|
Jorge
Luis Borges: Kafka
và những
người đi
trước ông
Tôi
đã có lần tính làm một nghiên cứu những tiền thân của
Kafka. Thoạt đầu, tôi coi ông một mình trong cõi ngôn từ như loài
phượng hoàng,
nhưng lật vài trang, tôi lại có ý nghĩ, có thể nhận ra giọng nói của
ông, hay
những cung cách, ngón nghề của ông, ở những bản viết từ những dòng văn
chương,
thế này thế khác, thời này thời nọ. Tôi ghi lại một chút ở đây, theo
kiểu biên
niên.
Đầu
tiên là nghịch lý Zenon, chống lại sự chuyển động. Một
vật chuyển động ở A (Aristotle tuyên bố) không thể tới B, bởi vì trước
hết, nó
phải vượt nửa khoảng cách giữa hai điểm, và trước đó, nửa của một nửa,
và trước
đó, nửa của "nửa của một nửa"; cứ như thế cho tới vô cùng; bài toán
này y hệt như trong "Lâu Đài"; và vật chuyển động, mũi tên và
Achilles là những nhân vật Kafka đầu tiên trong văn chương.
Trong
bản viết thứ nhì may mắn sao nằm trước tôi, sự tương
tự không phải ở dạng, mà là giọng kể. Một ẩn dụ của Han Yu, người viết
thơ xuôi
thế kỷ thứ 9, được in lại trong cuốn sách đáng yêu của Margouliès,
Tuyển tập
văn chương Trung-hoa với phần dẫn giải (1948). Huyền hoặc, trầm lắng,
là đoạn
tôi đánh dấu: "Ai cũng thừa nhận kỳ lân là một linh vật mang đến điềm
lành, điều này đã được nói rõ trong mọi cuốn thơ ca, biên niên, tiểu sử
có minh
họa, và nhiều bản viết khác mà uy tín của chúng không cần bàn cãi. Ngay
cả trẻ
con và đàn bà nhà quê cũng biết kỳ lân tạo điềm tốt. Nhưng con vật này
lại
không hề hiện diện giữa đám thú vật nuôi quanh nhà, thật khó thấy, nó
không để
vướng mình vào bảng phân loại. Nó không như con ngựa, con bò, con chó
sói, hay
con nai. Trong những điều kiện như thế, chúng ta có thể đối mặt với kỳ
lân, và
không biết một cách chắc chắn, con gì đây. Chúng ta biết, con vật như
thế đó có
tên là con ngựa, con vật có những cái sừng như vậy là con bò. Nhưng
chúng ta
không biết kỳ lân như thế nào."(1)
Bản
văn thứ ba từ một nguồn dễ dự đoán hơn nhiều: những bài
viết của Kierkegaard. Tinh anh đồng điệu giữa cả hai người viết là một
điều ai
cũng nhận ra. Điều chưa được nói tới, như tôi cho tới lúc này hiểu
được, đó là
sự kiện, Kierkegaard, như Kafka, viết nhiều ngụ ngôn tôn giáo, về những
đề tài
trưởng giả, đương đại. Lowrie, trong cuốn Kierkegaard của ông, (Oxford
University, 1938), đã chuyển ngữ hai trong số đó. Một là câu chuyện một
người
làm bạc giả, dưới sự kiểm soát gắt gao, đếm giấy bạc trong Ngân hàng
Anh; cùng
một đường hướng như vậy, Thượng Đế sẽ không tin tưởng Kierkegaard, và
đã giao
cho ông một nhiệm vụ để hoàn thành, chính bởi vì, Người biết ông ta vốn
thân
quen với cái xấu.
Đề
tài câu chuyện ngụ ngôn kia là về những chuyến thám hiểm
Bắc Cực. Qua giới tăng lữ, những vị trưởng lão Đan Mạch tuyên bố, việc
tham dự
vào những chuyến thám hiểm như thế có lợi cho hạnh phúc đời đời của
linh hồn.
Tuy nhiên họ thừa nhận, thật khó, và có lẽ thật vô phương, tới được
điểm Cực,
và không phải tất cả mọi người, ai cũng có thể đảm nhận cuộc phiêu lưu.
Sau
cùng, họ đi đến thông báo, bất cứ một chuyến đi nào - từ Đan Mạch tới London,
chúng ta cứ nói vậy - trên chuyến tầu chạy theo giờ giấc thường lệ -
đều được
coi là một chuyến thám hiểm Bắc Cực.
Diễn
dịch thứ tư ở đây, tôi tìm thấy trong bài thơ của
Browning, Lo sợ và Ngại ngùng, được xuất bản năm 1876. Một người đàn
ông có,
hoặc anh ta tin tưởng có, một người bạn nổi tiếng. Chẳng bao giờ anh ta
gặp
bạn, sự thể là, cho tới nay, người bạn chưa từng giúp đỡ anh ta, tuy
bao câu
chuyện đã được kể, về những nét quý phái, phong nhã số một của người
bạn, bao
thư từ thực sự của người bạn chạy lòng vòng đâu đó. Rồi có người tỏ ra
nghi ngờ
về những điều này, và những chuyên viên khảo tự tuyên bố, những lá thư
là bịa
đặt. Người đàn ông, trong dòng thơ chót, hỏi: "Và phải chăng, người bạn
này là... Thượng Đế?"
Những
ghi nhận của tôi còn hai câu chuyện. Một là từ Chuyện
không vui (Histoires Déobligeantes), của
Léon Bloy, về một vài người sở hữu đủ thứ trái địa cầu, bản đồ thế
giới, chỉ
dẫn đường xe lửa và những tuyến đường lớn, nhưng chết mà chưa từng toan
tính
một lần rời xa tỉnh nhà. Câu chuyện kia nhan đề "Carcassonne"
và là tác phẩm của Lord Dunsany. Một quân đội bách chiến bách thắng,
gồm những
chiến sĩ, rời tòa lâu đài vô định, chinh phục những vương quốc, nhìn
thấy những
quái vật, vét kiệt những sa mạc, những núi non, nhưng họ chẳng bao giờ
tới được
Carcassonne, mặc dù có lần họ đã thoáng nhìn thấy, từ xa. (Câu chuyện
này, như
người ta dễ dàng nhận ra, là đảo ngược triệt để của câu chuyện trên;
trong câu
chuyện thứ nhất, là thành phố không thể bị bứng khỏi, còn trong chuyện
thứ nhì,
chẳng bao giờ tới được.)
Nếu
tôi không lầm, những mẩu đa dạng tôi vừa kể, giống
Kafka; nếu tôi không lầm, tất cả chúng, chẳng cái nào giống cái nào. Sự
kiện
thứ nhì này có ý nghĩa hơn. Trong từng bản văn, chúng ta nhận thấy,
hoặc nhiều
hoặc ít, phong cách riêng của Kafka, nhưng nếu Kafka chưa từng viết một
dòng,
chúng ta sẽ không nhận ra tính chất này; nói một cách khác, chúng chưa
hề hiện
hữu. Bài thơ "Fears and Scruples" của Browning tiên liệu tác phẩm của
Kafka, nhưng cái đọc Kafka của chúng ta rõ ràng làm sắc bén, và làm sai
lệch
cái đọc bài thơ. Browning đã không đọc nó như bây giờ chúng ta đọc.
Trong tự
vựng của những nhà phê bình, từ "tiền thân" (precursor) không thể
thiếu được, nhưng nên tháo gỡ mọi trò luận chiến hoặc ganh đua. Sự thể
là, mỗi
người viết sáng tạo ra những tiền thân của riêng người đó. Tác phẩm của
anh ta
sửa đổi quan niệm của chúng ta về quá khứ, như là nó sẽ sửa đổi tương
lai.(2)
Trong tương quan này, điều không quan trọng, đó là đặc nét, hay đa nét,
của
những người trong cuộc. Tính tiền thân của những huyền thoại tối tăm và
những
định chế tàn bạo, ở Kafka thời đầu, trong Betrachtung, ít chất Kafka
hơn, nếu
so với Browning và Lord Dunsany.
[Dịch
từ bản Anh ngữ của James E. Irby, trong tập Mê cung,
Labyrinths, nhà xb A New Directions
Book]
Chú
thích của tác giả:
(1).
Sự không thừa nhận những linh vật và cái chết có tính
lăng nhục, hoặc như là tai nạn, của chúng ở nơi tay con người, là những
đề tài
truyền thống của văn chương Trung Hoa. Xin coi chương chót cuốn sách
của Jung,
Tâm lý học và Thuật luyện kim, Psychologie und Alchemie (Zurich,
1944), trong có hai minh họa ngồ ngộ.
(2). Xin coi T. S. Eliot: Quan
điểm, Points of View (1941),
pp. 25-26.
|