, giả mạo, như là lịch sử của hai
hoặc ba trăm
năm liên hệ gần gũi giữa những người Âu-châu, và về một mức độ nào đó,
những
người Mỹ, một bên, và bên kia, là những người Ả Rập và những người Hồi
giáo.
Như thể cả hai luôn ở trong thế đối diện, ở giữa họ là con mương rộng
lớn, và
cứ thế đôi bên ném đồ ăn hư thối vào nhau.
Watchtel:
Chuyện này không thể thay đổi?
Said:
Không. Và ngày càng tệ. Khi có khủng hoảng, như Cuộc
Chiến Vùng Vịnh, và trên cái nền "chuyện thường ngày ở huyện" của
giới truyền thông báo chí Mỹ, những bản kẽm như trên ngày càng trở nên
hết hấp
dẫn, mất đi dần sự tha thứ, tính xác thực của chúng. Càng ngày, chúng
càng
không đáp ứng thực tại có thể chấp nhận được, mang tính nhân bản. Đạo
Hồi ở
Tây-phương là nguyên mẫu sắc tộc, văn hóa cuối cùng có thể chấp nhận
được; bạn
có thể rũ bỏ mà không cần nghĩ làm như vậy là sai, hay phải lo ngại, sợ
hãi.
Wachtel:
Tại sao ông lại nghĩ nó là như vậy?
Said:
Có nhiều lý do, nhưng tôi nghĩ nguyên nhân chính là
không có sự ngăn ngừa. Không một người phương Tây, hay nói như thế này,
không
một người Bắc Mỹ nào hiểu biết nhiều về thế giới Hồi giáo. Nó ở ngoài
kia, nó
chủ yếu là sa mạc, (ở đó có) rất nhiều cừu, lạc đà, những con người
miệng ngậm
dao, những tên khủng bố, vv... Gia tài văn hóa, những cuốn tiểu thuyết,
và
những cuốn sách khác xuất hiện bằng tiếng Anh không hề quan tâm, để ý
tới nó.
Chẳng có gì ngăn chặn người ta ở đây nói điều họ mong muốn. Về mặt
khác, những
người Ả Rập và những người Hồi giáo không thực sự hiểu những phương
thức chính
trị về biểu thị văn hóa ở Tây Phương. Hầu hết những chế độ ở trong thế
giới Ả
Rập lại mang tính độc tài cơ bản, rất không được lòng dân, những chế độ
thiểu
số hoặc loại này hoặc loại khác; họ không quan tâm khi nói bất cứ một
điều gì
về chính họ, bởi vì như vậy là bắt buộc chường mặt ra để biện minh, về
những
chỉ trích. Những huyền thoại về Mỹ Châu, và Tây Phương trong thế giới Ả
Rập đã
được bản kẽm hóa, tất cả những người Mỹ đều quá ám ảnh bởi sex, họ có
cẳng dài,
họ ăn rất nhiều. Hậu quả là, nơi đúng ra có con người, lại chỉ thấy
trống
không, nơi đúng ra có trao đổi, đối thoại, cảm thông, lại chỉ có một
thứ
không-trao đổi tệ hại.
Wachtel:
Một trong những mâu thuẫn bề ngoài, phức tạp của
đời ông, đó là: mặc dù là thành viên chính quyền-lưu vong Palestine,
một quán
quân trong vấn đề giải phóng Palestine, ông lại tỏ ra không thoải mái
với chủ
nghĩa quốc gia.
Said:
Chủ nghĩa quốc gia thật dễ thoái hoá, biến thành chủ
nghĩa sô vanh (chauvinism). Khi bạn bị tấn công ba bề bốn bên, nhất là
trong
những phong trào như của người Palestine, khi mà chúng tôi không thực
sự có
nhiều bạn bè; nó dễ trở thành co cụm, và coi tất cả mọi người không suy
nghĩ
như nó, đều là kẻ thù. Đây là trường hợp đối với những người Palestine
sống
trong thế giới Ả Rập. Thật quá dễ hiểu. Đã có một thời, là một người
Palestine
là một điều thực phong nhã, cao cả. Nhưng thế giới Ả Rập ngày càng bị
thu hẹp,
giản trừ, cùng với nó là nghèo đói, kinh tế, xã hội phân hóa. Mọi người
quá mệt
mỏi vì cuộc chiến đấu kéo dài quá lâu. Lại thêm vấn đề nghi ngờ lẫn
nhau. Cứ
thế họ càng trở nên co cụm thành những nhóm nhỏ, đồng nhất, tin tưởng
nhau. Hãy
nhìn chuyện xẩy ra ở Nam Tư, nơi vốn được coi là một nhà nước đa văn
hóa, đa
ngôn ngữ; nó đã thoái hóa đưa đến thanh lọc chủng tộc (ethnic
cleansing). Cũng
chuyện như thế xẩy ra ở Lebanon, nơi một xã hội đa nguyên (pluralistic
society), với những người Ky-tô và Hồi, cuối cùng đã trở thành một cuộc
tắm máu
hàng ngày, vì cái điều được gọi là tấm căn cước, như người ta thường
gọi tại
đây. Nếu bạn bị hỏi căn cước, và nếu bạn có một cái tên sai, một tôn
giáo lầm,
bạn sẽ bị bắn, hoặc bị cắt cổ.
Tôi
sợ rằng, những chuyện không vui về chủ nghĩa quốc gia
cũng đang ló diện tại những xã hội như Hoa Kỳ, và có thể ở Canada cũng
vậy.
Những cộng đồng sắc tộc khác nhau đang cảm thấy vấn đề làm thế nào để
bảo tồn,
gìn giữ căn cước của riêng họ, chống lại sự tấn công của những kẻ khác.
Chính
trị căn cước biến thành chính trị phân biệt, và người ta cứ thế lui vào
pháo
đài. Tôi có cảm tưởng quái đản là "một người nào đó" đang khoái
chuyện này, thường là những người ở trên cao, vốn thích chuyện giựt dây
những
cộng đồng, khiến họ chống đối lẫn nhau. Nó cổ điển, và là luật chia để
trị của
đế quốc. Thí dụ như ở Ấn Độ, bạn có trong tay người Sikhs, người
Muslims, người
Hindus phụ thuộc vào bạn, và nghi ngờ những người ái quốc. Đó là tất cả
cái
phần gọi là tiến trình của chủ nghĩa quốc gia. Về điều này, tôi tự cảm
thấy
chẳng vui vẻ một chút nào hết.
Wachtel:
Như vậy là những chuyện quá đa đoan phức tạp đã
khiến cho ông ở vào thế đi trên dây, bởi vì ông phải bước hai bên,
không chỉ về
chính trị, mà còn theo kiểu, của một kẻ đánh động, đưa ra những giải
pháp cho
chủ nghĩa đa văn hóa, và kinh điển văn học (the literary canon). Một
mặt ông hô
hào chuyện cởi trói (opening things up), một mặt ông bảo vệ qui tắc văn
chương,
kinh điển văn học.
Said:
Tôi bảo vệ điều mà tôi gọi là tác phẩm tốt (good
work). Nguyên tắc chính của tôi khi đánh giá một cuốn tiểu thuyết, một
bài thơ,
hay một vở kịch, không liên quan gì tới căn cước cá nhân người viết ra
tác
phẩm. Căn cước cá nhân, cũng thú vị đấy, nếu biết được, nhưng đây không
phải là
giải pháp chính cho vấn đề. Một cá nhân "may mắn" thuộc loại có mầu
da "đúng", có giới tính "được", có quốc gia
"ngon", như vậy không có nghĩa là tác phẩm của người đó tốt, tuyệt.
Có lẽ bà đã nghe nói về Hanan Ashrawi, một phụ nữ Palestine, phát ngôn
viên của
Phong Trào Giải Phóng Palestine, PLO. Bà là một sinh viên của tôi, và
đã có
viết một luận án văn chương về West Bank dưới sự chiếm đóng. Bà đã nhận
ra một
điều, là một người Palestine, và viết về (cái việc) bị chiếm đóng, bị
thống
trị, như vậy không có nghĩa là sáng tác ra được một bài thơ hay, hoặc
một cuốn
tiểu thuyết tốt. Đấy là vấn đề, và nó thật quan trọng.
Tôi
không nói, như thế là không chủ quan. Phải rất chủ quan,
nếu quyết tâm viết ra một tác phẩm tốt. Tôi thường đụng hoài với những
người
nói về khách quan tính, nhất là trong giới truyền thông. Bởi vì hiển
nhiên, mọi
chuyện trên đời đặt trên cái nền diễn giải mang tính chủ quan. Theo một
nghĩa
nào đó, khi nói về phẩm chất là nói về chủ quan tính. Không ai có thể
nói cho
bạn, rằng cuốn sách này lớn lao, vĩ đại, "bạn phải tin như vậy, bởi vì
tôi
nói ra điều này". Đây là vấn đề của tra hỏi, nghiên cứu. Theo tôi, một
cuốn sách hay đòi hỏi một cái đọc kỹ, đọc đi đọc lại, cứ mỗi lần đọc
lại có
thêm thú vị, hoặc là do nó mở rộng phần ý thức, tăng khiếu thưởng
ngoạn, cảm
tính hay gì gì đi nữa, một tác phẩm kém không đạt được như vậy. Chúng
ta ai
cũng có kinh nghiệm này. Bạn đọc một cuốn tiểu thuyết của Danielle
Steel - như
tôi thường đọc - bạn đâu cần phải đọc lại, nhưng nếu bạn đọc một cuốn
của
Dickens, bạn muốn trở lại với nó.
Wachtel:
Ông có trích dẫn Walter Benjamin: Mọi tài liệu về
văn minh đều là một tài liệu về dã man. Một cách nào đó, cuốn "Văn hóa
và
Chủ nghĩa Đế quốc" là bàn về vấn đề này.
Said:
Đúng như vậy. Một tác phẩm lớn lao không có nghĩa là
nó tất yếu ngây thơ, vô tội, hoặc nó chẳng mắc mớ gì đến điều thô bỉ,
tởm lợm.
Khi "Văn hóa và Chủ nghĩa Đế quốc" của tôi xuất hiện tại Anh, thế là
có một trận bão phê bình điểm sách nổi lên. Rất nhiều người trong số đó
cho
rằng họ bị sỉ nhục, rằng một tác giả thánh thiện như Jane Austen thì có
liên
can gì tới đế quốc, nô lệ, mặc dù cái điều này không phải là tôi bịa
đặt ra mà
chính bà đã nói tới. Tôi không nói là bà kém tài văn đi, là vì điều
này. Tôi
chỉ muốn nói là tất cả những tác phẩm nghệ thuật cũng giống như con
người đều
mắc míu tới cái gọi là kém hấp dẫn, dã man, hoặc lúc này lúc khác, chỗ
này chỗ
nọ. Điều này thật dễ nhận ra trong những tác phẩm thuộc loại qui chuẩn
của thế
kỷ 19 tại Âu-châu. Chúng ta đều bị vướng vào chuyện nô lệ, đế quốc qua
những gì
được nói về chúng. Tôi không tin đây là chuyệïn khó hiểu. Câu hỏi đặt
ra là:
một khi bạn nhận ra điều này, bạn làm gì với nó? Bạn muốn đè bẹp nó,
hay là bạn
cho rằng có gì đâu mà phải quan tâm, để ý.
Wachtel:
Ông nói, ông không muốn là một người khắt khe,
nhưng ông lại tránh đọc văn chương cổ điển, theo nghĩa chúng là những
tác phẩm
tuyên truyền cho thực dân thuộc địa?
Said:
Tôi không đọc chúng theo cách đó. Trong cuốn sách, tôi
nói, thật lầm lẫn nếu giản trừ những tác phẩm cổ điển như thế, vào một
bảng
danh sách dài những trường hợp này nọ, của chủ nghĩa đế quốc. Hoặc nói
đây là
những tác phẩm mang tính đế quốc. Chúng đâu phải như thế. Chúng là một
phần của
văn hóa đế quốc, và một phần của tiến trình - như những lý thuyết gia
về đế
quốc thường nói - liên can tới không chỉ những hành xử ghê tởm nhất
nhưng còn
tới vài sắc thái tốt đẹp nhất của một xã hội. Rất nhiều người thật sáng
chói đã
liên can tới đế quốc: những nghệ sĩ lớn, như Delacroix; những nhà văn
lớn, như
Flaubert. Lẽ dĩ nhiên, trong mỗi trường hợp, bản chất, mức độ liên can
khác
biệt nhau, và cách nhìn của họ thật là khác biệt. Họ chẳng có gì là như
nhau,
và đây là lý do tại sao có rất nhiều nghiên cứu tìm hiểu, trong những
cuốn sách
của tôi, trong cả hai cuốn "Văn hóa và Chủ nghĩa Đế quốc" và
"Chủ nghĩa Đông-phương". Tôi không cố gắng chứng tỏ: họ đều là đế
quốc, nhưng mà là: họ đưa ra những cái nhìn khác nhau về thế giới đế
quốc,
trong những tác phẩm của họ. Họ chi li, chau truốt nó, đem đến cho nó
một vài
loại cảm giác, sự thích thú; như Kipling đã làm với (tác phẩm) Kim, thí
dụ vậy.
Wachtel:
Ông còn đưa ra một nhận định rất khó nắm bắt, theo
đó, tiểu thuyết và sự tạo thành đế quốc đã mắc míu với nhau, không thể
nào gỡ
ra được; rằng tiểu thuyết không giản dị chỉ là phản ảnh điều gì đang
xẩy ra,
nhưng chủ nghĩa đế quốc và tiểu thuyết, một cách nào đó, đã hỗ trợ lẫn
nhau.
Said:
Đây là một nhận định khá xa vời, nhưng tôi nghĩ, nó
thực.
Wachtel:
Làm sao chúng hỗ trợ cho nhau?
Said:
Cuốn tiểu thuyết Anh có giá đầu tiên là "Lỗ Bình
Sơn phiêu lưu ký (Robinson Crusoe)". Và "Robinson Crusoe" sẽ
không thể hiểu được nếu thiếu cuộc truy tìm săn đuổi mang tính đế quốc.
Lỗ Bình
Sơn rời Anh quốc, bị đắm tầu, thấy mình ở trên hoang đảo, và chỉ trong
vài
ngày, vài trăm trang tiểu thuyết, anh ta trở thành ông chủ tất cả những
gì
quanh anh ta. Và sau đó, bạn nhận ra một điều là, những gì hoang đảo đã
làm cho
anh ta, cho phép anh ta tạo dựng một thế giới riêng của mình. Nói một
cách
khác, chủ nghĩa đế quốc, như ở mức độ như thế, đã liên hợp với một
phương hướng
sáng tạo nào đó. Sau này, vào cuối thế kỷ 19, John Seely nói, rằng sự
kiện
trung tâm Anh Quốc, sự kiện trung tâm văn hóa Anh, căn cước Anh, nó là:
bành
trướng. Điều này không đúng, đối với mọi xã hội. Nhận định của tôi là:
trong
thế kỷ 19 và 20, Anh quốc, tự thân nó, đã là một cái gì thật độc đáo. Ý
nghĩ
thật lạ đời: bạn đang ngồi ở London - hãy giả dụ bạn có một căn phòng
nho nhỏ ở
Hampstead - và buổi sáng, thức dậy, bạn nói: "Ta kiểm tra cuộc sống của
hàng trăm con người", bởi vì mỗi một người Anh kiểm tra một trăm, hoặc
trăm rưởi con người khác, nếu so dân số Anh và dân số Ấn- độ, nơi họ
chiếm đóng
trên ba trăm năm năm. Sự kiện đó, cộng thêm sự kiện này: chưa có một xã
hội Tây
phương nào giữ được tính cha chú (kiểm tra, chiếm đóng) liên tục như
thế, trong
truyền thống đế quốc, ngoài Anh quốc ra. Và sự liên tục không bị bẻ gẫy
này còn
là của chuyện viết văn, viết tiểu thuyết. Không có tiểu thuyết Ý trước
1860,
hay 1870. Không có tiểu thuyết Đức, cho mãi đến sau 1870. Với một vài
ngoại lệ,
không có tiểu thuyết Tây-ban-nha, ở thế kỷ 19. Tôi đang nói về sự liên
tục.
Theo hầu hết các nhà sử gia, tiểu thuyết Anh bắt đầu với những người
như Defoe
vào ngay đầu thế kỷ 18 và cứ thế tiếp tục, không gẫy
khúc, qua thế kỷ 18, 19 và 20.
Wachtel:
Nhưng như vậy là ông đặt nặng vấn đề nhân quả
(causality), trong khi ở đây, chỉ là vấn đề đồng thời (synchronicity)?
Said:
Không, tôi không nói về nhân quả, mà về đồng hành
(accompaniment). Tất cả những tiểu thuyết gia lớn của thế kỷ 19 đều
nhắc nhở
tới những sự kiện chiếm đóng thuộc địa, thí dụ như di dân tới những nơi
chốn
như là Úc, Hoa Kỳ hay Phi Châu. Cũng như vậy, tuy ở mức độ thấp hơn, là
Pháp.
Nhận định của tôi là như thế này: Sự kiện chiếm đóng thuộc địa đã tác
động lên
trí tưởng tượng, gây hứng khởi, và là một phần trong cấu tạo căn cước
cá nhân.
Hầu hết tiểu thuyết thực sự chỉ là sáng tạo ra một căn cước giả tưởng,
tôi là
ai? Thí dụ, tôi là Pip, trong "Great Expectations" ("Hoài Bão
Lớn", tác phẩm của Dickens, CTND), hay là Tom Jones, đứa con hoang.
Người
ta thấy anh ta ở trên giường, ở ngay đầu cuốn truyện; tới cuối truyện,
chúng ta
biết anh ta là ai. Tiểu thuyết thực ra chỉ là một dạng tích tụ văn hóa,
và tiện
nghi hóa, làm sao cho cái tôi được thoải mái, dễ thở trong xã hội. Một phần của tiến trình này đó là: cái tôi bị
vướng víu với những mục tiêu mang tính đế quốc. Trong trường hợp
Mansfield Park
của Jane Austen, thí dụ vậy, đồn điền nô lệ mà Sir Thomas Bertram sở
hữu ở
Antigua đã được sử dụng như túi bạc bảo
đảm cuộc sống ở Mansfield Park, Anh quốc. Điều tôi gọi là dự phóng hoá,
ở trong
giả tưởng, trong cách tự sự, nó giả dụ rằng Anh quốc đã dính chặt với
những
thuộc địa ở hải ngoại theo nhiều đường hướng khác nhau. Nhưng chúng ta
không
nhai đi nhai lại mãi cùng một điều, bởi vì mỗi cuốn tiểu thuyết là mỗi
chút
khác biệt.
Wachtel:
Liệu có thể bị coi là quá ngây thơ khi coi: cốt
truyện nó phải như vậy?
Said:
Đâu có gì là ngây thơ: nó chính là cốt truyện. Nhưng
tại sao cốt truyện đó mà không phải cốt truyện khác? Mọi cuốn tiểu
thuyết liên
quan tới chuyện chọn lựa, một phần của nhà văn, và của sự kiện, rằng đó
là một
đề tài sẵn có trong tầm tay; phần khác thuộc về tài sản trí thức, tình
cảm,
tưởng tượng, của người Anh. Nếu bạn đọc một cuốn tiểu thuyết Đức, sẽ
khác hẳn.
Sẽ chẳng có bàn vềà những vùng đất, lãnh thỗ của chúng ta, và chúng ta
không
thể đi Ấn-độ. Nó (Ấn-độ) có một chức năng khác hẳn: một chủ nghĩa hương
xa
(exoticism), đại khái như vậy. Trong khi ở Anh quốc, nó là một nơi chốn
người
ta có thể đi tới, bởi vì chúng ta ở đó, thí dụ như trong "Đường qua
Ấn-độ,
A Passage to India" (tác giả E.M. Forster, CTND); Kim, hay trong vài
tác
phẩm của Conrad. Anh quốc là tất cả mọi nơi, nói theo nghĩa đen. Bạn cứ
thử
nghĩ về nó, một phút thôi: rõ ràng là người Anh gần như chỗ nào cũng
có. Vào
thời kỳ 1918, một nhóm nhỏ những quyền lực Âu-châu đã ngự trị, chiếm
đóng 85%
thế giới. Cái điều giản dị, tự nhiên - chiếm đóng, sở hữu, vốn chỉ là
một kinh
nghiệm lịch sử - biến thành kinh nghiệm cho trí tưởng tượng
(imaginative
experience), bạn thấy không? Tôi tin nó là như vậy, nó có đó, và bạn
làm gì với
nó?
Wachtel:
Ông làm gì với nó?
Said:
Tôi nghĩ bạn phải coi đây là một phần của một điều gì
lớn lao hơn nhiều. Ý của tôi là: kinh nghiệm này một phần do việc đọc
tiểu
thuyết Anh. Tôi không nói phần quan trọng nhất, nhưng nó là một phần
quan
trọng. Người ta còn phải nhớ - nhiều người không nhận ra - một điều là:
những
nơi chốn được Jane Austen hay Kipling nhắc tới, có một lịch sử vượt ra
ngoài
vai trò của nó ở trong tiểu thuyết. Vào năm 1814, khi cuốn "(Công viên)
Mansfield Park" được xuất bản, Antigua là một thuộc địa đồn điền của
Anh
quốc, hầu hết những người đọc nó nói, thì nó như vậy, đúng rồi. Nhưng
sự kiện
(cần nói ở đây là), kinh nghiệm (về một trú sở, nơi chốn được nhắc tới,
như ở
trong tiểu thuyết) vẫn tiếp tục, và Antigua đã được giải phóng, trở
thành độc
lập.
Đã
có trọn một nền văn chương thoát thai từ vùng Caribbean,
được viết bởi những người như V.S. Naipaul hay George Lamming và cả một
trường
nhà văn Caribbean; họ nhìn kinh nghiệm đế quốc trong lịch sử của vùng
đất này -
như là thuộc địa nô lệ - khác hẳn cái nhìn của Jane Austen.
Điều
tôi đang nói: cách thích thú nhất, đầy đủ nhất, để đọc
những người như Jane Austen hay sau đó, Kipling - những người viết về
Ấn-độ -
đó là không coi họ chỉ như tác giả những tiểu thuyết Anh mà còn như
những tác
giả khác từ đó mà ra. Bạn có thể đọc họ theo kiểu đối âm
(contrapuntally), nếu
phải sử dụng một ẩn dụ của âm nhạc. Họ cũng vẫn bàn về cùng một đề tài,
cùng
một lịch sử, nhưng từ quan điểm khác biệt. Khi bạn đọc họ theo cách đó,
bạn có
cảm tưởng về tính tương thuộc (interdependence) của những nền văn
chương vốn
được coi như phải cách ly lẫn nhau. Không có điều gì thú vị hơn, hứng
khởi hơn
(nếu đọc theo kiểu đó). Bởi vì nó cho bạn chạm tới một cách viết lớn.
Nó cho
bạn cảm tưởng, đây là một cuộc thi (contest), và rất nhiều nền văn
chương cùng
tham gia trong một cuộc chiến đấu về một lãnh thổ, một vùng đất mang
tính hình
tượng hay có thực. Nó còn cho bạn chạm tới những ý tưởng giải phóng con
người,
rằng con người không thể nào chịu đựng được, trong một thời gian quá
dài, chủ
nghĩa thuộc địa. Tôi chắc chắn một điều, những người đọc Jane Austen,
biết rất
ít, chuyện gì xẩy ra tại một nơi mà Sir Thomas Bertram đã tới đó. Tác
giả đâu
có nói chi nhiều về nơi chốn đó, bởi vì bà cũng chẳng biết chuyện chi
xẩy ra:
nó chỉ là một nơi bạn đến đó lượm bạc rồi trở lại Anh quốc. Bạn đi, và
nếu có
một cuộc nổi loạn của nô lệ, như ở trong tiểu thuyết, bạn "thanh
toán" (fix) nó, rồi trở về Anh.
Wachtel:
Có vẻ như những tiểu thuyết gia thời Victoria đã
tiếp cận chủ nghĩa đế quốc theo cùng một kiểu, nếu nói về mưu đồ, cốt
truyện.
Said:
Đúng như vậy. Nhưng quan điểm của tôi, ở ngay đầu cuốn
"Văn hóa và Chủ nghĩa Đế quốc", đó là thế giới bây giờ đã thay đổi.
Chẳng còn chuyện, những người Ấn-độ ở Ấn, Những người Anh ở Anh, và du
lịch
lòng vòng. Hầu hết những xứ sở Âu-châu ngày nay không còn là những xứ
sở thuần
nhất, hoàn toàn được tạo nên bởi giống trắng. Có một cộng đồng lớn
người Ấn-độ
ở Anh, cộng đồng rất lớn người Bắc Phi Hồi-giáo ở Pháp, ở Đức,
Thụy-điển, Ý và
cứ như thế... Thế giới đã được pha trộn (mixed) rất nhiều. Tại sao có
người Bắc
Phi ở Pháp? Phần lớn, là do Pháp là ông chủ thuộc địa ngày xưa, và khi
những
người này phải bỏ nhà bỏ cửa vì nạn cướp phá, họ chọn Pháp là nơi tới;
họ là
dân nói tiếng Pháp. Trường hợp được coi là đơn tính (unilateral) ở thế
kỷ 19
không còn nữa. Có những nhà phê bình viết bằng tiếng Anh, nhưng không
phải là
người Anh. Khi Conrad viết "Giữa Lòng Đen, Heart of Darkness", ông
tin rằng - và điều này hiển nhiên sai, nhưng không thể chê trách ông
được, bởi
vì do lệch lạc thời gian (the bias of time) - không
một người Phi-châu nào có thể đọc nó; rằng ông
viết cho những
người Anh. Sự kiện là, những người Phi Châu bây giờ đã đọc "Giữa Lòng
Đen", và họ nhìn nó khác hẳn những người da trắng đồng thời với Conrad,
vào thập niên 1900, và cái đọc của họ trở thành một yếu tố của cuốn
tiểu
thuyết. Như vậy là cuốn sách mở ra theo một đường hướng mà ngay cả
những tác
giả của nó như Jane Austen, Dickens hay Conrad, dù nằm mơ cũng không
thể tưởng
tượng ra được. Điều này thật đáng đón nhận bởi vì nó chỉ ra cho bạn
thấy một
mặt mới của tác phẩm, và nó khiến cho bạn nhìn sự vật trước đó bạn
không thể
nào nhìn thấy.
Wachtel:
Đó là lý do tại sao Conrad là một tác giả ruột của
ông?
Said:
Có một điều gì rất "cùng một lứa bên trời lận
đận" (tương đồng, affinity) giữa ông ta và tôi. Bởi vì ông người
Ba-lan,
rời quê hương chừng 16 tuổi, sống một thời gian ở Thụy-sĩ, Pháp; học
tiếng
Pháp, và vào tuổi hai mươi, bắt đầu viết và học tiếng Anh, sống ở Anh,
trở
thành thành viên của Thương Thuyền Anh (British Merchant Navy), đi biển
đâu
chừng 15 năm, rồi định cư ở Anh. Khi là nhà văn, ông chừng 40 tuổi. Ông
luôn là
người Ba-lan, ở bên ngoài cái gọi là vòng tròn Anh, theo một nghĩa nào
đó, nhưng
ông lại viết ra những cuốn tiểu thuyết Anh tuyệt vời. Ông có một thứ
tâm thức
lưu vong kỳ cục. Ông luôn ở bên ngoài bất cứ một hoàn cảnh nào mà ông
viết về
nó, và tôi chia sẻ tâm trạng này với ông. Cách ông nhìn sự vật hoàn
toàn không
giống bất cứ một người nào trong thời kỳ đó. Ông rất thân thiện với
những người
như Henry James và John Galsworthy, họ cũng là những nhà văn tuyệt vời
nhưng
không cho bạn cảm quan kỳ cục, muôn mặt của đổi dời và trên tất cả, chủ
nghĩa
ngần ngại, hồ nghi, đặc biệt là hồ nghi về căn cước và về hiện hữu ổn
định
(settled existence) như Conrad. Conrad là một trong số ít tiểu thuyết
gia viết
bằng tiếng Anh, theo cách của bậc thầy (tuy trong vài trường hợp có thể
phản
bác), về những nơi chốn như Indonesia, Malaysia, Thailand, Phi Châu, và
Nam Mỹ.
Ông ta thực sự là một người theo chủ nghĩa quốc tế (internationalist),
của thời
kỳ đế quốc.
Ông
là một khuôn mặt phức tạp, và tôi không có ý giả dụ, tôi
quan tâm tới ông là do ông chia sẻ cùng một cái nền khá giống nhau.
Hoàn toàn
không phải như vậy. Ông là một tiểu thuyết gia vĩ đại, và có một điều
chi thật
phức tạp, thật xum xuê mầu mỡ, và cũng thật giầu có về ông khiến tôi
phải trở
đi trở lại. Không một người nào nhìn sự vật hoàn toàn giống như cách
ông nhìn.
Còn một tương đồng nữa là, ông viết tiếng Anh như một người nào đó
không phải
là người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ (native-born speaker). Tôi kinh
ngạc
hoài về điều này. Có vẻ như ông không thèm để ý tới cú pháp (syntax).
Cách nhấn
tính từ cũng thật kỳ quặc. Cách viết theo bản năng ở một số điều như
vậy thật
là quá thích thú đối với tôi.
Wachtel:
Còn một nhận định cũng thật khó nắm bắt nữa là: hơn
bất cứ một lý thuyết nào khác như Marxism, giải cấu trúc, hay chủ nghĩa
duy
lịch sử mới (new historicism), chủ nghĩa đế quốc là chân trời chính trị
xác
định chủ chốt (the major determining political horizon) trực diện
(vis-à-vis)
với lý thuyết văn chương.
Said: Ý niệm về một giàn dựng
toàn cầu trong văn chương
thoát thai từ kinh nghiệm đế quốc. Loài người (people) có những đế quốc
toàn
cầu - đế quốc Anh, đế quốc Pháp thực sự đã là như vậy - và bây giờ, ở
thế kỷ
20, Hoa Kỳ đã thành công trong việc đi theo con đường bá quyền của Anh
và Pháp.
Do đó, thật thiếu chín chắn, thiếu nghiêm túc, khi nghiên cứu văn hóa
mà không
tính tới cái chân trời rộng lớn hơn - tôi muốn nói cái giàn toàn cầu ở
trên -
Tất cả những gì tôi đang làm là nói rằng: có một sự nối kết. Tôi không
nói mối
nối này là giản dị, là trực tiếp hay mang tính nhân quả; tôi nói là có
rất
nhiều những liên-kết (inter-connections), những tương thuộc
(inter-dependencies), giữa hai trái cầu. Cho tới nay, chủ nghĩa đế quốc
đã vươn
tới tầm toàn cầu, đang có tầm toàn cầu, như vậy đây là lúc giàn dựng
cho sự gia
nhập của một vài cơ cấu văn chương, một vài cơ cấu và cách hành xử văn
hóa.
|