jen

Album
1
2
    
  

4
2

NGUYỄN ĐÌNH THUẦN:

THẾ GIỚI CỦA NHỮNG HANG ĐỘNG THẠCH NHŨ. 

Đặng Phú Phong 

Đối với hội họa phương Tây. Wassily Kandinsky (1866-1944) được coi như là người đi đầu của trường phái trừu tượng (abstractionism). Từ ý nghĩ  làm cho những đường nét và màu sắc của mình bật lên tiếng hát đầy ắp xúc cảm, ông đã biến những bức tranh của mình ( rõ rệt nhất là những bức tranh có tên Composition. . .) thành những bản hòa tấu hết sức trữ tình, lãng mạn. Một họa sĩ  trừu tượng khác, Piet Mondrian (1872-1944) thì hầu như toàn bộ những bức tranh nổi danh của ông, đều được vẽ bằng những nét ngang dọc, tạo thành những hình tứ giác, để lại những cảm xúc thật mạnh cho người xem. Còn đối với Jackson Pollock (1912-1956) thì cứ việc rảy, vung màu lên mặt canvas , bất kể hình dạng, để tạo cho đời sống riêng của từng bức tranh. Từ những họa sĩ tiên phong ấy đến nay đã có không biết bao nhiêu họa sĩ Đông, Tây gia nhập vào trường phái trừu tượng. Điều này có thể giải thích được là vì hội họa trừu tượng rất gần gũi với nền triết học và thơ ca phương Đông.  Một bức tranh trừu tượng là một bài thơ, một bản nhạc hay một tư tưởng triết học.  Có thể nói rằng hội họa trừu tượng đã và đang giữ một vai trò chủ yếu của nền mỹ thuật thế giới.

Riêng về hội họa Việt Nam vào cuối thập niên 50 sang đến thập niên 60 là thời kỳ vươn dậy, ào ạt  sáng tác của họa sĩ miền Nam Việt Nam, nhưng hội họa trừu tượng vẫn còn khá xa lạ, mặc dù trước đó có một số ít họa sĩ đã đi vào nhưng chỉ thoáng qua như Nguyễn Gia Trí, Bùi xuân Phái ở miền Bắc. Hội họa Miền Nam thì phải nói đến Hội Họa Sĩ Trẻ, đó là những họa sĩ  có công rất lớn trong việc phổ biến, xiển dương nền hội họa Việt Nam, trong nhóm này có lẽ Đinh Cường, Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Phước, Lê Tài Điển ... là những người đi vào trường phái trừu tượng sớm nhất. Một người không phải ở trong Hội Họa Sĩ Trẻ và cũng đi vào trừu tượng sớm là Lâm Triết. Phải đến gần cuối thập niên 80 các họa sĩ Việt Nam, trong cũng như ngoài nước mới thật sự  mặn mà với hội họa trừu tượng. Nguyễn Đình Thuần là một trong những họa sĩ ở  trường hợp này.  Anh sinh năm 1948 tốt nghiệp Viện Mỹ Thuật Huế năm 1973 và triển lãm tranh cũng trong năm này tại Hội Việt Mỹ Đà Nẵng.

Sau khoảng 10 năm vẽ theo trường phái siêu thực( surrealism) anh đã chuyển hướng qua trừu tượng vào khoảng gần cuối thập niên 80 rồi sáng tác theo trường phái này cho đến nay và đã tạo dựng cho mình một bút pháp riêng biệt.

Có lần khi xem tranh của Nguyễn Đình Thuần sau khi uống vài ly rượu, tôi chợt nhận ra rằng sự thống khoái của mấy ly rượu cọng với không khí của những bức tranh làm cho tôi thích tranh của anh lạ lùng. Không gian trong tranh bây giờ là không gian của kính vạn hoa luôn luôn biến đổi. Sự sống của những bức tranh như đâm chồi, trổi dậy theo chiều cao, trườn chảy ra theo chiều sâu bằng những vết, mảng màu phi hình dạng sáng, tối, đậm đặc và sung mãn.

Cách xử lý màu của Nguyễn Đình Thuần rất mạnh mẽ, nhưng sự  phát tiết ấy được kềm hãm lại để giữ thăng bằng cho không khí bức tranh bằng cái nền thường là màu xanh khi nhạt khi đậm. Những họa sĩ  sử dụng màu xanh rất tài tình như Nghiêu Đề với màu xanh ngọc tỏa sáng, Đinh Cường với màu xanh thăm thẳm, miên viễn, Cao Bá Minh với màu xanh mơ mộng của ký ức và Nguyễn Đình Thuần  với màu xanh đậm pha sắc xám ửng tím. Ở các họa sĩ non tay thì màu xanh này dễ dàng trở thành màu dơ, nhưng với  Nguyễn Đình Thuần nó đã trở thành một màu đặc biệt của riêng anh. Biên độ tương phản giữa nóng là tím và lạnh là xanh được anh làm dịu đi bằng màu xám, đồng thời với sắc độ sáng láng của những màu sắc tình cờ bật lên vừa như riêng rẽ vừa như hòa nhập làm cho người  ngắm tranh có cái cảm giác lạc vào khu hang động thạch nhủ có những tia nắng xuyên qua lung linh muôn sắc.

Hội họa trừu tượng đặt nền tảng trên thuần mỹ và rung cảm , một tác phẩm được coi là thành công khi nó đạt được cái đẹp và tạo được xúc động cho người xem, ngoài ra những khía cạnh khác như ý nghĩa, biểu trưng đều không quan trọng. Nắm bắt được điều này Nguyễn Đình Thuần đã cho rằng trong tranh phải có một chỗ nào đó được coi như là “xấu” để nó mới có thể làm nổi bật được cái đẹp (Không thể nào có sự toàn  hảo). Nhưng muốn có những chỗ để được coi như xấu, chắc người họa sĩ cũng phải tốn bao nhiêu là tâm huyết, mày mò để tạo nên(?). Cách nhìn sự vật của anh qua một số tranh vẽ theo lối trừu tượng biểu hiện (abstract expressionism) có khuynh hướng cao lên nên phong thái bức tranh thường thanh thoát nhẹ nhàng giúp cho tranh của anh  thêm tính đa dạng. Tính sung mãn trong tranh của Nguyễn Đình Thuần rất dễ tìm thấy ở những nét chém, chặt của chiếc dao vẽ hay những mảng màu rộn rã niềm vui và tự tin. 

Nguyễn Đình Thuần là một trong những họa sĩ có kiến thức rộng và vững chắc về hội họa là nhờ ở tinh thần yêu thích nghệ thuật, luôn luôn nghiên cứu, tìm tòi cái đẹp cho tranh của mình. Trong phương thức ngồi lắng tâm trước khung vải, màu tìm màu, ý gọi ý, ánh sáng thôi thúc bóng tối, người họa sĩ bắt kịp được cái đẹp phổ nó vào tranh của mình, đây là lúc hạnh phúc nhất của đời nghệ sĩ. Muốn nghệ thuật thăng hoa thì phải mới và đẹp. Trong loạt tranh mới nhất chuẩn bị cho cuộc triển lãm sắp đến, quả thực anh đã làm được điều này. Những bức tranh có lối bố cục khá lạ, nó gồm những khối màu sáng tối nằm vắt ngang giữa bức tranh tạo ra hấp lực trên dưới và từ bên ngoài của khung vải. Người xem sẽ cảm thấy mình bị cuốn hút theo cái hấp lực ấy, dễ dàng để cho tâm hồn mình trôi theo những tảng màu như đang bềnh bồng do cường độ đậm nhạt của sắc màu và ánh sáng.

Sau năm 1975, sự độc quyền chính trị của người chiến thắng dẫn đến những độc quyền khác trong đó có sự độc quyền về nghệ thuật, vì thế hôi họa Miền Nam bế tắc hoàn toàn. Giới họa sĩ có người đi được ra nước ngoài thì hầu hết im hơi lặng tiếng vì phải mất thời gian để ổn định đời sống mới. Số họa sĩ  bị kẹt lại thì bắt buộc phải vẽ trong cái khung tối om của Xã Hội Chủ Nghĩa nếu muốn tiếp tục. Nguyễn Đình Thuần ra trường năm 73, chưa tạo cho mình một phong cách, một chỗ đứng thì đã phải sa vào trong hoàn cảnh lịch sử này, phải đến những năm cuối của thập niên 80, chính quyền trong nước nói đến cởi trói văn nghệ, thì anh và một số họa sĩ khác như Rừng, Trịnh Cung, Nguyễn Trọng Khôi... mới vực dậy trong sáng tác. Đến thập niên 90 hầu như năm nào Nguyễn Đình Thuần  đều có triển lãm, có năm đến hai ba lần, khi thì một mình khi thì chung với các họa sĩ khác. Hơn chục lần triển lãm ấy đã tạo cho anh một uy tín, một chỗ đứng trên nền hội họa của Việt Nam, tài năng của anh phô diễn hết sức rực rỡ trong giai đoạn này. Cuối thập  niên 90 anh định cư tại Mỹ, khả năng sáng tác càng được khẳng định qua những cuộc triển lãm tại California, nhất là loạt tranh mới nhất đang bày tại nhà của anh.

Tài liệu tham khảo:

-vi.wikipedia.org

- artistvietnam.com

-  Kandinsky and abstraction. Web museum-papris.

- Hội họa sĩ trẻ Việt Nam, 1973.

(Hình  đính kèm là hai bức tranh mới nhất của Nguyễn Đình Thuần)